Dân Việt

Vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang lại là nơi xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh

Hồng Cẩm 30/04/2024 12:52 GMT+7
Huyện Chợ Mới, địa phương giải phóng sau cùng của tỉnh An Giang (ngày 6/5/1975). Sau giải phóng nơi đây được đánh giá là huyện khó khăn nhất của tỉnh nhưng với tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, quân và dân huyện Chợ Mới bắt tay vào việc khôi phục kinh tế địa phương, với quyết tâm là huyện nông thôn mới trong năm 2025.

Vùng đất anh hùng

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới ghi lại: "Chợ Mới là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, luôn luôn đi đầu trong việc xây dựng tổ chức cách mạng, đi đầu trong khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, làm lực lượng nòng cốt cướp chính quyền toàn tỉnh. Nhân dân Chợ Mới hăng hái đóng góp cho cách mạng, giữ vững thành quả cách mạng cho địa phương.

Vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang lại là nơi xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh- Ảnh 1.

Ông Hồ Minh Quang nhớ lại thời khắc lịch sử ngày huyện Chợ Mới hoàn toàn giải phóng - ngày 6/5/1975. Ảnh: PA

Dù trong điều kiện của một địa bàn bị kìm kẹp chặt, cả một hệ thống chi khu, đồn, bót, cảnh sát… và bọn phản động đội lốt tôn giáo, sống bên địch. Trong vòng vây của kẻ thù, nhưng suốt 45 năm (1930 - 1975), phong trào cách mạng chưa bao giờ bị dập tắt, quần chúng nhân dân luôn tin tưởng Đảng, thương Đảng, thương cách mạng như thương cuộc đời nghèo khổ của mình, luôn luôn đùm bọc, tin yêu, theo Đảng và làm theo lời Đảng gọi đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, riêng huyện Chợ Mới đến ngày 6/5/1975 hoàn toàn giải phóng".

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về năm tháng chiến tranh ác liệt, khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 với bao đau thương mất mát và những thành tích đáng tự hào vẫn luôn đọng lại trong mỗi người dân vùng đất anh hùng Chợ Mới.

Ông Hồ Minh Quang (năm nay đã 86 tuổi, nguyên là Trưởng phòng Thông tin huyện Chợ Mới ngày đó), nhớ lại: Thời điểm 30/4/1975, sau khi ngụy quyền Trung ương Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, lực lượng quân sự đủ sắc lính tập trung về Tây An Cổ Tự và có khoảng 5.000 bảo an quân tử thủ, vạch kế hoạch chiếm giữ cứ điểm các tỉnh miền Tây. Phải đến sáng ngày 6/5/1975, ta mới giải phóng được Tây An Cổ Tự, ngay sau đó, chính quyền và nhân dân đã nhanh chóng ổn định tình hình.

"Thời điểm đó, huyện còn gặp nhiều khó khăn. Cùng một lúc phải giải quyết 4 nhiệm vụ, mà nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách thứ nhất là mời dân học tập chính sách mười điểm; thứ 2 là truy quét tàn quân; thứ 3 là giải quyết nạn đói, phát động nông dân làm nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa ngắn ngày, sản xuất các loại rau màu… Nhiệm vụ thứ tư là xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền"- ông Hồ Minh Quang nhớ lại.

Chợ Mới hôm nay

Sau giải phóng, huyện Chợ Mới là địa phương nghèo của tỉnh, nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa và hiệu quả kinh tế từ cây lúa không cao. Xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế, huyện đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang lại là nơi xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh- Ảnh 2.

Chợ Mới xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế, huyện đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ảnh: HC

Thực hiện chủ trương này, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư cải tạo đất vườn tạp, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái và rau màu có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống kinh tế của bà con nông dân ngày càng được nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Chia sẻ về hiệu quả sau khi chuyển từ đất lúa sang trồng sầu riêng, anh Lê Trường Giang (ấp Long An, xã Long Kiến), cho biết: Gia đình anh có hơn 5 công đất, trước đây sản xuất hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh. Khoảng năm 2019, được sự vận động và hỗ trợ kỹ thuật từ Hội Nông dân xã, anh Giang mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng từ màu sang trồng sầu riêng.

