Long Sơn là một đảo nhỏ có diện tích 92km2 nằm ở phía bắc thành phố Vũng Tàu, bốn bề sông nước bao quanh.
Phía đông đảo Long Sơn giáp sông Dinh, thành phố Bà Rịa, phía bắc giáp xã Tân Hải, huyện Tân Thành, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa, qua sông Mũi Dùi và rạch Ông Bền.
Phía nam và tây của hòn đảo Long Sơn giáp biển khu vực vịnh Gềnh Rái, lưu vực sông Thị Vải và Đồng Nai.
Long Sơn từ xưa chiếm giữ vị trí quan trọng, là điểm giao lưu, đầu cầu quân sự chiến lược án ngữ trên cửa ngõ phía đông của Nam bộ.
Nhìn trên bản đồ Long Sơn nằm giữa trung độ bắc nam của huyện Tân Thành và thành phố Vũng Tàu và gần trung độ đông tây của thành phố Bà Rịa và huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Giữa bốn bề sông nước, Long Sơn là hòn đảo che chắn các cửa sông đổ vào vịnh Gềnh Rái: sông Thị Vải, Ngã Bảy ở phiá tây, sông Chà Và, sông Mũi Dùi và sông Dinh ở phía đông.
Đây là những cửa sông rộng và sâu là đường giao lưu quan trọng để nối với nhiều vùng sâu trong đất liền. Với hệ thống sông ngòi của xã Long Sơn trở thành cửa ngõ giao thông đường thuỷ rất quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra Long Sơn còn là điểm hội tụ dân cư rất sớm, có mối giao lưu với nhiều địa phương vùng Nam Bộ.
Trước khi người Việt đến Long Sơn khai phá và sinh sống, từ hàng ngàn năm trước đây dưới chân cù lao Núi Nứa đã có con người sinh sống.
Các cuộc khai quật khảo cổ học năm 2003, 2005 tại di chỉ Giồng Lớn, thôn 3, Rạch Già, Long Sơn, thành phố Vũng Tàu do Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội tiến hành đã mở góc nhìn mới mẻ, thú vị về vùng đất này. Với loại hình di chỉ khu vực mộ táng.
Với diện tích khảo sát khai quật 650m2, đã phát hiện 80 cụm mộ nồi và mộ đất thu được 2.310 hiện vật, trong đó có 2.043 hiện vật là đồ trang sức với chất liệu bằng gốm, thủy tinh, đá quí, kim loại…
Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy đồng tiền cổ Ngũ Thù thời Tây Hán, trong hố khai quật tại di chỉ Gồng Lớn.
Từ những hiện vật phát hiện được cho thấy cư dân Giồng Lớn đã có một trình độ phát triển khá cao về kinh tê, xã hội…Họ không những giao lưu trong vùng mà còn có sự giao lưu rộng với các vùng văn hóa đồng đại khác trên đất nước ta và cả trong khu vực Đông Nam Á.
Cách đây hơn 2.000 năm Long Sơn từng là một cảng thị, nơi tiếp nhận và chuyển hóa với nhiều yếu tố văn hóa của các nước trong khu vực Đông Nam Á và đồng thời là nơi kết tụ tinh hoa văn hóa bản địa, có sức lan tỏa…
Mảnh gốm cổ xưa trang trí hoa văn hai đường thẳng tạo góc nhọn, phát hiện tại Giồng Ông Trượng, xã Long Sơn, hòn đảo Long Sơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2014.
Năm 2014 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tổ chức khai quật và khảo sát một số địa điểm khảo cổ học tại địa điểm Giồng Ông Trượng, Bãi Cá Sóng…xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, các chuyên gia của đã tìm kiếm và phát hiện ra nhiều loại hình hiện vật mới liên quan mật thiết đến vùng đất này, có niên đại cách ngày nay khoảng trên dưới 2.500 năm.
So với những phát hiện khảo cổ học vào năm 2002, 2003, 2005 ở Giồng Lớn thì những hiện vật gốm cổ tại Giồng Ông Trượng là loại hình di tích phong phú hơn gồm: cư trú, xưởng sản xuất gốm và khu mộ táng…
Bài viết này giới thiệu cùng bạn đọc một số loại hình gốm cổ tiêu biểu tại Giồng Ông Trượng, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu mới được khai quật vào cuối năm 2014.
Khu vực khai quật chủ yếu đợt này gồm địa điểm Giồng Ông Trượng và Bãi Cá Sóng…
Giồng Ông Trượng nằm ở phía tây xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, cách trung tâm xã theo đường chim bay khoảng 5km, nằm sát bên vịnh Gềnh Rái, cách huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh 10 km.
Diện tích Giồng Ông Trượng khoảng 6.000m2, chiều dài 300m, rộng 20m. Đất trên giồng là loại đất lẫn nhiều sạn màu nâu
màu đỏ, có độ cao so với mặt nước biển từ 2-3m. Hiện nay trên giồng bà con vào mùa mưa bà con vẫn trồng các loại hoa màu : bắp, đậu bắp, đậu đũa, dưa leo…một số loại cây ăn trái; chuối, xoài, dừa…
Khu vực phía nam là khu rừng ngập mặn có nhiều loại cây sinh trưởng: mắm, đước…phía đông là khu vực ruộng muối của bà con đang canh tác sản xuất.
Năm 2002 Bảo tàng lịch sử Quốc gia Hà Nội, phối hợp cùng bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đến địa điểm này khảo sát.
Tại đây đoàn khảo sát đã tìm thấy một số mảnh gốm cổ, có đặc trưng là áo gốm màu xám trắng, xương đen, với các kiểu miệng khum sát gờ tạo ra những đường lõm nhẹ…
Vào tháng 3, năm 2005 Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát tại Giồng Ông Trượng gồm. 01 hố: 2m x 2m x 1,5m và 2 hố 1,5m x 1,5m x 1,5m.
Hố thứ nhất đoàn thu được 300 mảnh gốm các loại. Diễn biến tầng văn hóa như sau: lớp đất mặt có chiều sâu là 40cm, bị xáo trộn rất nhiều do quá trình khai phá, cải tạo nhiều năm liền để canh tác trồng rau màu, cây ăn trái…
Từ độ sâu 40cm trở lên, lớp đất ít bị xáo trộn có màu nâu đỏ, trong đó lẫn nhiều mảnh gốm, xỉ gạch và than tro…Lớp đất cuối nằm có độ sâu từ 1,0 -1,2m vẫn còn một số mảnh gốm lẫn cát, bùn và xác thực vật…
Ở độ sâu 1,5 mét là tầng đất sét màu trắng, rất có thể đây là nguồn nguyên liệu mà cư dân cổ đã khai thác sử dụng chế tác gốm tại chỗ.
Mảnh gốm cổ với hoa văn trang trí hình xương cá, được phát hiện tại Giồng Ông Trượng, xã Long Sơn (đảo Long Sơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 2014.
Từ nguồn nguyên liệu dồi dào này người thợ gốm pha trộn thêm một số xác thực vật nhào luyện đất thật kỹ dùng tay nặn, phơi, sau đó dùng củi để đốt lộ thiên mà không phải nung qua lò để tạo thành những sản phẩm đa dạng: nồi, cốc, chén, ấm, bát bồng,… phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày hoặc trao đổi với cư dân khu vực lân cận…
Những mảnh vỡ gốm được phát hiện trong các hố thám sát có thể là bãi phế thải của một số cơ sở sản xuất gốm ngày xưa còn để lại.
Các mảnh gốm này phần lớn đều nát vụn, rất khó phục dựng nguyên vẹn hình dáng ban đâu có chung đặc điểm là bên ngoài phủ màu nâu đỏ, miệng khum hoa văn khắc vạch, hình kỷ hà, phương pháp tạo hoa văn bằng cách dùng que khắc vạch trước khi đem nung.
Nếu như đợt đào thám sát năm 2005 các nhà chuyên môn cho rằng gốm Giồng Ông Trượng, Long Sơn có những đặc điểm tương đồng với địa điểm di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều này càng sáng tỏ thêm bởi những tư liệu mới được phát hiện sau đợt khai quật, khảo sát có tính chất qui mô này.
Qua hơn 3 tháng khai quật các nhà khảo cổ đã tìm thấy những loại gốm điển hình như sau: Bình, lọ, nồi, cốc… ngoài ra còn phát hiện thêm khá nhiều cà ràng (bếp lò) sử dụng trong nấu nướng hằng ngày của cư dân cổ và các loại dụng cụ phục vụ trong cuộc sống đánh bắt hải sản, dệt vải…như: chì lưới, bi gốm, khuyên tai gốm, dọi xe chỉ…đặc biệt phía cà ràng, nơi tiếp xúc với dụng cụ nấu nướng được trang trí cách điệu bởi 3 mấu nhô ra bên ngoài hình đầu rắn biển…
Các hoa văn trang trí gồm tại Giồng Trượng, Bãi Cá Sóng…xã Long Sơn gồm các mô típ quen thuộc gắn liền với cư dân ven biển: hai đường thẳng tạo ra một góc nhọn nằm đối xứng nhau trong đường kẻ đôi, song song gợn lên như hình sóng nước cách điệu, được trang trí khắp trên thân nồi, hay mô típ hình xương cá, hoặc phối hợp giữa hoa văn xương cá và các hình tam giác nằm liền kề, xếp chồng lên nhau dày đặc trên miệng bình…
Đối chiếu và so sánh với các loại hình gốm nồi, bình, chậu, mâm bồng, khuyên tai gố, bi gốm…được phát hiện tại địa điểm di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ ấp Hiệp Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), các chuyên gia nhận thấy rằng có mối liên hệ khá mật thiết. Cách đây khoảng 2500 năm cư dân cổ Giống Cá Vồ,, Giồng Phệt (Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) có mối giao lưu gần gũi…
Tài liệu tham khảo:
– Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam. Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Khảo cổ học Tiền sử, sơ sử thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
– Bùi Chí Hoàng, Phạm Chí Thân, Nguyễn Khánh Trung Kiên, Khảo cổ học Bà Rịa Vũng Tàu từ tiền sử đến sơ sử, NXB Khoa học xã hội, 2012.
– Nguyễn Thị Hậu, Lê Thanh Hải, Khảo cổ học bình dân Nam Bộ, Việt Nam từ thực nghiệm đến lý thuyết, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
– Nguyễn Văn Tâm, Khảo sát địa điểm khảo cổ học Giồng Ông Trượng, tập san Di sản văn hóa Bà Rịa -Vũng Tàu số 8, năm 2005.