Chúng tôi có dịp đến thăm Đan viện Châu Sơn vào một buổi chiều cuối tuần và gặp một vị linh mục đang chăm sóc vườn hoa bên tay trái Thánh đường. Do nơi đây là tu viện nên các linh mục, tu sĩ thường không tiết lộ danh tính.
Vị linh mục cho biết, Đan viện Châu Sơn là thành viên của Hội dòng Xitô Thánh gia, được thành lập vào ngày 8/9/1936, đúng ngày lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria. Đan viện được linh mục Phero Trần Đức Trưởng (sinh năm 1874) khởi công xây dựng vào năm 1939 tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thuộc Giáo phận Phát Diệm.
Đây cũng là ngôi Thánh đường thứ 16 được xây cất bằng tiền khấn và cầu nguyện của linh mục Phero Trần Đức Trưởng. Kiến trúc sư chính của Đan Viện là cha Placiđô Trương Minh Trạch - một tu sĩ trẻ chưa từng học qua một trường lớp kiến trúc hay xây dựng nào.
Mặt trước Thánh đường Châu Sơn (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trong ánh chiều tà, nhìn không khác nào những toà lâu đài cổ ở châu Âu. Ảnh: M.H
Những bức tường gạch không trát vữa, được trang trí bằng 2 tầng cửa sổ tạo nên vẻ đẹp cổ kính, tịch mịch theo lối kiến trúc Gothic, khiến nhiều du khách đến đây đều muốn chụp ảnh làm kỉ niệm. Ảnh: M.H
Kiến trúc đặc biệt ở Đan viện có thể kể đến những bức tường gạch nung không trát vữa, Cung Thánh linh thiêng, Vườn cầu nguyện Fatima, hay giếng đá ong Jacob nằm bên dưới lòng đất gần vườn cầu nguyện Fatima.
Để xuống được giếng cổ, chúng tôi đi qua một đường hầm nhỏ xây hoàn toàn bằng đá ong. Vừa bước vào đường hầm, ai cũng cảm thấy như lạc vào một thế giới khác bởi không gian mát mẻ, huyền bí. Qua cánh cửa bằng sắt hiện ra một giếng cổ xây bằng đá ong nước trong vắt và đầy ắp, lên đến tận gần miệng giếng.
Ngước nhìn lên phía trên, du khách sẽ thấy giếng trời, nơi đón ánh nắng và những làn gió mát lùa vào bên trong giếng cổ. Do được xây dựng bên dưới lòng đất nên không gian nơi đây vô cùng tĩnh lặng. Đây cũng là khu vực cầu nguyện thiêng liêng, không phải lúc nào cũng mở cửa để du khách tham quan.
Du khách cầu nguyện bên cái giếng cổ xây bằng đá ong Jacob trong tu viện Châu Sơn (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: M.H
Xưa kia, nguồn nước từ giếng cổ này không chỉ là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cho những người tu tập tại Đan viện, mà còn được coi là nguồn nước linh thiêng có khả năng xoá đi sự bất an và mang lại sự an lành cho những người tìm đến.
Cũng nhiều người tin rằng, nguồn nước quanh năm trong vắt ở giếng cổ có khả năng chữa lành về mặt tinh thần và thể chất, làm dịu đi những vết thương trong lòng và mang lại sự bình yên cho tâm hồn con người.
Như hầu hết các nhà thờ khác, Thánh đường tại Đan viện cũng chính là nơi có kiến trúc đồ sộ, nguy nga nhất, với mái vòm màu trắng cao 21m và các bức phù điêu cầu kỳ.
Đặc biệt ở chỗ, mái vòm không phải làm bằng xi măng cốt thép như ngày nay mà được làm từ mật mía, bã mía và tre bổ ra đan vào với nhau. Xuyên suốt chiều dài 64m của Thánh đường này là những thân cột được thiết kế khéo léo thành những tháp nhỏ cân xứng.
Đan viện là nơi ở dành cho những đan sĩ tu theo lối chiêm niệm (contemplative). Mỗi ngày các đan sĩ dành phần lớn thời gian đọc kinh chung và cầu nguyện theo phương pháp đặc thù.
Do vậy, Đan viện chỉ mở cửa cho du khách vào tham quan, chụp hình sau thời gian lễ nguyện, cụ thể là từ 8h - 10h30 và 14h30 - 16h30 đối với thứ 2 đến thứ 7; 8h - 10h và 15h30 - 16h30 đối với chủ nhật. Ngoài ra, Đan viện sẽ không cho tham quan vào khoảng đầu tháng 8 (thời gian tĩnh tâm) và khoảng tháng 3 (mùa Chay).