Dân Việt

Những nông dân, hợp tác xã tiên phong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải 20/04/2024 18:57 GMT+7
Những năm gần đây, nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành xu hướng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, nông nghiệp tuần hoàn đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đơn vị HTX nói chung và người dân nói riêng áp dụng thành công mô hình này trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Điển hình như HTX Nông sản Phú Lương (xã Ôn Lương, huyện Phú Lương) do ông Tống Văn Viện làm Giám đốc, HTX chuyên về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chè. Sau hơn 10 năm tập trung phát triển, đến nay ông Viện đã có một hệ thống kinh doanh chè ổn định trên thị trường.

Hiện nay HTX Nông sản Phú Lương đang áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất chè đó là anh đầu tư một xưởng sản xuất phân bón hữu cơ chuyên thu gom các phụ phế phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng, sau đó ủ phân vi sinh hữu cơ. Khi đã tạo ra một lượng phân vi sinh hữu cơ ổn định, HTX sẽ cung cấp cho người dân để phát triển cây chè.

Những nông dân, hợp tác xã tiên phong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Thái Nguyên- Ảnh 1.

Ông Tống Văn Viện - Giám đốc HTX Nông sản Phú Lương (ngoài cùng bên trái) là người phát triển hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hà Thanh

Cùng với đó, HTX có kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc cây chè, cách chế biến chè sao cho đạt chất lượng cao nhất. Khi chè của người dân đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng yêu cầu, HTX sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người dân.

Với mô hình này vừa giúp tận dụng tối đa những phế phụ phẩm trong nông nghiệp để bón cho cây chè, đồng thời lại giúp nâng cao chất lượn và giá trị sản phẩm từ cây chè. Nếu như trước đây giá chè tươi của bà con trong vùng chỉ có giá bán dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg, thời điểm giá cao nhất đạt 27.000 - 28.000 đồng/kg thì khi sản xuất theo đúng yêu cầu đặt ra, HTX sẽ thu mua với giá từ 30.000 - 38.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm là 40.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường).

Cũng trên địa bàn huyện Phú Lương, gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương đang áp dụng chăn nuôi khoảng 21 con hươu sao lấy nhung và sinh sản. 

Tận dụng nguồn phân của hươu thải ra, ông Hiền đã kết hợp trồng thêm cây sâm nam để sử dụng nguồn phân bón giúp cây trồng phát triển tốt, từ đó giảm đáng kể chi phí mua phân bón. Ngược lại, ông Hiền sử dụng lá cây sâm nam để làm nguồn thức ăn cho hươu giúp tăng sức đề kháng cho hươu và giảm chi phí thức ăn đáng kể.

"Nhận thấy mô hình này đang phát triển tương đối hiệu quả, trong thời gian tới, tôi đang có kế hoạch sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi hươu cũng như phát triển rộng mô hình trồng sâm nam trên diện tích vườn đồi của gia đình mình", ông Hiền cho hay.

Những nông dân, hợp tác xã tiên phong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Thái Nguyên- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Hiền, xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên trồng sâm nam, tận dụng lá làm thức ăn cho hươu trong khi chờ thu hoạch hoa và củ. Ảnh: Hà Thanh

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú (xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) đang phát triển mô hình nuôi gà thịt kết hợp nuôi gà đẻ trứng với quy mô tương đối lớn.

Tận dụng nguồn phân gà thải ra tương đối lớn, ông Tuyên đã nuôi giun trùn quế bằng nguồn thức ăn này. Cùng với đó, ông Tuyên sẽ sử dụng giun trùn quế để chăn nuôi gà và lươn. Nguồn thức ăn này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp vật nuôi lớn nhanh, khoẻ, chất lượng thịt thơm ngon và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó sản phẩm gà thịt và trứng gà của HTX khi bán ra thị trường có giá trị cao hơn hẳn, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên HTX.

Những nông dân, hợp tác xã tiên phong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Thái Nguyên- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú tận dụng nguồn phân gà để nuôi giun trùn quế và sử dụng giun làm thức ăn cho lươn. Ảnh: Hà Thanh

Hiện, ông Tuyên đang chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, trong thời gian tới, ông dự định sẽ chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, giúp cải thiện môi trường sống, giảm thiểu đáng kể việc sử dụng kháng sinh.

Ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên khẳng định, mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

"Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, hợp tác xã để nhân rộng mô hình. Đồng thời có cơ chế nhằm khuyến khích các HTX chăn nuôi liên kết với các HTX trồng trọt để phát triển nông nghiệp tuần hoàn", ông Hưởng nói.