Dân Việt

Thời Lý-Trần, tại sao vùng đất Vĩnh Phúc lại xây nhiều tháp, nay còn tháp Bình Sơn ngót 1.000 năm tuổi?

vinhphuc.gov.vn 20/04/2024 10:05 GMT+7
Thời Lý - Trần, ở Vĩnh Phúc đã có nhiều tháp. Tháp là một bộ phận, một phần công trình nghệ thuật quan trọng của chùa. Cùng với chùa, tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và là nơi để hài cốt các nhà sư. Các tầng của tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của các phật tử.

Trong số tháp còn lại hiện nay ở Vĩnh Phúc chỉ có tháp Bình Sơn làn cao nhất, tên chữ là tháp chùa Vĩnh Khánh, tục gọi là chùa Then ở xã Tam Sơn (huyện Lập Thạch). 

Tương truyền tháp có 15 tầng. Cứ theo các cụ ở địa phương thì trước kia, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp một dáng vươn lên khá đẹp. 

Hiện nay chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, tất cả cao 16,5 mét. Tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, Cạnh cửa tầng dưới cùng là 4,45 mét; cạnh cửa tầng thứ 11 là 1,55 mét. Tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại: một loại hình vuông có kích thước là 0,22m x 0,22m, một loại hình chữ nhật có kích thước có kích thước 0,45m x 0,22m. 

Phần ruột tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân tháp lên ngọn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc ... 

Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời kỳ phong kiến tự chủ cường thịnh thời Lý – Trần (thế kỷ XII – XIII).

Thời Lý-Trần, tại sao vùng đất Vĩnh Phúc lại xây nhiều tháp, nay còn tháp Bình Sơn ngót 1.000 năm tuổi?- Ảnh 1.

Tháp Bình Sơn (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Những khỏa sát và nghiên cứu gần đây cho thấy gạch dùng để xây dựng tháp Bình Sơn được nung với độ lửa cao. 

Để cho các viên gạch có thể đứng với nhau theo một chiều cao dựng đứng mà không cần vôi vữa, những người xây dựng tháp đã sáng tạo những phương pháp lắp ghép khá độc đáo. Viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. 

Còn có cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ 2 viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì dùng để dựng chân tháp.

Chân tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau làm cho khách tham quan có cảm tưởng như tòa tháp được mọc lên từ một bông sen lớn. 

Tầng tháp thứ nhất cao 2,27 mét, cạnh 3,30 mét, bốn mặt đều hình tổ tò vò và có sáu chữ nhật dọc, đế nào cũng có ba ô tròn trạm rồng nổi, thân rồng uốn tròn, nằm trên một nền cúc dây. Các ô rồng này lại được đặt nằm trong khung khắc chìm các cánh hoa cúc có hình dấu phẩy. Các đế có hình rồng này được trang trí là đề, hoa dây cuốn nổi. 

Tầng tháp thứ hai cao 1,68 mét, cạnh 2,27 mét, có một hàng cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch. Bốn khung cửa tò vò của tầng tháp này đều có mỗi bên tám khung hình chữ nhật, mỗi khung có hình đắp nổi một ngôi tháp nhỏ 5 tầng tỏa ánh hào quang với những đường chỉ chiếu ra bốn phía. 

Ngoài bình tháp nhỏ, ta lại gặp nhưng mô típ trang trí lá đề, cúc dây, hoa dây cuốn nổi. Ở tầng thứ tám cũng có trang trí hình tháp nhỏ. Cả 11 tầng tháp đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn với các hình cánh hoa cúc, sư tử vờn cầu, sóng lượn lá đề, hoa chanh ... 

Mỗi tầng tháp đều có nhiều hàng gạch khẩu nhô ra làm mái. Theo lão họa sĩ dân gian Nam Sơn (nguyên là ông từ chùa Vĩnh Khánh) và các cụ già trong vùng thì ở mỗi ô cửa tò vò của các tầng thấp xưa kia đều có tượng Phật Bà.

Hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên vuốt tóc. Hình sư tử vờn cầu ở chân bệ tháp đơn giản, hai con sư tử đều không có họa tiết và đồ án trang trí trên thân mà chỉ là hai hình trơn. 

