"Lương giáo viên xếp cao nhất 10 năm sau vẫn là tuyên ngôn", vì sao ngành Giáo dục không tuyển dụng, trả lương giáo viên?
"Lương giáo viên xếp cao nhất 10 năm sau vẫn là tuyên ngôn", vì sao ngành Giáo dục không tuyển dụng, trả lương giáo viên?
Minh Châu
Thứ hai, ngày 22/04/2024 10:13 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT cho rằng, khẳng định lương giáo viên "được ưu tiên xếp cao nhất" trong Nghị quyết 29 sau hơn 10 năm ban hành vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn. Nhưng vì sao ngành Giáo dục không được tuyển dụng, trả lương cho giáo viên?
Vì sao ngành Giáo dục không tuyển dụng, trả lương giáo viên?
Trong Báo cáo đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã chỉ ra nhiều bất cập về tiền lương của giáo viên hiện nay.
Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có nêu, lương của nhà giáo "được ưu tiên xếp cao nhất", tuy nhiên Bộ GDĐT nhận thấy, sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.
Bộ GDĐT nêu bất cập, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GDĐT, phòng GDĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Bộ GDĐT dẫn chứng, chẳng hạn việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các trường hợp chưa đảm bảo đủ tư cách để trở thành nhà giáo, một số trường hợp gây nguy hiểm đến an toàn của trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển nhà giáo; việc quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú ở Việt Nam làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo.
Với những bất cập trên, vì sao ngành Giáo dục không được tuyển dụng, trả lương cho giáo viên?
Đây là câu hỏi từng được nhà giáo đặt ra khi gửi cho Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Theo nhà giáo này, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục, nhưng ngành giáo dục lại không thể quyết định về tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cũng như chế độ tiền lương và phụ cấp đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi.
Trước vấn đề này, đại diện Bộ GDĐT cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bảng lương ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tính chất mức độ phức tạp của công việc. Trong đó, đã đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất nhằm cải thiện một phần thu nhập của giáo viên.
Theo Bộ GDĐT, Bộ này đang triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, kỳ vọng, những chính sách về tiền lương, phụ cấp, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên sẽ được quy định trong Luật Nhà giáo.
Chưa thể áp dụng trực tiếp trong thực tiễn do thiếu các cơ chế hữu hiệu
Trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT cũng nêu, các chính sách chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong Luật Giáo dục chỉ mang tính "tuyên ngôn" mà chưa thể áp dụng trực tiếp trong thực tiễn do thiếu các cơ chế hữu hiệu để Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các bộ chủ quản và UBND các địa phương triển khai thống nhất các quy định này.
Đồng thời, Bộ GDĐT xác định, các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, là động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc; thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục.
Liên quan đến việc đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, để giải quyết vấn đề, Bộ GDĐT đã đề xuất 2 giải pháp: Giữ nguyên theo quy định hiện hành của các Luật liên quan (giải pháp 1); quy định đồng bộ, thống nhất các vấn đề về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tại Luật riêng (giải pháp 2).
Cụ thể: Thứ nhất, xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo.
Thứ hai, xác định các chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, xác định chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo.
Thứ tư, xác định cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo.
Bộ GDĐT đề xuất lựa chọn giải pháp 2. Luật hóa các nội dung bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội của nhà giáo; bổ sung quy định về chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định về điều kiện, quy trình về chính sách nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo; bổ sung quy định về các tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.
Theo Bộ GDĐT, giải pháp 2 sẽ đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác, đồng thời, tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác; tạo sự thu hút đối với sinh viên giỏi tham gia học Sư phạm để trở thành nhà giáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.