Sau 4 năm, 40 gốc sầu riêng đầu tiên cho trái chiến, anh Giang thu hoạch được 120 triệu đồng. Đến nay vườn sầu riêng của anh Giang đã thu hoạch được 4 năm, riêng vụ cuối năm 2022 và năm 2023 anh thu hoạch được tổng cộng 5 tấn, bán với giá 100.000 đồng/kg, lãi khoảng 400 triệu đồng. Hiện nay vườn sầu riêng đã bắt đầu cho thu hoạch vụ năm 2024, với năng suất và giá sầu riêng hiện nay anh tự tin lãi cao hơn năm trước.

Vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang lại là nơi xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh- Ảnh 3.

Anh Lê Trường Giang, một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi các loại cây ăn trái và rau màu có giá trị kinh tế cao thành công. Ảnh: HC

Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi liên kết sản xuất bền vững, tháng 12/2023, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã ra mắt "Câu lạc bộ Doanh nhân nông thôn", do anh Lê Trường Giang làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Câu lạc bộ có 20 thành viên là hội viên nông dân đang trực tiếp sản xuất trên địa bàn, có doanh thu đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, huyện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 24.000 ha, trước đây chủ yếu là trồng lúa. Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả nhường chỗ cho cây ăn trái và cây màu có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 12.000 ha đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái… Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như hệ thống thủy lợi công nghệ cao, tưới nhỏ giọt cho 704 ha diện tích cây xoài và 100 ha rau màu, với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang lại là nơi xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh- Ảnh 4.

Chợ Mới là địa phương có lô xoài đầu tiên của tỉnh An Giang được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Châu Âu. Ảnh: HC

Hiện Chợ Mới là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang với tổng diện tích sản xuất xoài trên 6.400 ha, trong đó 704 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã cấp được 41 mã số vùng trồng xoài tượng da xanh với diện tích trên 6.149 ha xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Châu Âu. Lợi nhuận từ trồng cây ăn trái và hoa màu gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Ông Cù Minh Trọng - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết: Xác định nông nghiệp là hướng đi chủ lực, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thời gian qua huyện Chợ Mới đã mạnh dạn đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các tổ chức nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp.

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng; hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện theo tiêu chí nông thôn mới đạt hơn 68,63 triệu đồng/người/năm, tăng 5,03 triệu đồng so với cùng kỳ.

Vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang lại là nơi xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh- Ảnh 5.

Một khu du lịch sinh thái của huyện Chợ Mới. Ảnh: HC

Hiện toàn huyện có 15/15 xã nông thôn mới, trong đó có 4 xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn trước; có 14 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Huyện Chợ mới phấn đấu năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và xã Bình Phước Xuân đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

"Để nông nghiệp thực sự là nền tảng của phát triển kinh tế, hiện nay địa phương đã và đang tạo mọi cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng nguồn nguyên liệu những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đồng thời sản xuất theo hướng liên kết, giữa doanh nghiệp và người dân để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững. Về thu hút đầu tư thì huyện quan tâm đến các doanh nghiệp chế biến nông sản, logistics…"- ông Trọng nói.

Năm 1917, quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên. Đến tháng 3/1948 thuộc tỉnh Long Châu Tiền. Đến tháng 6/1951 thuộc tỉnh Long Châu Sa. Từ năm 1957-1975, quận Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, duy trì đến năm 1975 kể cả khi An Giang tách thành tỉnh An Giang và Châu Đốc từ năm 1964.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 2/1976, Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang với 12 xã, 1 thị trấn. Từ năm 2003 đến nay, huyện Chợ Mới có 16 xã, 2 thị trấn.