Cặp sư tử ở đây không quay đầu đối nhau, đưa chân trước vờn cầu như kiểu ở một số chùa khác, mà một con tiến về phía quả cầu, một con đã tiến quá quả cầu, quả cầu nằm trên đuôi nó, còn nó quay đầu ngoảnh lại.

Về niên đại tháp Bình Sơn, một học giả thực dân là Bezacier cho ràng đây là “nghệ thuật Đại La”, có nghĩa là nghệ thuật thuộc văn hóa Đường du nhập sang Việt Nam vào thời Cao Biền làm quan đô hộ xứ giao châu (khoảng thế kỷ thứ VII). 

Đây là một quan điểm muốn tách công trình nghệ thuật tạo hình tuyệt tác này ra khỏi văn hóa bản địa và mang tư tưởng miệt thị dân tộc ta, đề cao công cuộc “khai hóa” của kẻ xâm lược. 

Ngày nay, các nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã khẳng định tháp Bình Sơn là một công trình nghệ thuật của Việt Nam, do bàn tay và khối óc của nhân dân Việt Nam sáng tạo vào thời Lý – Trần. Niên đại tuyệt đối của tháp còn là một vấn đề cần được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Người dân Lập Thạch, hay các bạn khách xa gần mỗi khi có dịp từ Xuân Hòa ra bến Then, qua sông Lô sang Phú Thọ, hay từ bến Then về Xuân Hòa đi Vĩnh Yên, dẫu không có thời gian vào lễ chùa Vĩnh Khánh, cũng lưu luyến ngắm nhìn tháp Bình Sơn, cây tháp đã trải ngót nghìn năm tuổi vẫn tươi rói màu đỏ gạch nung, không một gợn rêu phong, và vẳng nghe đâu đó lời nhắn nhủ vọng lên từ xa xưa.

Một số truyền thuyết dân gian liên quan đến tháp cổ Bình Sơn 

1. Cánh đồng Tháp ở Tứ Yên

Các cụ nói cây tháp hiện nay vốn được xây ở giữa cánh đồng Nẫu xã Tứ Yên, Lập Thạch. Không hiểu tại sao chỉ sau một đêm mưa bão dữ dội mà cây tháp đã “nhảy” về địa phận xã Tam Sơn và ở vị trí như ta thấy. Bây giờ người dân Tứ Yên vẫn gọi cánh đồng Nẫu là cánh đồng Tháp.

2. Con vịt vàng

Truyền thuyết kể rằng xưa kia ở phía tây tháp Bình Sơn còn có một cây tháp nữa màu xanh. Một đêm nọ, dân xung quanh chợt nghe một tiếng ầm lớn, rồi từ phía cây tháp vọt lên trời một luồng sáng ngũ sắc. 

Mọi người chạy ra thì cây tháp đã biến mất, nơi vị trí cây tháp tụt xuống thành cái giếng hình tựa bàn chân khổng lồ, gót quay về phía tây nam, nước luôn thay đổi màu sắc: lúc trong vắt, lúc vàng, lúc đỏ, lúc xanh ...

Các cụ già quanh vùng còn kể lại vào những đêm trăng sáng thường thấy con vịt vàng bơi ở giếng. Giếng ấy hiện nay vẫn còn, nhưng người Tam Sơn chưa ai được nhìn thấy vịt vàng.

3. Truyện ông Ngụy Đồ Chiêm

Ngày xưa ở gần tháp Bình Sơn có một cái chợ. Mẹ con một người đàn bà không rõ từ đâu tới, dựng một cái quán bán nước bên gốc cây đa ở đầu chợ. Chú bé hàng ngày đi học, cứ nghe văng vẳng tiếng nói: “Cậu sắp sướng rồi”. 

Chú bé kể với mẹ. Bà mẹ mang trầu nước ra quỳ dưới chân tháp, thắp hương khấn vái. Bỗng từ trên đỉnh tháp rợi xuống ba hòn đá như hình ông đầu rau. Bà mẹ bê về lều, kê bếp nấu nước. Đun nấu mãi, đã vẫn đỏ như gạch, không ám khói.

