Hiền Dương
Thứ tư, ngày 17/04/2024 13:00 PM (GMT+7)
Mùa này, đi dọc triền sông, kênh rạch ở miền Tây, nhìn ra sẽ thấy xum xuê những tán lá xanh, nhìn như lá me nhưng kích thước lớn hơn, giấu dưới nách những trái dài lủng lẳng hình trụ màu nâu sẫm.
Đấy là cây ô môi đang mùa trái chín. Ngày còn nhỏ, ở cái thời quà vặt còn thiếu thốn, đó là mùa mong đợi nhất của lũ trẻ xóm quê tôi để thưởng thức món quà mà tự nhiên ban tặng mỗi độ hè về.
Từ sau Tết, quãng độ tháng Ba dương lịch, những cây ô môi già bắt đầu trút hết lá cho mùa mãn khai. Những bông ô môi đỏ hồng rực rỡ, được ví như hoa anh đào của miền Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của biết bao tác phẩm thi ca, cũng trở thành nỗi nhớ niềm thương đối với những người con xa xứ.
Hết một mùa hoa, khi những trái xanh uống đủ nắng vàng mà dần ngã ra màu tối sẫm, chờ vài cơn mưa đầu hè trút xuống là từng nụ chồi biếc lại thi nhau thỏa sức lú nhú rồi bung rộng thành từng nhành lá xanh soi bóng xuống mặt nước êm đềm.
Cây ô môi không có giá trị gì về mặt kinh tế, dường như thân gỗ chỉ để làm củi đốt; đó là chưa kể sâu ô môi cực độc, chạm phải là đến mấy ngày sưng đau vật vã, nhưng hồi ấy người châu thổ cứ để mặc thứ cây dại này mọc thành hàng dưới bến sông. Nội bảo, bởi có loài cây nào được như cây ô môi, ở bất cứ thời điểm nào trong năm đều mang đến tín hiệu vui: Hễ lá rụng thì trổ hoa, hễ trái già thì chồi non đâm thành lá mới.
Ngày nhỏ tôi đâu biết những điều lớn lao nội dạy như sau này ngẫm lại. Tôi chỉ nhớ trái ô môi là thứ quà vặt tuổi thơ vô cùng tuyệt hảo: Không chỉ bởi cái vị ngòn ngọt của từng khoanh mỏng tròn sánh đen tươm mật trông thật hấp dẫn mà còn là hiện thân của những ký ức mộc mạc, trong sáng chắc chỉ đến với tôi một lần trong đời. Là những buổi trưa trốn ngủ chạy theo lũ trẻ láng giềng khều trái chín sau nhà hàng xóm, sợ sâu bắn chỉ dám dùng sào dài là một cây tre đã phơi cho khô bổng gắn vào ngọn một cái móc sắt để ngoéo gập cuống trái và giật xuống bờ ao. Là từng đoạn ô môi được người lớn rọc vỏ rồi chia nhau ăn, răng môi đứa nào đứa nấy tím lịm mà vẫn nắc nẻ cười giòn tan ở cái thuở hồn nhiên vô lo nghĩ.
Những trẻ trai nghịch ngợm còn dùng trái ô môi để làm vũ khí chơi đấu kiếm. Bên nào thua thì "thanh kiếm" ngon lành sẽ vào bụng đứa kia. Chỉ đơn giản vậy mà lại vui, lại nhớ mãi cái mùi hương đặc trưng, càng để lâu càng xuống mật, càng thơm ngất ngây có khi để cả năm dài vẫn không hề hấn.
Ngoài vị ngọt, ô môi còn có vị chát nhẹ. Và không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra sự kết hợp của hai vị này với muối ớt cay và mặn, tưởng sẽ vô duyên, đâu dè hợp gơ đến vô cùng. Sự tổng hòa giữa ngọt, cay, mặn, chát tưởng lạ lẫm đã vô tình trở thành hương vị độc đáo khó quên, đi mãi theo tôi suốt đoạn đời khôn lớn.
Nếu trẻ nhỏ thưởng thức ô môi theo cái cách dễ nhất là rọc hết thành vỏ xong cầm hai bên xương sống lắc xệu xạo đến khi một đường gân dễ dàng bị tách ra rồi tay không mà bốc từng lát mật đen cho luôn vào miệng thì người lớn lại chế biến theo cách kỳ công hơn. Các cha các chú sẽ có món rượu ô môi giúp dễ tiêu hóa, ăn ngon miệng lại chữa đau lưng đau xương và niềm tự hào của các mẹ các bà là món chè ô môi đặc sản.
Gọi là chè ô môi nhưng thực chất chỉ những hạt nhỏ màu vàng sậm hình trái tim được sử dụng làm nguyên liệu chính. Sau khi được tách ra sẽ mang đi ngâm nước tận vài ngày cho mềm đến khi nhẹ nhàng lột bỏ được lớp vỏ ngoài, cơm hạt trắng trong bên trong mới được dùng để nấu với đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa béo ngậy.
Hạt ô môi không có vị nhưng gây thích thú bởi sự dai dai giòn giòn, nhai nghe sần sật. Để có nồi chè ăn là nhớ, những bà nội trợ lành nghề còn khéo pha đường phèn và đường cát trắng theo tỷ lệ nhất định để chè ngọt nhưng không gắt vừa có độ ngọt sâu của đường cát và ngọt thanh của đường phèn.
Nồi chè bưng ra vào những đêm sáng trăng cả nhà trải chiếu trước sân thật là kích thích khứu giác. Mùi thơm thoang thoảng của đậu xanh bóc vỏ hòa với mùi thơm quyến rũ của nước cốt dừa. Chén chè múc ra hương thơm đến trước, cái dai giòn ý vị của hạt ô môi trìu mến đến sau. Đó có thể là món ngon hiếm hoi nhất trần đời mà những người nông dân lam lũ chịu bỏ thời gian và công sức để chế biến làm phần thưởng cho lũ trẻ con vì thiếu thốn mà thành ra thèm ước.
Bây giờ mỗi độ hè về tôi vẫn thường ra triền sông khều ô môi mang về chờ đến khi quả già xuống mật thơm nưng nức. Cũng có khi tôi tự mình róc vỏ, bẻ một lát mật đen sóng sánh cho vào miệng, như để hoài nhớ mình đã từng đi qua những năm tháng thơ trẻ ngọt ngào.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.