Về danh tướng Trần Khát Chân, tại quê hương Thanh Hóa nói riêng và trên đất nước ta nói chung có nhiều ngôi đền được nhân dân lập lên để tưởng nhớ, tri ân công đức của ông.
Trong đó, có ngôi đền ở chân núi Đốn Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc). Tại nơi ông hi sinh là một địa chỉ tâm linh đặc sắc.
Nằm về phía Đông Bắc của dãy núi Đốn Sơn, cách Thành Nhà Hồ khoảng hơn 2km, Di tích lịch sử cấp quốc gia – Đền thờ Trần Khát Chân tọa lạc dưới chân núi Đốn Sơn (thuộc thị trấn Vĩnh Lộc) là một địa chỉ văn hóa tâm linh đặc sắc trên miền đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt.
Theo sử sách, Thượng tướng Trần Khát Chân sinh năm Bính Tuất (1366), là con của bà Nguyễn Thị Điểm quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông là người họ Lê, hậu duệ của Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành), gia tộc ba đời làm khanh tướng.
Từ nhỏ Trần Khát Chân sớm đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, giỏi võ, lắm cơ mưu. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp, giúp vua Trần Nghệ Tông trong việc trị nước an dân.
Mặc dù là người dòng dõi họ Lê nhưng thời vua Trần Thái Tông, ông được mang quốc tính họ Trần nên đổi tên là Trần Khát Chân.
Với những công trạng của mình, Trần Khát Chân được phong Thượng tướng quân, được ban thái ấp ở làng Hà Lãng huyện Vĩnh Linh (tức Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay).
Triều Trần bước vào giai đoạn thoái trào, không còn lớn mạnh như những năm kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Vua quan bắt đầu sa đọa, trong nước giặc loạn khắp nơi; phía Bắc giặc Minh đô hộ, phía Nam quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga đem quân vượt biên giới đánh Đại Việt liên tiếp.
Năm Quang Thái thứ hai (1389), vua Chế Bồng Nga nước Chiêm Thành đem quân xâm lược nước Đại Việt, khi đó Hồ Quý Ly đem quân đi chiến đấu song bị thua trận phải chạy rút về Đông Đô.
Tức giận trước sự xâm lược của ngoại bang, Trần Khát Chân xin hoàng thượng Trần Nghệ Tông đem quân ra trận diệt giặc thù với quyết tâm “không đuổi được giặc xâm lăng thì không quay về”.
Tháng giêng năm Canh Ngọ (1390) Chế Bồng Nga đi thị sát trên sông Hải Triều (Hưng Yên), Trần Khát Chân với tinh thần dũng cảm mưu cao lừa giặc, ông cùng với cận thần giả danh làm ngư dân chài lưới trinh sát trên sông.
Biết rõ nơi đậu thuyền của Chế Bồng Nga, ông đã dùng hỏa công bắn trúng thuyền giặc, tiêu diệt tại chỗ Chế Bồng Nga rồi đem thủ cấp của tướng giặc về tâu hoàng thượng ở bến Bình Than. Tướng mất, quân Chiêm Thành tan tác phải tháo chạy về nước.
Do có công lớn diệt giặc Chiêm Thành, Trần Khát Chân được phong Thượng tướng quân lần thứ hai khi mới 24 tuổi.
Ông lại được triều đình cấp đất đai lập ấp ở quận Hoàng Mai phía Nam thành Thăng Long Hà Nội. Thời điểm này triều Trần tiếp tục sa lầy trong suy thoái. Hồ Quý Ly bấy giờ là quan đầu triều và là bố đẻ của Hoàng hậu chính cung đã lộng ép vua Trần dành lấy sứ mạng cai trị muôn dân.
Năm Quang Thái thứ 10 (1397), Hồ Quý Ly cho dời đô về Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) thực hiện hàng loạt cải cách xã hội, ép vua Trần nhường ngôi cho Thái tử khi đó mới 3 tuổi lên làm vua; thực chất lúc này mọi quyền lực đất nước rơi vào tay Hồ Quý Ly.
Phẫn uất trước sự lũng đoạt quyền lực của Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân chiêu mộ các quan quân nhà Trần lập mưu lật đổ Hồ Quý Ly, giành lại cơ đồ nhà Trần.
Mùa hạ năm 1399 khi Hồ Quý Ly lập đàn tế Nam Giao tại chân đồi phía tây nam dãy núi Đốn Sơn, đây là lễ hội cầu trời đất đầu tiên trong lịch sử thời nhà Hồ. Khi đại lễ Nam Giao được trống dong cờ mở, gươm giáo rợp trời, Trần Khát Chân cầm đầu đội quân âm mưu lật đổ Hồ Quý Ly song việc bất thành.
