Làng quê "thay áo mới"
Về thăm lại Quế Sơn những ngày này, chúng tôi nhận thấy rõ sự "thay da đổi thịt" của huyện trung du miền núi tỉnh Quảng Nam sau 12 năm xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện, kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, đời sống vật chất – tinh thần của người dân ngày một nâng lên, nhà cửa khang trang, quán xá đông đúc....
Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia.
Đến nay, Quế Sơn đạt 5 tiêu chí huyện nông thôn mới, có 7/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (bình quân mỗi xã đạt 17,9 tiêu chí), 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 21 sản phẩm OCOP được công nhận, với 17 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Để công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, đáp ứng sự hài lòng của nhân dân, thời gian qua, huyện Quế Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí, yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, nhiều tấm gương hộ gia đình, cá nhân, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ; văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội ổn định; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động phát huy hiệu quả; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Ông Châu cho biết: "Khi áp vào bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, thì hầu hết các xã nông thôn mới đều rớt tiêu chí. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát đầu tư nâng chuẩn các tiêu chí đã rớt, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình và cam kết với UBND huyện về tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, là tập trung huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, cân đối hợp lý ngân sách huyện, lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá, có tính chất lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn".
Bên cạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Quế Sơn còn đẩy mạnh thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, dạy nghề, khuyến nông… góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo.
Kết quả, năm 2023, toàn huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,07%, giảm 0,37% so với năm 2022; hộ cận nghèo chiếm 2,1%, giảm 0,17% so với năm 2022. Trong đó, số hộ nghèo không có khả năng lao động chiếm tỷ lệ cao.
Kinh tế phát triển toàn diện
Ông Hà Tất Phương – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Sơn cho biết: "Xây dựng nông thôn mới là xây dựng miền quê đáng sống. Ở đó, cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần đều được nâng cao. Do vậy, bên cạnh thực hiện các tiêu chí khác, huyện Quế Sơn luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững".
Xây dựng mỗi xã ít nhất một vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất tập trung theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh, kinh tế vườn – rừng.
Tăng cường liên kết giữa các hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp, thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất và hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản, tiến tới sản xuất hàng hóa bền vững.
Ông Phương cho biết thêm, những năm qua huyện chú trọng quy hoạch, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh học, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn.
Hiện nay, Quế Sơn đã xây dựng được 3 cụm công nghiệp, gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần lớn trong việc tạo thu nhập ổn định cho người dân, đưa kinh tế huyện đi lên.
Cùng với đó, huyện Quế Sơn khôi phục và mở rộng các ngành nghề truyền thống như: rèn (Quế Châu), gốm (Quế An), nón lá (Quế Minh), mây tre (Quế Phú, Quế Thọ, thị trấn Đông Phú), chổi đót (Quế Xuân 1) và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để áp dụng sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các danh lam, thắng cảnh thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm như: Khu du lịch sinh thái Suối Tiên, Khu du lịch sinh thái Suối Nước Mát – Đèo Le, Hồ Giang, Vũng nước nóng Bàn Thạch, Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi....
"Để hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, huyện Quế Sơn còn rất nhiều việc phải làm, cần phải huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn, huy động sức mạnh trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện; nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ; duy trì và nâng cao chất lượng các phong trào; tạo cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp"…, ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay.
Giai đoạn 2024-2025, huyện Quế Sơn tập trung xây dựng hoàn thành 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (7 xã duy trì đạt chuẩn và 4 xã phấn đấu đạt chuẩn). Xây dựng hoàn thành 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm....