Công ty cổ phần DAP – VINACHEM (mã DDV) đã công bố BCTC quý I/2024 với doanh thu thuần tăng 5% so với cùng kỳ lên 778 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ hơn 2% lên 710 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp tăng 64% lên 68 tỷ đồng.
DAP – VINACHEM cho biết, doanh thu tăng trưởng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ quý I tăng khoảng 7.840 tỷ (16%) lên 57.836 tỷ đồng, tuy nhiên giá bán bình quân giảm khoảng 8% xuống 1,18 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, giá vốn chiết khấu giảm đáng kể so với sản lượng nhờ chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính như lưu huỳnh, amoniac giảm, cộng thêm việc hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho giúp giảm giá vốn so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính giảm 14% xuống 8 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm tới 84% xuống còn chưa tới 600 triệu đồng. Chi phí tài chính giảm chủ yếu nhờ giảm tỷ lệ chiết khấu thanh toán và giảm lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.
Các loại chi phí khác trong kỳ cũng giảm. Chi phí bán hàng quý I giảm 4% xuống 23 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 14% xuống 20 tỷ đồng.
Kết quả, DAP – VINACHEM ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 4.715% lên 33 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I tăng tới hơn 18.000% so với cùng kỳ năm 2023, từ hơn 140 triệu đồng lên 26 tỷ đồng.
Tính đến 31/3, quy mô tổng tài sản của DAP – VINACHEM là 2.019 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng (5%) so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 71% với 1.432 tỷ đồng. Doanh nghiệp có 911 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho giảm 33 tỷ đồng so với đầu năm xuống 318 tỷ đồng.
Sau khi đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 do ảnh hưởng của chiến tranh Nga- Ukraine, giá phân bón đã đi vào xu hướng giảm trong năm 2023. Tưởng chừng xu hướng giảm giá sẽ tiếp tục trong năm 2024, nhưng những bất ổn ở Biển Đỏ và triển vọng thắt chặt xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng sẽ hạn chế dòng thương mại phân bón toàn cầu trong những tháng tới.
Trung Quốc tăng sản lượng phân bón nhưng thắt chặt xuất khẩu. Theo Cục thống kê Trung Quốc, tính đến tháng 11/2023 tổng sản lượng phân bón của quốc gia này đã cao hơn 11% so với sản lượng cả năm trước, đạt gần 5 triệu tấn. Tuy nhiên, mặc dù sản lượng phân bón nội địa tăng nhưng nhiều khách hàng trước đây mua phân bón của Trung Quốc đã phải chuyển sang những nguồn cung ứng khác.
Trong vài năm qua, Trung Quốc thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón và kéo dài thời gian kiểm tra xuất khẩu để duy trì sự ổn định giá trong nước. Những hạn chế đó đã khiến cho quốc gia này trở thành địa chỉ cung ứng không đáng tin cậy đối với những nước châu Á trước đây vẫn dựa vào nguồn cung phân bón của Trung Quốc.
Đặc biệt, lệnh cấm xuất khẩu phân lân của Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá DAP trên toàn thế giới tăng hơn 26% từ giữa tháng 7/2023. Trung Quốc là nước xuất khẩu phân lân lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia cung ứng urê hàng đầu.
Ấn Độ, một trong những quốc gia nhập khẩu phân bón hàng đầu trên thế giới, vẫn tiếp tục mua những lượng phân urê được phép xuất khẩu từ Trung Quốc, nhưng đang ngày càng chuyển hướng sang những nguồn cung ứng khác ở Nga và Trung Đông.
Tại Malaysia, nước sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, những công ty nhập khẩu phân lân đang tìm mua ngày càng nhiều phân lân từ Việt Nam và Ai Cập. Các công ty Hàn Quốc cũng đang đàm phán với Việt Nam, Inđônêxia và Arập Xê-út để mua phân bón và phụ gia nhiên liệu.
Mặc dù Cục thống kê Trung Quốc công bố sản lượng phân bón trong nước tháng 11/2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, khối lượng DAP và MAP xuất khẩu đến thời điểm đó đã giảm 12,5% và 10% tương ứng. Tổng khối lượng xuất khẩu urê trong nửa đầu năm 2024 có khả năng sẽ chỉ tăng nhẹ lên 4 triệu tấn.
Trong những ngày đầu xảy ra xung đột trên Biển Đỏ, các sản phẩm phân bón tiếp tục được phép vận chuyển tự do. Nhưng rủi ro vẫn còn đó đối với thị trường urê, do 50% nguồn cung urê xuất khẩu trên toàn cầu bắt nguồn từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Khoảng 25% lượng amoniăc xuất khẩu và 14% lượng phân kali xuất khẩu cũng bắt nguồn từ Trung Đông và Bắc Phi. Những nước mua nhiều phân bón từ khu vực này là Ấn Độ, Brazil, các quốc gia thuộc Liên minh châu âu và Mỹ (với quy mô nhỏ hơn).
Sau khi xung đột xảy ra, những lượng phân bón được xác định cho thị trường Mỹ đã được chuyển hướng đi vòng Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Một số công ty nhập khẩu phân bón của Mỹ đã phải chọn tuyến đường vận chuyển xa hơn để tránh rủi ro ở Biển Đỏ.
Giá dầu thô và khí thiên nhiên trên thị trường cũng đã tăng mạnh sau khi lực lượng Houthi ở Yemen bắn tên lửa vào các tàu chở hàng trên Biển Đỏ.
Đây là những rối loạn lớn đầu tiên đối với chuỗi cung ứng phân bón quốc tế mà thị trường đã phải trải qua. Chi phí hậu cần cao hơn do hậu quả của xung đột ở Biển Đỏ sẽ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và phân bón trên thế giới. Thị trường urê sẽ là thị trường đầu tiên nhận thấy những tác động nghiêm trọng của việc chuyển hướng các tuyến đường vận tải biển, vì vậy giá urê có khả năng sẽ tăng cao trong những tháng tiếp theo của năm 2024 nếu xung đột ở Biển Đỏ vẫn tiếp diễn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 499.786 tấn phân bón các loại, tương đương 207,79 triệu USD, giá trung bình 415,8 USD/tấn, tăng 23,4% về khối lượng, tăng 13,2% về kim ngạch và giảm 8,3% về giá so với năm 2022.
Riêng tháng 3/2024 xuất khẩu 148.792 tấn phân bón các loại, đạt 62,77 triệu USD, giá 421,9 USD/tấn, giảm 13,4% về khối lượng, giảm 13,5% kim ngạch và giảm 0,1% về giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 thì tăng 17,5% về lượng, tăng 14,9% kim ngạch nhưng giảm 2,2% về giá.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, Hàn Quốc, Philippines, các thị trường FTA RCEP...
Cũng trong tháng 3/2024 cả nước nhập khẩu 428.853 tấn phân bón, tương đương 123,33 triệu USD, giá trung bình 287,6 USD/tấn, tăng 52,3% về lượng, tăng 34,7% kim ngạch nhưng giảm 11,6% về giá so với tháng 2/2024. So với tháng 3/2023 thì tăng 47,2% về lượng, tăng 9% kim ngạch nhưng giảm 26% về giá.
Trong tháng 3/2024 nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc, Nga, thị trường Đông Nam Á, thị trường FTA RCEP...
Với nguồn cung nhiều loại phân bón như đạm ure, supe lân đều đang dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải triển khai nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.