Kết cục, Trần Khát Chân cùng 370 quan quân triều Trần bị quân lính của Hồ Quý Ly bắt giữ, bị đem ra hành quyết ngay chân núi Đốn Sơn, gần khu diễn ra đàn tế Nam Giao. Đó được coi là hội tế đẫm máu trong lịch sử thời bây giờ.
Tương truyền khi bị hành quyết, Trần Khát Chân vẫn hiên ngang phi ngựa lên đỉnh núi Đốn Sơn, hát vang ba tiếng “Trời Đất” khiến trời đang nắng bỗng tối sầm.
Truyền rằng Trần Khát Chân sau khi chết ba ngày sắc diện vẫn hồng hạo vượng khí, tươi nguyên như lúc sống.
Ngựa chiến của Ngài không còn chủ, chạy ra bờ sông Mã định băng qua sông song vì sông rộng lên ngã quỵ giữa sông.
Dấu tích nơi ngựa chiến quỵ xuống trên sông Mã sau này tạo thành một gò cát ngày nay nhân dân vẫn gọi là Gò Ngựa.
Trần Khát Chân mất ngày 24 tháng 4, khi mới 33 tuổi. Tưởng nhớ công đức của Ngài, từ đó, hàng năm nhân dân lấy ngày 24/4 tổ chức lễ hội bơi thuyền tượng trưng cho thủy quân của ngài trước kia đã tiêu diệt Chế Bồng Nga, đánh đuổi ngoại xâm.
Sách Đại Nam quốc sử và thơ văn của các triều đại Hậu Lê triều Nguyễn đã miêu tả khí phách của Trần Khát Chân là con người bất khuất, là bậc tôi trung.
Tri ân công đức của Ngài, nhân dân đã lập đền thờ Trần Khát Chân trên núi Đốn Sơn ngay trên mộ của ngài nên nhân dân vẫn thường gọi là “thượng sàn hạ mộ”.
Bảng tóm tắt tiểu sử đền Đức Thánh Trần Khát Chân ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Vào đầu thế kỷ 16, nhân dân đã tôn ngài làm Thành hoàng làng của ba tổng: tổng Bỉnh, tổng Cao và tổng Hồ; ngày nay là Quang Biểu, Cao Mật và Hồ Nam thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Vì tôn vinh Trần Khát Chân là một vị Thánh trong tín ngưỡng dân gian nên từ xưa nhân dân trong vùng Vĩnh Lộc có lệ Cầu Đảo, khi trời hạn hán kéo dài nhân dân địa phương đã tổ chức rước bài vị của Trần Khát Chân ra sông Mã để tế trời đất cầu mưa, tế xong lập tức mưa đổ xuống cứu dân làng khỏi hạn hán, cho mùa màng no ấm.
Trần Khát Chân còn là một nhà quân sự lớn của dân tộc ta ở thế kỷ 14. Học viện nghiên cứu khoa học chiến tranh quân sự Việt Nam đánh giá, ông là người Việt Nam đầu tiên sử dụng sức mạnh của pháo binh để đề bạt sức mạnh quân thù trong các cuộc giao tranh, kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, đền thờ Trần Khát Chân được xây dựng ngay trong thị trấn Vĩnh Lộc, dựa lưng vào núi Đốn Sơn, ngôi đền nằm dưới tán lá quanh năm xanh tốt của một quần thể cây đại thụ như: Cây trôi, cây sộp, bồ đề, vải, đa, si, sung...
Ngoài thờ Đức Thánh Trần Khát Chân, trong đền còn thờ một số tướng lĩnh triều Trần cùng sát cánh bên Ngài dù mưu lớn chưa trọn vẹn.
Theo quan sát, kiến trúc của đền bao gồm: Nghinh môn, tiền đường, trung đường và hậu cung; ngoài ra còn các công trình kiến trúc khác như: Lầu Ngư dội, nhà sắm lễ... Được biết hiện trong đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, nhất là sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ca ngợi công đức của Thượng tướng quân.
Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức ngày kỵ của Thượng tướng quân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức của bậc tiền nhân và giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Thượng tướng Trần Khát Chân vẫn mãi là khúc ca đẹp về tinh thần kiên trung bất khuất xả thân vì nước, tấm gương sáng ngời được đời sau truyền tụng.