Với quyết tâm phát triển kinh tế, năm 2016, ông Nguyễn Văn Bích (khu Xuân Quang, phường Yên Thọ, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang đầu tư mô hình trang trại tổng hợp VAC (nuôi lợn, cá chạch và trồng cây ăn quả). Sau 8 năm phát triển, đến nay, mô hình giúp gia đình ông Bích thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương, vợ chồng ông Bích mạnh dạn dồn điền, đổi thửa để đầu tư vốn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng trọt rộng 5ha. Năm 2016, khi bắt tay vào làm, vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn.
Lựa sức mình lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng ông cải tạo đổ từng xe đất, đắp từng mét đường, đào ao thả cá. Cứ thế mỗi năm, gia đình ông cải tạo hàng trăm mét vuông đất, dần hình thành trang trại, xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả.
Ban đầu trang trại của gia đình ông chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn, quy mô đàn lợn tăng dần qua các năm. Đến nay, trang trại của ông có 7 chuồng chăn nuôi lợn tập trung.
Để chủ động nguồn giống, ông còn duy trì nuôi 300 con lợn nái, trung bình mỗi năm, trang trại này xuất 6.000 con lợn ra thị trường.
Mỗi năm, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Bích, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phường Yên Thọ, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) xuất chuồng bán ra thị trường khoảng 6.000 con lợn.
Theo ông Bích, để chăn nuôi lợn an toàn, thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi người nuôi phải cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng thực tế vào quá trình sản xuất.
Vợ chồng ông luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham quan, học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, khu vực cổng ra vào trang trại và cửa các chuồng nuôi đều phun khử khuẩn.
Việc chăn nuôi khép kín, đảm bảo quy trình chặt chẽ và chủ động con giống đầu vào giúp đàn lợn của gia đình ông khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Có thời điểm giữa “tâm dịch” tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình ông vẫn duy trì ổn định, cho lãi hàng tỷ đồng. Từ đó, gia đình ông Bích có thêm kinh phí mở rộng hệ thống chuồng trại chăn nuôi.
Năm 2020, ông Nguyễn Văn Bích đầu tư nuôi 3 ao với 5 vạn con cá chạch. Đây là giống cá thích nghi tốt với điều kiện sống tại các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên trì học hỏi kinh nghiệm, ông đã thuần phục nuôi thành công giống cá chạch tại địa phương. Đây là mô hình nuôi cá chạch đầu tiên trên địa bàn TX Đông Triều. Giống cá chạch thời gian nuôi 1,5 năm cho thu hoạch, cân nặng đạt 0,6-0,7 kg/con.
Hiện nay, toàn bộ đầu ra cá chạch được đầu mối đặt thu mua với giá 250.000 đồng/kg. Thành công từ mô hình nuôi cá chạch đã mở hướng đi mới, không chỉ tăng thu nhập mà còn đa dạng hóa giống nuôi giúp nông dân địa phương có thể liên kết nhân rộng mô hình này.
Không những vậy, xung quanh khu trang trại, gia đình ông còn trồng thêm các loại cây ăn quả, rau màu. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình VAC giúp gia đình thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định từ 9-10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Bích, chia sẻ: Mô hình VAC của gia đình anh có mối quan hệ hỗ trợ nhau mật thiết. Chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để, phân khô dùng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp, chất thải được dẫn vào bể biogas làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm vệ sinh môi trường, một phần để làm thức ăn cho cá, tất cả đã tạo thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín.
Để mô hình VAC phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc lựa chọn con nuôi phù hợp, nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo thì quan trọng nhất phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Đảng ủy phường Yên Thọ (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), cho biết: Mô hình VAC khép kín của hộ ông Nguyễn Văn Bích hiện đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đây là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của nông dân trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương; tạo hướng đi mới cho nông dân địa phương, học tập, phát triển kinh tế.