Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ tư, ngày 24/04/2024 05:47 AM (GMT+7)
Anh Võ Văn Nên (46 tuổi, trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) từng lăn lộn nhiều năm với nghề kỹ sư cầu đường. Nhưng công việc vất vả, xa gia đình mà thu nhập bấp bênh, nên anh quyết định về quê khởi nghiệp nối nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình.
Bình luận 0

Nối nghiệp cha ông

Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của vợ chồng anh Nên vào một ngày nắng ráo, chúng tôi nhìn thấy trước sân là khung cảnh làm việc hăng say của nhiều lao động bên những giàn phơi bánh thơm nức mùi gạo mới.

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 1.

Anh Võ Văn Nên nghỉ việc kỹ sư cầu đường để khởi nghiệp với nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình. Ảnh: T.N.

Tạm dừng dây chuyền sản xuất, anh Nên chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề làm bánh tráng suốt 8 năm qua: "Ngày trước tôi làm kỹ sư cầu đường, nhưng công việc cực nhọc, thường xuyên xa nhà, lại thu nhập bấp bênh. Nhận thấy nghề làm bánh tráng cuốn truyền thống của gia đình cho lợi nhuận khá và thị trường tiêu thụ rộng mở, nên tôi đã ấp ủ dự định khởi nghiệp.

Khoảng năm 2016, tôi quyết định nghỉ việc và xây dựng xưởng sản xuất, đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại để phát triển nghề làm bánh tráng theo hướng sản xuất công nghiệp, nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao".

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 2.

Anh Nên đầu tư 350 triệu đồng để xây nhà xưởng, trang bị dây chuyền sản xuất bánh tráng hiện đại. Ảnh: T.N.

Từ số vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hòa Vang và tích góp được, anh đầu tư 350 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng rộng 200m2, trang bị máy móc hiện đại gồm: máy xay bột, máy tráng bánh tự động, lò sấy bánh bằng điện và kho trữ hàng.

Áp lực với số vốn đầu tư lớn, anh Nên càng quyết tâm thực hiện thành công niềm đam mê đã ấp ủ bấy lâu. Anh luôn tự nhủ bản thân nếu có khó khăn thì phải sẵn sàng đương đầu, có thành công thì không vội tự mãn, mà phải kiên trì, tìm hướng phát triển bền vững.

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 3.

Mỗi tháng, cơ sở chế biến 6 tấn gạo để làm bánh tráng. Ảnh: T.N.

Chị Nguyễn Thị Hiền (41 tuổi) – vợ anh Nên chia sẻ: "Hiện nay tôi làm thợ may tại nhà. Nhưng công việc này chỉ bận rộn vào dịp đầu năm học khi nhiều gia đình có nhu cầu may đồng phục cho con, nên thu nhập thấp.

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 4.

Hiện nay, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động là chị em phụ nữ tại địa phương lúc nông nhàn. Ảnh: T.N.

Khi anh Nên quyết định theo nghề làm bánh tráng của gia đình thì tôi đã ủng hộ và đồng hành cùng anh. Tuy đã có máy móc thay thế nhiều công đoạn, nhưng nghề làm bánh tráng cũng đòi hỏi sự cần cù và chịu khó. Từ 3 giờ sáng, hai vợ chồng đã dậy để xay gạo, khi trời sáng thì bắt đầu tráng bánh, rồi mang ra phơi cho kịp nắng, đến 2 giờ chiều mới nghỉ".

Thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm

Theo chị Hiền, nét đặc biệt ở sản phẩm bánh tráng của gia đình chị là nó được làm từ loại gạo xiệc chỉ trồng ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhờ chất gạo này mà miếng bánh tráng vừa trắng trong, vừa dẻo dai mà không bị gãy hay nát khi cuốn, thơm đậm mùi gạo.

