Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới đồng loạt giảm trên hai sàn giao dịch.
Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2024 được ghi nhận tại mức 4.150 USD/tấn sau khi giảm 3,58%.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tại New York ở mức 224 UScent/pound sau khi giảm 1,8%.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 71 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 7,85 cent. Giá cà phê nội địa tiếp tục tăng trung bình 8.000 đồng/kg, liên tiếp xô đổ các mức giá. Tuần trước, cà phê trong nước tăng 13.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước vẫn tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ dài. Giá cà phê giao dịch ngày 29/4 trong khoảng 133.500 - 134.200 đồng/kg.
Số liệu từ Vicofa cho thấy chỉ riêng trong tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 185.000 tấn cà phê, tạo ra giá trị xuất khẩu 680 triệu USD. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 11,9% nhưng giá trị lại tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo thị trường cà phê công bố cuối năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính lượng cà phê dự trữ trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua. Niên vụ 2022-2023, tồn kho cà phê thế giới giảm xuống còn 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm 16,7% so với báo cáo trước đó và giảm 4% so với ước tính.
Vào năm 2024, nhiều tổ chức và chuyên gia tin rằng tình trạng thiếu cà phê sẽ còn kéo dài trong những tháng tới vì nhiều lý do. Các nguồn cung cấp chính ở Đông Nam Á đang bị sụt giảm sản lượng do điều kiện thời tiết không thuận lợi và giá thấp trong những năm gần đây khiến nông dân phải chuyển sang cây trồng khác để có lợi nhuận cao hơn.
Sản lượng cà phê Robusta tại Việt Nam và Indonesia được dự báo sẽ giảm 5,8 triệu bao trong năm nay. Theo Vicofa, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm xuống còn 1,6-1,7 triệu tấn, thấp hơn mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022-2023.
Trong khi đó, theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), nhu cầu cà phê Robusta toàn cầu tiếp tục tăng cao vào năm 2024 và Việt Nam sẽ chiếm lợi thế trước Brazil trong 6 tháng tới.
Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, diện tích trồng cà phê, ca cao đang dần bị thu hẹp do nhiều năm cà phê rớt giá. Số liệu thu thập đến hết năm 2022, Việt Nam có 656.000ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi tăng cao. So với năm 2019, diện tích cà phê năm 2022 giảm 5%.