Chiều 24/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc cử tri này, các cử tri huyện Sóc Sơn đã phản ánh tới các đại biểu Quốc hội những vấn đề như đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên địa bàn huyện; giải quyết ô nhiễm môi trường và chính sách đời sống người dân quanh khu xử lý rác Nam Sơn; những khó khăn, vướng mắc khi sinh sống trong khu quy hoạch làm sân bay Nội Bài nhưng chậm triển khai nhiều năm…
Trả lời các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, về khó khăn của cử tri sống trong khu quy hoạch sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng đối với các dự án chậm triển khai, quy hoạch treo nhiều năm thì nên giải quyết thủ tục để đảm bảo điều kiện sinh sống cho người dân.
Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT phải làm việc với huyện để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
"Cán bộ từ xã trở lên không được lợi dụng chính sách để làm không đúng. Không được làm ẩu, cố tình làm sai. Các dự án khác cũng phải nhất quán như vậy" – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói tại buổi tiếp xúc.
Với vấn đề về giao thông, ông Trần Sỹ Thanh thông tin đã chỉ đạo các đơn vị rà soát. Tới đây sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội để lập danh mục các dự cần đầu tư cho nhiệm kỳ mới về giao thông và đê điều.
Về vấn đề liên quan khu xử lý rác Nam Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT, huyện Sóc Sơn cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai thêm một nhà máy xử lý rác ở khu vực này.
Đáng chú ý, với dự án trường đua ngựa nhiều năm chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thông tin một số vướng mắc pháp luật và hy vọng sắp tới sẽ tháo gỡ được khó khăn này.
Theo ông Thanh, khi đó, TP.Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án triển khai. Còn với các vấn đề liên quan quy hoạch rừng Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị huyện đẩy nhanh tiến độ để thành phố phê duyệt vì "quả bóng đang ở chân huyện".
Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu năm 1999, địa điểm dự kiến tại phường Đại Kim (Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (Thanh Trì). Tuy nhiên, do hành lang pháp lý về cá cược và đua ngựa chưa hoàn thiện nên đối tác nước ngoài rút lui.
Năm 2007, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) và Công ty Global Cónultant Network (Hàn Quốc) có văn bản đề xuất xin nghiên cứu dự án trên. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Năm 2020, Hà Nội bổ sung dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn vào đề cương điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030.
Trường đua này dự kiến hoạt động sau năm 2021, nhưng sau đó đã gặp một số khó khăn nên chưa thể triển khai. Giữa năm 2022, Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ khó việc thu hồi 125ha đất để thực hiện dự án.
Ở một diễn biến trước đó, sáng 24/4, tại Hội trường Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Mê Linh, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, cử tri huyện Mê Linh đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung được dư luận nhân dân và cử tri quan tâm như vấn đề triển khai thi công tuyến đường Vành đai 4, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường Vành đai 4, Quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Quang Minh 2...
Theo cử tri huyện Mê Linh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2km, đi qua địa bàn 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm và Kim Hoa, đang được tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, còn vướng mắc khó khăn trong việc đền bù đối với một số hộ dân bị thu hồi đất phục vụ tuyến đường Vành đai 4 tại xã Văn Khê.
Theo đó, 42 thửa đất cần thu hồi giải phóng mặt bằng, toàn bộ diện tích là đất vườn, ao trong khu dân cư, nguồn gốc là đất ông cha để lại, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân, gia đình đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở và xây dựng nhà, công trình phụ trợ, sử dụng ổn định lâu dài (20/42 thửa). Dẫn đến việc áp dụng chính sách về giá đền bù đối với đất vườn thấp/diện tích đất lớn và giá bồi thường công trình trên đất thấp hoặc không được bồi thường cũng như không xét tái định cư.
Những vướng mắc lớn này đã dẫn đến việc người dân không đồng thuận giải phóng mặt bằng, cử tri huyện Mê Linh đề nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị với Chính phủ, với UBND TP.Hà Nội xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân.
Cho phép huyện thực hiện cơ chế đặc thù (thửa đất vườn, ao độc lập), tính chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao thành đất ở với diện tích một lần hạn mức giao đất ở tối đa 180m2 và khấu trừ tiền chuyển mục đích tại phương án bồi thường và xét giao 1 suất tái định cư tối thiểu diện tích 80m2.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội phát biểu tiếp thu tại hội nghị, đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cảm ơn sự quan tâm, theo dõi thường xuyên của cử tri và nhân dân huyện Mê Linh với hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Với các ý kiến của cử tri nêu, Tổ đại biểu sẽ tiếp thu để giải quyết theo đúng quy định.