Từ tối hôm trước, chị bắt đầu ngâm gạo. Để bánh được ngon hơn, khi xay bột thì chị trộn thêm muối theo tỷ lệ 50kg gạo: 1kg muối. Bánh tráng xong được mang ra phơi nắng, khi bánh khô sẽ được cắt thành những miếng nhỏ và đóng gói.

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 5.

Khi bánh tráng khô sẽ được cắt thành những miếng nhỏ và đóng gói, có giá dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg. Ảnh: T.N.

Vào những ngày mưa lạnh, cơ sở phải sấy bánh bằng lò điện. Tuy những lúc như vậy chi phí sản xuất tăng cao, nhưng giúp cơ sở đảm bảo cung ứng kịp các đơn hàng trong và ngoài địa phương.

Anh Nên cho biết: "Bánh tráng là đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng, thường dùng để cuốn với thịt heo luộc, tuy món ăn bình dị nhưng lại có sức hút lạ lùng. Vào mùa mưa, xưởng thường bị ngập lụt nên chúng tôi tăng cường sản xuất vào mùa nắng để dự trữ hàng. Riêng mùa Tết nhu cầu tiêu thụ tăng gấp đôi ngày thường nên phải hoạt động hết công suất".

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 6.

Nhờ nghề làm bánh tráng truyền thống, gia đình anh Nên có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.N.

Hiện nay, cơ sở sản xuất 2 dòng sản phẩm bánh tráng cuốn và bánh tráng gói ram, chế biến 6 tấn gạo mỗi tháng. Chủ yếu cung cấp bánh tráng cho các cửa hàng tạp hóa, chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam với giá dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg.

Qua nhiều năm nỗ lực, anh Nên đã khởi nghiệp thành công với nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động là chị em phụ nữ tại địa phương lúc nông nhàn. Tiền công được trả theo sản lượng gạo làm mỗi ngày, bình quân mỗi nhân công được trả 150.000-200.000 đồng/ngày.

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 7.

Cơ sở bánh tráng Hiền Nên làm bánh tráng từ loại gạo xiệc chỉ trồng ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: T.N.

Bà Phạm Thị Cúc (71 tuổi, trú thôn Hòa Khương Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) – một lao động tại xưởng anh Nên bộc bạch: "Tuy tôi lớn tuổi nhưng có sức khỏe tốt, chưa muốn nhờ cậy vào con cái nên muốn đi làm để trang trải cuộc sống. Cũng may được cơ sở bánh tráng Hiền Nên tạo việc làm mà 5 năm nay tôi có thu nhập ổn định, không quá vất vả mà lại có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống".

Năm 2023, chị Hiền tham gia Hội thi "Ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo" do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức và đạt giải Ba với sản phẩm bánh tráng cuốn.

Đà Nẵng: Một kỹ sư cầu đường bỏ nghề về quê “đổi đời” nhờ nối nghề cha truyền- Ảnh 8.

Bà Phạm Thị Cúc (bên phải) phấn khởi khi được chị Hiền tạo việc làm ổn định để trang trải cuộc sống. Ảnh: T.N.

Với mong muốn đưa sản phẩm đặc trưng của quê hương vươn xa hơn, anh Nên dự định sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Thông qua chương trình, sản phẩm bánh tráng truyền thống sẽ được nâng cao chất lượng, có cơ hội phát triển ra thị trường rộng lớn hơn.

Anh Nên tâm sự: "Tôi rất chú trọng đến khâu chọn nguyên liệu và đảm bảo quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng nhất. Từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, số lượng bánh tráng làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng nhà kho trữ hàng và sân phơi bánh tráng, nhằm nâng cao năng suất và tạo được nhiều việc làm hơn cho lao động địa phương".

Ông Đoàn Ngọc Cẩm – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang cho biết: "Mô hình làm bánh tráng truyền thống của vợ chồng anh Võ Văn Nên là minh chứng rỏ nét nhất về tính hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp vốn cho người dân làm kinh tế.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn vay ưu tiên cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, cùng với địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem