Ngoài cổng gần đường ĐT786, đã thấy tấm biển báo “Di tích LSVH gò Cổ Lâm” bằng bê tông cốt thép sơn xanh đứng trước cổng chùa. Nhưng, rêu phong che mờ khiến bảng chữ đã hơi khó đọc.
Tấm biển báo di tích trên đường 786-di tích quốc gia - khảo cổ học gò Cổ Lâm, tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, (tỉnh Tây Ninh).
Qua cổng thứ hai, nhìn chếch sang bên trái là khu “trưng bày mở của di tích” gồm 3 gian nhà tôn che phủ lên vị trí có 5 ngôi tháp gạch (chỉ còn phần móng).
Tấm bảng ghi “Trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách” đã bị lật nhào, do phần chân móng đổ bê tông chỉ bằng hoa bắp chuối.
Người dân đã tự dựng lên, buộc tạm vào hàng rào. Ngôi nhà xây khoảng 15m2 ngay sau cổng được gọi là phòng trưng bày, nhưng ngoài mấy tấm ảnh treo trên tường đã từ lâu, thì không có vật “trưng bày” nào cả.
Trong khi đó, quanh gò, những phiến đá “cấu kiện” của di tích đền tháp cổ vẫn nằm rải rác ở khắp nơi, như những món bỏ đi.
Đáng buồn nhất là phần gò dưới mái che- phần chính được xem là một “bảo tàng mở” để du khách tham quan, thì nay chỉ là một mặt gò lổn nhổn bụi đất và gạch vỡ bạc màu, khô xác.
Một lòng hố tháp để phục vụ du khách xem cấu trúc móng tháp cổ xưa đã thành ô chuồng nuôi vịt, với 1 vịt mẹ và đàn vịt con với 5-6 con.
Nói như một chị đang làm công quả cho chùa Cổ Lâm, thì: “Bảo tàng chi mà thật hoang tàn”.
Sau tết sẽ là thời điểm du khách hành hương viếng chùa đầu xuân. Ai đến Cổ Lâm tự, xin đừng quên nơi đây còn có một di tích lịch sử văn hoá quốc gia, về một nền văn minh đã từng phát triển rực rỡ từ hơn 1.000 năm trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.