Hương lúa chín thoảng theo gió Lào, leo lách vào ô cửa, như nhắc khẽ mấy bác nông dân mau chóng thu hoạch cho kịp phơi khi cái nắng đương giòn.
Mùa gặt về, cả xóm chợt trở nên nhộn nhịp. Nhà có bao nhiêu lao động rảnh rỗi thì sử dụng bấy nhiêu, mỗi người một việc, ai cũng đều xắn tay vào làm tùy theo khả năng. Mấy chú mấy bác chạy máy gặt đập liên hợp ngoài đồng, tiếng xình xịch của động cơ cứ kêu liên tục mãi tới tận chập tối. Từng bó lúa thả vào máy, chẳng mấy chốc chia thành hai đường mà tuồn ra ngoài. Cây rơm bay thốc lên không trung như mấy dải ruy băng bắn chúc mừng trong lễ tiệc, rồi rơi xuống tụ thành đống cao trên ruộng.
Thóc thì theo máng chảy ra bao hay thúng được hứng sẵn. Mấy bà mấy cô nhanh tay buộc chặt, hốt gọn. Bọn trẻ thì đem theo cái ki để vớt thóc rơi vãi trên đồng. Giọt mồ hôi nhễ nhại tràn khắp mặt, chảy ướt lưng áo sơ mi cũ khoác ngoài, chẳng mát lạnh mà như bị đun nóng thêm khi lướt ngang gương mặt hây đỏ dưới nắng. Cứ dãi dầu như thế, sau mùa gặt, chẳng còn ai giữ được cái màu da của thuở ban đầu.
Thóc tuốt xong được trở về trên mấy chiếc xe công nông. Còn rơm thì được bó về chất trước sân thành đống cao, có nhà còn chống một cây gỗ ở giữa rồi đặt vào một bánh xe đã hư để đằm rơm xuống, tránh gió tốc. Người ta thường đoán nhà nào nhiều ruộng, nhiều đất thông qua độ to của những đống rơm. Rồi so với lượng thóc lúa đem phơi mà chắc mẩm nhà ai bội thu, nhà ai thất bát.
Những đống rơm vàng được giữ lại để đan chổi, ủ đất, hay dùng làm chất đốt trong mấy bếp lửa hồng. Mùi khói rơm quyện trong hương bánh tráng nướng giòn, kéo chân đám nhỏ nhanh về nhà sau mỗi chiều tan học. Khói rơm hun cay xè mắt mẹ mỗi lần nấu ăn, đưa chút mùi đồng nội vào miếng cơm cháy sót lại dưới đáy nồi.
Trên con đường làng những ngày vào mùa gặt, rơm rạ rơi vãi khắp nơi. Bọn trẻ đạp xe chậm rãi, lộm cộm giẫm lên mớ rơm rớt trên đường để tránh bị vướng vào bánh xe. Trước sân nhà, hoặc hai bên lề đường, thường được tận dụng để phơi thóc. Những mảng thóc vàng ươm được cào thành các luống nhỏ. Mấy cô mấy bác xoắn cao ống quần, để chân trần, đi loanh quanh nhiều vòng cho hết sân phơi, để đẩy mớ thóc nằm yên theo từng đường cho mau khô.
Cứ 2, 3 tiếng lại ra cào luống mới, để thóc khô đều. Ai muốn phơi nhanh thì để thóc dưới nắng liên tục từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tầm 2-3 ngày là có thể đi xay xát. Tuy nhiên, cách này dễ làm hạt gạo gãy khi xay, do nước trong gạo chưa đủ thời gian để kịp khuếch tán ra bên ngoài. Ai muốn gạo đẹp, gạo ngon thì phơi chậm, chịu tốn công hơn. Ngày đầu phơi tầm 2 tiếng. Ngày tiếp phơi trong 3 tiếng. Cứ thế tăng dần thời gian.
Khoảng 5 ngày nắng giòn là thóc khô nén đạt yêu cầu xay xát. Sợ nhất cái thời tiết nắng mưa bất chợt. Thóc đang phơi dưới cái nóng rẫy da thì mây giông chợt ầm ầm kéo đến. Làng trên xóm dưới bỏ hết công chuyện đang làm dở, phụ nhau hốt lúa đem vào nhà trên mấy tấm bạt nhựa. Mấy cơn mưa bóng mây cứ như nhấp nháy hù người, mới ầm ầm nặng hạt rồi lập tức ráo hoảnh. Người lớn trong nhà cứ ra sân ngó lên trời trông mây trông gió, lưỡng lự chẳng biết có nên cào thóc ra để tiếp tục phơi.
Ngày nào trời đùa mấy bận như thế, là ai nấy mệt bở hơi tai. Nhiều khi giận lẫy, bụng bảo dạ sẽ chẳng đem ra phơi nữa, vậy mà thấy nắng hửng giòn, hàng xóm lũ lượt kéo thóc ra sân, thì cũng tặc lưỡi làm theo cho thóc mau khô để còn đi xay xát. Nay chẳng còn kiểu xay bằng cối đá như thời xưa. Mấy cô mấy bác rủ nhau vác bao thóc ra nhà xay xát gạo trong thôn, một bao 50 kg chỉ tốn tầm 5-10 ngàn tiền công.
Gạo xay xong, cái nào bán thì bán, cái nào trữ ăn dần cho tới mùa gặt sang năm thì đóng trong bao, trong lu đất tròn, đặt tại góc nhà. Ai có con em ở thành phố, thì đóng bao đóng thùng gửi xe lên cho bọn nhỏ đỡ tốn tiền mua.
Những cánh đồng sau mùa gặt còn sót mớ rơm khô chưa bó hết, được đốt cho sạch để chuẩn bị mùa sau. Mùi khói rơm lẫn ít hạt thóc rơi rớt quyện trong hương đất xứ sở, trở thành thứ mùi vị đặc trưng của chốn làng quê. Mấy đứa trẻ tranh thủ lúc đồng trống trải, căng mấy cánh diều giấy chạy tung tăng theo chiều gió cuốn. Mùa gặt phơi sân cứ thế dung dưỡng tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.