Quảng Ninh: Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình làng Trà Cổ

Nguyễn Quý Thứ hai, ngày 12/07/2021 05:30 AM (GMT+7)
Từ những ngày áp Tết Nguyên đán, 12 chú lợn giống ở làng biển Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được chọn lựa, chăm sóc kỹ càng, nóng có quạt mát, ngủ được mắc màn...và được tôn trọng gọi là "ông Voi". "Sự nghiệp" của các "ông Voi" sẽ kết thúc vào ngày 1/6 âm lịch.
Bình luận 0

CLIP: Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ

Lễ hội đình Trà Cổ được đánh giá là lễ hội có quy mô và giá trị bậc nhất, tiêu biểu nhất trong các lễ hội dân gian ở vùng biên ải, địa đầu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. 

Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi "ông Voi". 

Hội thi "ông Voi" này là cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 "cai đám" nuôi và chăm sóc - đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa.

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 1.

Mỗi "ông Voi" nặng từ 150 đến 250kg, được nuôi khoảng 6 - 8 tháng. (Ảnh: Nguyễn Quý)

Theo lệ xưa, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là "cai đám", để chuẩn bị nuôi lợn cho lễ hội năm sau. 

"Cai đám" phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. 

Những "cai đám" được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào. Vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc "cai đám" thì sẽ được lộc, mạnh khỏe, ăn nên làm ra… 

Từ đầu năm, mỗi "cai đám" sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là "ông Voi", được coi như linh vật trong nhà và của làng. 

"Ông Voi" được chăm sóc chu đáo, ăn ngủ ở 1 chuồng riêng biệt, sạch sẽ, nóng có quạt mát, ngủ được mắc màn chống muỗi... 

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 2.

12 "ông Voi" xếp hàng ngay ngắn trước sân đình, thực hiện nghi lễ chầu thần tại lễ hội đình Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: Nguyễn Quý)

Chiều 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, "ông Voi" được các "cai đám" tắm rửa sạch sẽ và cho nằm trong những chiếc cũi sơn đỏ có mái rèm che.

Sau đó, 12 "ông Voi" được các "cai đám" rước ra sân đình xếp thành hai hàng để chầu thần. Các "ông Voi" được xếp theo thứ tự, Trưởng "cai đám" đứng đầu bên phải, Phó "cai đám" đứng đầu bên trái. Mỗi bên 6 ông, xếp theo hàng dọc trước cửa đình để chầu thần.

Theo tục lệ, các "ông Voi" phải chầu thần tại đình một đêm. Các "cai đám" sẽ phải túc trực ở đình, cùng ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi.

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 3.

"Ông Voi" của "cai đám" Lê Văn Lượng được trao giải Nhất, với đầy đủ phẩm chất hình thể và trọng lượng. (Ảnh: Nguyễn Quý).

"Cai đám" Lê Văn Lượng (tổ 13, khu Tràng Lộ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, "ông Voi" mà anh rước ra lễ đình năm nay được nuôi từ 8 tháng trước. 

Theo phong tục, mỗi người đàn ông chỉ được làm "cai đám" một lần trong đời. Bởi vậy, anh Lượng ý thức ngay từ đầu trọng trách chăm sóc "ông Voi".

"Không giống như chăn lợn bình thường đâu, chuồng của 'ông Voi' lúc nào cũng sạch sẽ. Mùa đông có chăn làm đệm, mùa hè có quạt mát. 'Ông Voi' mà hắt hơi sổ mũi là phải mời bác sỹ thăm khám ngay, vì ông mà xảy ra chuyện gì thì sẽ là điềm rất gở" – anh Lượng kể.

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 4.

Sáng 1/6 âm lịch - chính hội, làng Trà Cổ tổ chức đám rước thần. (Ảnh: Nguyễn Quý).

Trong lễ hội đình Trà Cổ năm 2021, ông Khổng Minh Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trà Cổ, một người con của vùng đất giàu văn hóa này, cũng vinh dự được giao trọng trách là 1 trong số 12 "cai đám".

"Dù công việc bận rộn, tôi vẫn dành một thời gian nhất định để chăm sóc 'ông Voi'. Có đêm mưa gió bão bùng, việc đầu tiên là phải kiểm tra chuồng của 'ông Voi' xem có vấn đề gì không đã. Dù vậy năm nay 'ông Voi' của tôi chỉ được 135kg, được trao giải Khuyến khích" – ông Nguyên cười nói.

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 5.

Dù có phần hạn chế vì phòng, chống dịch Covid-19, nhưng lễ hội Đình Trà Cổ 2021 vẫn thu hút đông đảo người dân tham dự. (Ảnh: Nguyễn Quý).

Sau lễ tế cáo yết thần, ban tổ chức lễ hội sẽ tiến hành chấm giải. "Ông Voi" nào có thân dài nhất, vòng cổ to, đẹp, nặng hơn cả sẽ giành giải Nhất. 

Ngay sau phần chấm giải, các "ông Voi" trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai Đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. 

Riêng "ông Voi" đoạt giải Nhất được giữ lại để mổ tế thần. 

Trong mâm lễ tế, ngoài thủ lợn không thể thiếu túm lông vai của "ông Voi". Cúng xong, túm lông vai này được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình Trà Cổ. Đây là một nghi thức rất thiêng liêng, quan trọng trong lễ hội đình Trà Cổ.

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 6.

Với những kiến trúc và nghi thức độc đáo, Đình Trà Cổ là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Quý)

Lễ trao thưởng cho cai đám có "ông Voi" giải cao nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau. 

Mùa lễ hội Đình Trà Cổ năm 2021, "ông Voi" của anh Lê Văn Lượng, có trọng lượng 184kg, đã vinh dự giành giải Nhất - lễ hội đình Trà Cổ năm 2021.

Vào sáng mùng 1/6 âm lịch - ngày chính hội, làng tổ chức đám rước thần. Đám rước xuất phát từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết thành hoàng rồi quay trở lại đình.

Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển, thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên phù hộ con cháu mạnh khỏe, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá trong năm qua.

Những chú lợn trở thành "ông Voi" được rước kiệu trong lễ hội đình Trà Cổ - Ảnh 7.

Lễ hội Đình Trà Cổ thể hiện hào khí tự chủ, tự cường dân tộc, ngời sáng bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng biển biên cương Đông Bắc của Tổ quốc. (Ảnh: Nguyễn Quý).

Theo ông Khổng Minh Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy phường Trà Cổ, trong điều kiện bình thường, lễ hội truyền thống đình Trà Cổ thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Nhưng năm 2021, llễ hội đình Trà Cổ hạn chế khách du lịch do liên quan tới công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người tham gia lễ hội chủ yếu là dân trong vùng Trà Cổ và TP.Móng Cái...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem