Danh tướng giúp Lý Thường Kiệt đánh 3 châu của nhà Tống là Tông Đản sao sau này cứ gọi là Tôn Đản?

Thứ năm, ngày 12/10/2023 05:17 AM (GMT+7)
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Tông Đản là danh tướng có công lớn trong trận tấn công vào châu Ung, châu Khâm và châu Liêm cuối năm 1075, đầu năm 1076, do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Tuy nhiên, người đời vẫn quen gọi ông là Tôn Đản.
Bình luận 0
Lý do chính yếu có lẽ là vì lệ kỵ húy một vị vua thời nhà Nguyễn. Đó là vị vua thứ ba của triều Nguyễn - Thiệu Trị, có tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, cho nên tất cả nhân vật lịch sử trước đó có tên hoặc hiệu hay tự là Tông đều phải đổi thành Tôn.

Tông Đản là một trong những tù trưởng nổi tiếng, người dân tộc Tày. Ông sống cùng thời với Lý Thường Kiệt, nhưng cho đến nay chưa ai rõ năm sinh, năm mất cũng như quê quán của ông. 

Cuối năm 1075, thực hiện chủ trương tiên phát chế nhân (chủ động xuất quân ra trước để khống chế mọi hoạt động của đối phương), đại binh của triều Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã tràn sang Trung Quốc để tiêu diệt 3 căn cứ quân sự nguy hiểm của nhà Tống ở châu Ung, châu Khâm và châu Liêm. 

Đây là cuộc tấn công hết sức táo bạo, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những nguy hại lớn đối với vận mệnh quốc gia. 

Châu Ung, châu Khâm và châu Liêm lại ở cách biệt nhau, cho nên vai trò độc lập chỉ huy tác chiến của các tướng lĩnh trong trận này là rất quan trọng. 

Và Lý Thường Kiệt đã tin cậy mà trao phó nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ châu Ung cho Tông Đản, còn đánh vào châu Khâm và châu Liêm thì do đích thân Lý Thường Kiệt đảm trách.

Danh tướng giúp Lý Thường Kiệt đánh 3 châu của nhà Tống là Tông Đản sao sau này cứ gọi là Tôn Đản? - Ảnh 2.

Trong 3 căn cứ này, châu Ung cách xa biên giới Đại Việt hơn cả. Châu Ung có thành trì kiên cố, quân số đông, lương thực dồi dào, vũ khí đầy đủ. Nếu không nắm vững nghệ thuật đánh thành thì rất dễ có khả năng bị sa lầy ở châu Ung, mà sa lầy ở châu Ung thì tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng hết sức bất lợi cho Đại Việt. 

Tuy nhiên, Tông Đản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy ủy thác của chủ tướng Lý Thường Kiệt và quân, dân Đại Việt lúc bấy giờ.

Vào thời đó, từ khi lên nắm quyền Tể tướng, Vương An Thạch thường có ý lập công ở ngoài biên giới nhà Tống. Quan giữ chức Tri châu của châu Ung là Tiêu Chú đón biết ý đó của Vương An Thạch liền dâng thư nói rằng, Giao Châu tuy đã giữ đúng lệ triều cống nhưng thực ra thì vẫn ăn ở 2 lòng, nay nếu bỏ lỡ, không đánh chiếm lấy thì sau này chắc chắn sẽ phải nặng mối lo. 

Vua nhà Tống tin lời, bèn xuống chiếu cho Trầm Khởi thường quấy rối nước ta. Nhà Tống còn ra lệnh nghiêm cấm các châu, huyện không được mua bán, trao đổi với ta. 

Vua ta đưa thư kháng nghị sang nhà Tống thì quan lại nhà Tống đem “dìm” hết các thư ấy đi, vì thế vua ta giận lắm, sai Lý Thường Kiệt và Tông Đản thống lĩnh hơn 10 vạn quân, chia đường sang đánh nhà Tống.

Lý Thường Kiệt dẫn quân đến châu Khâm và châu Liêm, đánh phá được. Quân Tống bị giết trên 8.000 tên. Tông Đản đem quân đi đánh châu Ung. Quan Đô giám của Quảng Tây là Trương Thủ Tiết nghe tin vội đem quân đến cứu, nhưng đội quân này bị Lý Thường Kiệt đón đánh tan tành ở cửa ải Côn Luân, Trương Thủ Tiết bị chém tại trận. 

Tông Đản vây châu Ung hơn 40 ngày đêm. Quan giữ chức Tri châu của châu Ung là Tô Giám cứ đóng cửa thành để cố thủ. Tông Đản sai quan quân xếp từng bao đất sát theo chân thành để tạo ra những bậc thang mà leo lên, thành liền bị hạ. Tô Giám bị bắt cùng 36 người nhà của hắn.

Vì không chịu nỗi nhục thua trận nên Tô Giám đã nhảy vào lửa tự tử. Giặc trong thành cảm phục Tô Giám nên không chịu đầu hàng. 

Quan quân của Tông Đản giết và bắt sống hơn năm vạn tám ngàn người. Nếu cộng với số bị giết ở châu Khâm và châu Liêm thì tất cả phải tới 10 vạn. Lý Thường Kiệt cùng chư tướng bắt tù binh ở 3 châu dẫn về. Việc này đến tai vua Tống. Vua Tống truy tặng Tô Giám là Phụng quốc Tiết độ sứ, tên thụy là Trung Dũng.

Lời bàn:

Về sự kiện này, sử gia lỗi lạc của dân tộc ở thế kỷ XV là Ngô Sĩ Liên đã viết trong chính sử như sau: Nhà Tống ban cho Tô Giám tên thụy là Trung Dũng, như thế cũng đủ để người đời sau hiểu rõ hơn về sự trung dũng, tài ba và mưu lược của Lý Thường Kiệt vậy. 

Và từ ý của sử gia Ngô Sĩ Liên, chúng ta cũng có thể nói tiếp rằng, khen Lý Thường Kiệt trung dũng cũng tức là gián tiếp khen Tông Đản trung dũng vậy. Lý Thường Kiệt và Tông Đản đều đúng là anh hùng tương ngộ, họ gắn bó với nhau, cùng nhau làm nên sự nghiệp phi thường của dân tộc ta ở thế kỷ XI.

Và cũng với sự kiện này, sử gia Ngô Thì Sĩ đã viết trong sách “Việt sử tiêu án” rằng: Việc đường đường chính chính đem quân vào nước người, đến không ai địch nổi, về không ai dám đuổi theo thì phải kể đến đệ nhất võ công là trận đánh vào châu Ung, châu Liêm của Lý Thường Kiệt và Tông Đản. 

Từ đây, nước Tàu không dám coi thường nước ta. Mục đích chiến đấu của Lý Thường Kiệt và Tông Đản ngày ấy là giữ vững chủ quyền lãnh thổ, nhưng bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bất kể đó là dân Việt hay dân Tống khỏi đau khổ là một tư tưởng nhân nghĩa hết sức cao đẹp của bộ chỉ huy chống quân Tống ngày ấy. 

Tư tưởng nhân nghĩa đó vượt khỏi phạm vi dân tộc và thời đại. Dù có thể đây chỉ là một “cái cớ” để 2 ông cất quân chiến đấu, nhưng ít nhiều nó thể hiện được quan điểm “thân dân” và chiến thuật “tâm công” của 2 ông.

N.D (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem