Ký ức đầy xúc động về thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 30/04/2022 14:15 PM (GMT+7)
Đã 47 năm trôi qua, nhưng ký ức về thời khắc xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong trí nhớ của hai nhà báo chiến trường kỳ cựu Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng vẫn rõ mồn một.
Bình luận 0

 Chứng kiến khoảnh khắc cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã không còn vương tiếng súng nhưng trong ký ức của những người từng một thời vào sinh ra tử trên chiến trường, kỷ niệm dường như vẫn tươi mới. Có lẽ vì thế mà khi chia sẻ với Dân Việt về không khí của ngày phóng Sài Gòn 47 năm trước, hai nhà báo chiến trường kỳ cựu Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng vẫn kể vanh vách từng sự kiện.

Ký ức đầy xúc động về thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975  - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Mai Hạnh trong chương trình "Hào khí Việt Nam". Ảnh: Nam Nguyễn.

Nhà báo Trần Mai Hạnh là nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và nhà báo Trần Mai Hưởng là nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Cả hai đều may mắn có mặt trong giờ phút lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính thức ghi dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Bắc – Nam nối liền một dải trong ngày 30/4/174 lịch sử.

Nhà báo Trần Mai Hạnh kể, trung tuần tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột ít ngày, ông được cử tham gia đoàn phóng viên – biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam do đích thân Tổng biên tập Đào Tùng dẫn đầu tham gia chiến dịch. Đoàn đã tiến vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Tây Ninh.

"Trưa ngày 30/4/1975, chiếc xe honda đầy bụi đường đưa tôi và Văn Bảo – phóng viên ảnh tới được Dinh Độc Lập lúc cờ chiến thắng vừa được cắm lên trên nóc dinh và các sự kiện lịch sử vừa diễn ra ít phút. Các phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó có nhà báo Trần Mai Hưởng – em ruột tôi đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn 203 xe tăng đến trước ít phút và đã chụp được những bức ảnh lịch sử đầu tiên. Giây phút đó hạnh phúc vô cùng, ôm lấy nhau mừng rơi nước mắt bởi chiến tranh đã thực sự chấm dứt, hòa bình đã lập lại. Khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc đã trở thành sự thật.

Trong niềm xúc động ấy, tôi đã tiến bắt tay vào viết bài tường thuật. Sau khi đã xác định được những yếu tố cơ bản của bài tường thuật, tôi lập tức ra ngay cảng Sài Gòn. Ngày giải phóng không thể không ra nơi Bác Hồ tìm đường cứu nước.

Ký ức đầy xúc động về thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975  - Ảnh 2.

Bản thảo bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" của nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh: Trần Mai Hạnh.

Tôi đến cảng Sài Gòn đúng lúc các đoàn xe quân sự chở bộ đội tiến vào tiếp quản cảng Sài Gòn trong không khí vô cùng hùng tráng. Dưới sông Sài Gòn lúc đó, tàu hải quân của Ngụy quyền Sài Gòn bị bắn cháy, bốc khói ngùn ngụt; trên bến thì bà con ùa ra đón bộ đội, tay cầm cờ đỏ sao vàng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chứng kiến không khí rợp bóng cờ sao ấy, lòng tôi cũng hân hoan theo. Tôi trở về viết bài tường thuật. Khi đặt bút viết thì hình ảnh bến cảng Sài Gòn hiện ra trước mắt, ảnh Bác Hồ chen giữa cờ đỏ sao vàng tung bay, rất hoành tráng. Khoảnh khắc đó, tự dưng trong đầu tôi nảy ra dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" và tôi lấy cái tên đó làm tiêu đề cho bài tường thuật. Chiều hôm ấy, rất may các điện báo viên đã điện được bài tường thuật đó từ Sài Gòn lên căn cứ Thông tấn xã Việt Nam ở rừng Tây Ninh rồi từ đó dùng máy công suất cao hơn điện ra ngoài Hà Nội. Thời đó, mọi thứ khác với bây giờ lắm.

Máy điện điện từng chữ "A…B…C", tạch tạch, tè tè… rất mất thì giờ. Bài đó được đăng trên bảng tin "Đấu tranh thống nhất" của Thông tấn xã Việt Nam vào tối 30/4/1975. Và trưa ngày 1/5/1975, trong chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam thì đọc toàn văn bài này. Rồi ngày 2/5/1975, trong số báo Nhân Dân đặc biệt, bài báo này cũng được đăng lại với tiêu đề như thế", nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động kể lại.

47 năm vẫn muốn tìm lại đồng đội trên chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập

Nhà báo Trần Mai Hưởng cũng không quên được những kỷ niệm của giây phút lịch sử của ngày 30/4/1947, dù chiến tranh đã lùi xa 47 năm. Ông xem bức ảnh ông chụp được chiếc xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 như một kỷ niệm đẹp của đời làm báo.

Ký ức đầy xúc động về thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975  - Ảnh 3.

Hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng chụp tại Huế sáng 4/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hạnh.

"Thời đó, chúng tôi là một nhóm phóng viên đặc biệt đi theo cánh quân phía Đông. Cánh quân phía Đông là cánh quân tiến vào Sài Gòn trước tiên trong ngày 30/4/1975. Anh em phóng viên đi theo cánh quân này thì mới có mặt sớm nhất ở đây được. Trong nhóm đó có nhà báo Vũ Tạo, Lâm Hồng Long, Hưng Kiểm, Đinh Quang Thành, Hoàng Khiểm, Ngọc Đản và Trần Mai Hưởng cùng một số nhà báo của các báo khác nữa.

Phải nói thêm rằng, chúng tôi đi theo Quân đoàn 2 từ trận đánh ở căn cứ Nước Trong rất ác liệt, sau đó tiến vào Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975. Đối với chúng tôi, đó là thời khắc rất tuyệt vời về mặt nghề nghiệp. Anh em phóng viên trong đoàn đã ghi lại rất nhiều hình ảnh, từ lúc đi dọc đường trao những lá cờ Quyết chiến Quyết thắng ở rừng cao su Biên Hòa (Đồng Nai) đến khi lên trên này.

Dọc đường chúng tôi chụp được rất nhiều cảnh bà con nhân dân ra đứng dọc đường đón đoàn quân giải phóng. Khi đến Dinh Độc Lập, tôi vừa bước ra khỏi xe com măng ca thì tôi thấy xe tăng đang tiến vào và tôi liền quay lại chụp được bức ảnh xe tăng mang số hiệu 846 đang tiến vào cổng. Nhà báo Vũ Tạo cũng chụp được một bức ảnh tương tự nhưng ảnh kia xe tăng hơi tiến sâu vào bên trong một chút.

Ký ức đầy xúc động về thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975  - Ảnh 4.

Bức ảnh "Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975" của nhà báo Trần Mai Hưởng. Ảnh: Trần Mai Hưởng.

Đây là một bức ảnh rất đặc biệt đối với tôi. Sau này, khi lùi ra xa mới thấy được bức ảnh rất có tính biểu tượng. Về mặt không gian là xe tăng vừa bước qua cổng Dinh Độc Lập; về mặt thời gian là mặt trời chiếu xuống nồng pháo chia ra làm đôi, bên sáng bên tối… đó là buổi trưa. Về mặt nội dung thì trong bức ảnh ấy, ngoài chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 còn có cả các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304. Đây là hai lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ rằng, về mặt hình ảnh, đây là một hình tượng đẹp. Nghĩa là quân đội của chúng ta đã trưởng thành sau bao nhiêu năm và có những hiệp đồng binh chủng rất lớn. Ở chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta mới chỉ có bộ binh phất cờ trên nóc hầm tướng Đờ-Cát thôi nhưng bây giờ chúng ta đã tiến rất xa. Cho nên bức ảnh đó mang tính biểu tượng rất lớn cho chiến thắng 30/4 vĩ đại".

Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, thời điểm chụp bức ảnh đó, không không nghĩ gì đến chuyện sau này bức ảnh sẽ "nổi tiếng". Chỉ biết rằng, đó là một bức ảnh đẹp mà mình chụp được, anh em cũng chụp được nhiều bức ảnh khác. Trong tổ của ông lúc đó, nhiều nhà báo còn chụp được những bức ảnh bắt sống nội các Dương Văn Minh, các chiến sĩ xe tăng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập và cả cảnh nhân sân Sài Gòn đổ ra đường ăn mừng. Rất rất nhiều bức ảnh khác nhưng qua thời gian bức ảnh của ông may mắn đứng lại được với thời gian vì nó có tính biểu tượng cho chiến thắng.

Ký ức đầy xúc động về thời khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975  - Ảnh 5.

Nhà báo Trần Mai Hưởng gặp lại các chiến sĩ trên xe tăng 846 năm xưa. Ảnh: Nam Nguyễn.

"Chiếc xe tăng mang số hiệu 846 là chiếc xe thứ 4 trong tổng số 7 chiếc xe tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/40/1975. Trên xe lúc đó có Trưởng xe là bác Nguyễn Quang Hòa – Đại đội phó Đại đội 4 của đơn vị chỉ huy xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập có quê quán ở La Khê, Hà Đông. 

Có 3 người lính nữa là lái xe Trần Bình Yên và hai pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý và Nguyễn Bá Tứ. Và ngoài ra, trên xe lúc đó còn có 2 đồng chí lính bộ binh của Sư đoàn 304 nữa. Tôi đã nhiều lần đi tìm lại hai đồng đội kia nhưng vẫn không tìm được. Không ai biết hai đồng chí ấy là ai, đang sống ở đâu và như thế nào. Đấy là điều tôi rất mong muốn làm được.

Sau chiến tranh, tôi vẫn thường gặp lại 4 chiến sĩ trên xe tăng 846 lúc đó. Tôi đã từng về Hải Phòng thăm anh Nguyễn Ngọc Quý, về Hà Nam thăm pháo thủ Trần Bình Yên… Chúng tôi xem nhau như bạn bè vì đều sàn sàn tuổi nhau và hàng năm đến dịp 30/4 vẫn thường gặp nhau.", nhà báo Trần Mai Hưởng kể thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem