Theo chị Trúc Phương, chị sinh ra và lớn lên tại Cái Mơn, một làng hoa nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ. Năm 2018, chị khởi nghiệp với nghề nhân giống hoa giấy.
Lâu nay, người dân miền Tây Nam bộ rất thích trồng hoa giấy. Cây hoa giấy được trồng phổ biến ở làng quê bởi dễ trồng, dễ chăm, và nhất là chịu được khô hạn. Chỉ cần vài ba nhánh bông giấy giâm xuống đất, vài tháng sau đã hình thành bụi hoa giấy cánh mỏng manh hồng hồng, tím tím, dân giã và gần gũi thiên nhiên.
Chị Trúc Phương cho biết, cây hoa giấy dễ trồng thế nào thì việc nhân giống hoa giấy cũng dễ gần như thế. Công đoạn được xem là khó nhất trong việc nhân giống hoa giấy là ghép bo (ghép phôi).
Về kỹ thuật ghép bo để nhân giống hoa giấy, phải chọn bo ghép (tược ghép) cứng cáp, to, không quá non hoặc quá già bởi sẽ cho tỷ lệ sống thấp.
Bên cạnh đó, gốc ghép phải chọn loại có hình dáng lạ để cho ra sản phẩm mới lạ, thu hút người chơi. Sau khi ghép bo xong, bắt buộc phải dùng bọc nylon bao lại chỗ bo vừa được ghép.
Khoảng nửa tháng sau mắt ghép sẽ liền lạc với gốc và phát triển. Công việc tiếp theo của chị Trúc Phương là cắt tỉa, tạo dáng, tạo cành và chăm sóc bộ rễ để hình thành chậu hoa giấy bonsai hoàn chỉnh.
Theo chị Phương, hoa giấy ưa nắng và chịu hạn tốt nên phát triển rất nhanh. Sau khoảng 8 tháng chăm sóc, tỉa dáng, tạo rễ là có thể xuất bán. Giá mỗi chậu hoa giấy bonsai đẹp từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Theo chị Trần Thị Trúc Phương (xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nhân giống hoa giấy khó nhất là ghép bo. Ảnh: T.Đ
"So với nhiều loại hoa khác, hoa giấy rất dễ chăm sóc. Cực nhất là lúc cây giống còn nhỏ. Thành quả mang lại không chỉ tiêu thụ được nhiều chậu hoa giấy mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn và đưa sản phẩm hoa của làng nghề ra thị trường", chị Trúc Phương chia sẻ.
Hiện, trong vườn nhà, chị Trúc Phương có hơn 1.000 gốc giống hoa giấy tím nguyên thủy. Những gốc hoa giấy tím này sẽ được ghép với những loại hoa giấy khác để cho ra nhiều màu sắc khác nhau trước khi đưa ra thị trường.
Ngoài bán sản phẩm hoa giấy theo lối truyền thống, chị Trúc Phương đang đầu tư kênh bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Đây là kênh bán hàng được chị Trúc Phương cho rằng rất hiệu quả để tìm đầu ra cho sản phẩm hoa giấy Cái Mơn.
Theo đó, bên cạnh đăng tải đầy đủ hình ảnh các chủng loại hoa giấy, chị Trúc Phương còn đăng các video thực tế về việc trồng hoa giấy, chăm sóc cây…, tham gia các nhóm bạn bè cùng chung nghề ở khắp mọi miền đất nước qua Facebook nhằm chia sẻ kinh nghiệm nhân giống và tiêu thụ hpa giấy.
Nhờ cách bán hàng linh hoạt, nhiều sản phẩm hoa giấy của chị đã tìm được thị trường không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước…
Năm ngoái (2023), chị Trúc Phương đã thành lập Dự án Cái Mơn Farm nhằm mục đích phát triển thị trường hoa giấy, duy trì nghề truyền thống, và nhất là mong muốn kết hợp du lịch với nông nghiệp.
Theo nhiều nhà vườn hoa kiểng ở Bến Tre, với đặc tính là loài cây dễ uốn thành nhiều kiểu (dạng vòm hoặc trồng thành dải rồi cắt tỉa,...) và khả năng thích nghi, chịu được điều kiện khắc nghiệt, cây hoa giấy đang được thị trường ưa chuộng, nhất là khi các giống hoa giấy mới lạ nhập ngày càng nhiều, như hoa giấy Thái Lan (Bougainvillea Spectabilis), hoa giấy Brazil (Bougainvillea Glabra), hoa giấy Mỹ….
Hiện, ngoài giải trí, cây hoa giấy còn được trồng làm cảnh quan đô thị (trồng trên dải phân cách, vỉa hè,...).