Ít lâu sau, có mấy người khách đi bán thuốc cao ghé vào hàng uống nước. Họ cứ nhìn cây tháp rồi lại nhìn thấy hòn đá kê bếp. Một người trong bọn khách nói: Bà cụ cho chúng tôi mấy hòn đá kê bếp, chúng tôi sẽ chỉ chỗ đất tốt để đặt mộ ông cụ. 

Ngay đêm ấy bà cụ đưa mấy người khách về quê, đem hài cốt chồng lên táng ở chân núi Sáng, tại quả đồi dân quanh vùng gọi là núi Hình Nhân. Khi bà mẹ hấp hối, gọi con đến dặn rằng: những người khách dạo xưa bảo bao giờ con có cờ, có kiếm thị phải lên tạ mộ. 

Trên đường đi gặp bất cứ ai, gặp bất cứ con già đều phải chém chết. Người con lớn lên, lấy tên là Chiêm. 

Anh hay giúp đỡ mọi người, nên được dân làng rất yêu mến. Lúc đó trong vùng có một bọn cướp hay đến hành hạ dân lành. Anh Chiêm tập hợp những thanh niên cường tráng lên núi luyện tập, đêm về thay nhau canh gác bảo vệ dân làng. 

Mọi người tôn Chiêm lên làm thủ lĩnh. Thấy mình đã có cờ, có kiếm, nhớ lời dặn, Chiêm lên núi tạ mộ. Vừa ra đến ngõ, gặp người đàn bà chửa, lại đã từng giúp đỡ mẹ mình ngày trước, Chiêm không nỡ chém. Đến mộ, thấy có 2 con rắn, Chiêm cho là bố mẹ mình hiện hồn, bèn gác kiếm quỳ lễ rồi về.

Hôm sau, Chiêm huy động người lên núi vác đá về lát đường qua xã Đồng Quế bấy giờ. Đường lát chỉ một đêm là xong. Không biết có bao nhiêu người tham gia, chỉ biết sáng hôm sau, dân đi làm nhặt được mấy gánh điếu cày về làm củi. 

Có kẻ xấu bẩm với quan trên là ông Chiêm đang chiêu mộ dân binh để mưu phản. Triều đình cho quân đi đánh dẹp. Nhưng quan quân cứ sang đến đất Lập Thạch là voi ngựa lại hí lên, không chịu đi nữa, phải quay về. Thanh thế ông Chiêm, vì thế ngày càng mạnh. Triều đình gọi ông là Ngụy Đồ Chiêm.

Mấy người khách bán thuóc cao ngày nào, ở bên Tàu xem thiên văn, biết là ông Chiêm không chém người, chém vật (nếu chém, thì ông chỉ đựoc làm một chức quan nhỏ, đủ sống cả đời. Nhưng không chém, ông có thể làm vua, sẽ đánh sang cả Tàu). 

Họ tìm cách diệt ông. Họ đến gặp ông, và nói: ngôi mộ của cụ nhà đã phát, nhưng còn thiếu tay long. Ngài phải cho đào con lạch từ núi Sáng về qua mộ thì mới chóng thành công. Ngụy Đồ Chiếm lập tức cho đào ngay. 

Con lạch đào xong, ông bỗng thấy rã rời thân thể. Giữa lúc đó quân triều đình lại tràn sang, dân binh tan vỡ. Ngụy Đồ Chiêm ôm kiếm chạy vào cây tháp rồi biến mất.

4. Đài quan sát ca nô của Pháp

Hồi những năm 1947 – 1948, trên đỉnh tháp Bình Sơn có một cây đa to. Các cụ già bảo rễ của nó xuyên qua lòng tháp ăn xuống đất. 

Có dạo du kích của ta đã leo theo rễ này lên tầng trên cùng của tháp để theo dõi hoạt động của ca nô tầu chiến Pháp, báo cho ban chỉ huy lập kế hoạch tác chiến, giành thắng lợi lớn.

Sự kiện này chỉ thấy bà con vùng Tam Sơn kể lại, chưa thấy ghi trong các cuốn lịch sử viết về Lập Thạch. Vậy ta coi như là một truyền thuyết dân gian mới xung quanh tháp cổ Bình Sơn.