Tuy nhiên, hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá chình thương phẩm thực hiện tại hộ bà Đinh Thị He (xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Nhãi) đã mở ra nhiều triển vọng cho việc phát triển mô hình này.
Cá chình là loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay cá chình giống chưa cho sinh sản nhân tạo thành công ở nước ta.
Nguồn giống cá chình phục vụ cho nuôi cá chình thương phẩm chủ yếu lấy từ tự nhiên. Vì vậy nguồn cá chình giống không đảm bảo chất lượng thả nuôi (cá không đồng đều, cá bị chích điện, câu... ) cho nghề nuôi cá chình thương phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát triển ổn định.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện mô hình cá chình thương phẩm trong bể xi măng, tại xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây với quy mô 60 m2.
Số lượng cá chình giống thả nuôi 600 con, mật độ thả cá chình nuôi bể xi măng là 10 con/m2, cỡ cá chình giống 100g/con.
Nguồn cá chình giống thả nuôi được mua của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, con cá giống đã được Viện này ươm nuôi thành công từ những ấu trùng, con cá giống nhỏ ngoài tự nhiên.
Cá chình là loài cá đặc sản, cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.
Hộ tham gia mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua con cá chình giống, thức ăn tươi và thuốc, hóa chất phòng, trị bệnh cho cá chình.
Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chình trong suốt quá trình nuôi cá chình.
Để giúp người dân trong và ngoài mô hình nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức tập huấn cho 20 hộ dân nuôi thủy sản trên địa bàn xã Sơn Tinh.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây kiểm tra đinh kỳ mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng thực hiện tại xã Sơn Tinh.
Bà Đinh Thị He cho biết: Sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi cá chình, tôi đã tiến hành xử lý bể sau khi xây xong bằng cách ngâm phèn chua (100g/m2) 2 lần (2 ngày/lần), sau đó chà sạch bằng bẹ chuối, cấp và xả nước 3 đến 4 lần kết hợp với phơi nắng trong 2 tuần.
Bên trên bể nuôi tôi thiết kế mái che lưới chống nắng, nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi luôn ổn định, tôi đã bổ sung vòi nước chảy thường xuyên đảm bảo đủ lượng oxy hòa tan để cá chình phát triển và bó ống nhựa thành từng bó cho vào bể nuôi để làm chỗ trú ẩn cho cá chình.
Cá chình là loài ăn tạp, ăn các loại cá con, cá diếc, cá rô phi, cá mè….nên trong quá trình nuôi tôi đem thức ăn tươi xay nhuyễn trước khi cho vào sàng ăn cho cá ăn.
Đồng thời, bà He trộn bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cũng như nâng cao tỷ lệ sống cho cá chình.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình của cán bộ kỹ thuật Trung tâm hướng dẫn nên trong quá trình nuôi cá chình sinh trưởng và phát triển tốt, không xuất hiện dịch bệnh. Sau 8 tháng nuôi, trọng lượng trung bình 0,7 kg/con, tỷ lệ sống đạt 90%.
Bà Đinh Thị He cho biết thêm cá chình càng lớn thì hiệu quả kinh tế càng cao, nên bà tiếp tục nuôi một thời gian nữa.
Với giá cá chình bán ra ổn định như hiện nay từ 550.000 đồng/kg – 600.000 đồng/kg. Nếu nuôi thêm khoản 10 tháng nữa cá chình sẽ đạt trọng lượng khoảng từ 1,5 – 2 kg/con thì tổng thu của mô hình đạt trên 300 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng.
Từ hiệu quả của mô hình trong năm 2022, năm nay, gia đình bà Đinh Thị He tiếp tục thả nuôi đúng quy mô, lượng giống, mật độ và cỡ giống.
Đồng thời, bà He cũng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá chình đã được tập huấn và kinh nghiệm trực tiếp thực hiện từ mô hình của năm trước. Hiện nay, đàn cá chình đang phát triển tốt, có khả năng mang lại hiệu quả như năm trước.
Thành công của mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng ở xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy đặc sản tại địa phương, mở ra triển vọng phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân miền núi.