Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Tiến Minh, một giáo viên THPT ở Hà Nội cho biết: "Cách tính lương giáo viên 2024 sau cải cách hiện nay chưa có công bố chính thức. Tuy nhiên, nhiều người đang chia sẻ về một bản dự thảo tiền lương mới. Nếu đây là sự thật thì chúng tôi khá bất ngờ và lo lắng bởi lương sẽ thấp hơn so với hiện tại chứ không phải tăng lên".
Thầy Minh tính toán, trước đây, khi chưa cải cách tiền lương thì giáo viên THPT hạng III có hệ số lương từ bậc 3 (hệ số 3.0), bậc 4 (hệ số 3.33), bậc 5 (hệ số 3.66), bậc 6 (hệ số 3.99) được thăng lên hạng II sẽ được chuyển thành bậc 1 (hệ số 4.0). Như vậy, có những giáo viên được tăng 1.0, tương đương 3 bậc lương hoặc 10 năm công tác, rất có lợi. Theo cách hiểu này, các thầy cô bậc 7 của hạng III sẽ là bậc 2 của hạng II…
"Nếu dùng cách hiểu này để đọc tờ trình và bảng lương chuyên môn nghiệp vụ mới thì thấy mình thiệt quá. Nhiều thầy cô đang lo lắng vì thăng hạng từ bậc 7 của hạng III lương 11,9 triệu đồng thăng lên hạng II bậc 2 lương chỉ có 9,7 triệu đồng. Lương giảm đi 2,2 triệu đồng.
Tôi và các thầy cô giáo đang mong rằng cách tính này của chúng tôi chưa đúng. Trong bảng lương chuyên môn nghiệp vụ sắp tới sẽ không còn hệ số lương nữa. Chỉ còn bậc và nhóm (giáo viên hạng I thuộc nhóm 5) thì như nhau, nhóm thì khác nhau. Thầy cô đang bậc nào của hạng III khi thăng hạng thì ở bậc đó của hạng II. Ví dụ đang bậc 5 của hạng III lương 10,1 triệu đồng thì khi thăng hạng vẫn là bậc 5 của hạng II lương là 12,4 triệu đồng. Tất cả chúng tôi vẫn đang chờ ngày 1/7 sắp tới", thầy Minh chia sẻ.
Cô Lê Thảo Trang, một giáo viên ở Cần Thơ cũng bày tỏ lo lắng khi phụ cấp bị cắt đi thì liệu có bị giảm lương hay không: "Tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi dạy từ năm 2009. Năm 2014, tôi lấy bằng thạc sĩ và đến nay đi dạy cũng 14, 15 năm, đóng BHXH đầy đủ... nhưng đang hưởng lương khá thấp. Thời gian này ở trường ai cũng xôn xao cải cách lương, không ai biết mình sẽ đi về đâu".
Tuy nhiên, trước lo lắng của mọi người, cô Tô Hồng Phương, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng: "Hiện chưa có bảng lương chính thức của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của giáo viên nói riêng khi thực hiện cải cách tiền lương. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng chưa ban hành dự thảo bảng lương mới từ ngày 1/7 nên tôi nghĩ giáo viên không quá lo lắng. Có thể trong thời gian sắp tới, sẽ có dự thảo chính thức về việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Khi đó, giáo viên sẽ có căn cứ để nói lên ý kiến của mình".
Tại tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm 2 bảng lương mới cho giáo viên là viên chức như sau:
- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
- 1 bảng lương chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Cơ cấu tiền lương mới sau cải cách cũng sẽ thay đổi bao gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Bảng lương hiện nay của giáo viên là:
Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở
Trong đó, mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng; hệ số lương viên chức vẫn được áp dụng theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2013/NĐ-CP.
Bảng lương mới từ 1/7/2024 của giáo viên sẽ được tính theo công thức:
Lương = Lương cơ bản + Phụ cấp + Thưởng (nếu có).
Trên Cổng thông tin điện tử, Bộ Nội vụ cho biết nhận được nhiều kiến nghị, băn khoăn của người dân liên quan đến tiền lương mới sau khi thực hiện cải cách tiền lương. Theo dự kiến của Bộ Nội vụ, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm hằng năm, bình quân tính từ năm 2025 là khoảng 7%/năm.
Nguồn lực cải cách tiền lương khoảng 562.000 tỷ đồng theo tinh thần nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ tại công văn số 1005/BNV-TL ngày 27/2/2024, Bộ Nội vụ cho biết: khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu: "thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".
Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 01/7/2024.