Dân Việt

Lần đầu có đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, Hải Dương đi Trung Quốc

Thế Anh 02/05/2024 09:36 GMT+7
Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc là một "bước đệm" quan trọng về vận tải đường sắt liên vận quốc tế trong tương lai.

Đường sắt liên vận quốc tế là "bước đệm" quan trọng

Sáng ngày 02/5, tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc đã chính thức hoạt động vận chuyển hàng hoá từ Hải Dương đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á tạo ra hành lang vận tải xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua đường sắt vào trong nội địa.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc là một "bước đệm" quan trọng về vận tải đường sắt liên vận quốc tế trong tương lai..

"Sau Ga Kép (Bắc Giang) đi vào hoạt động, đến nay, ga Cao Xá (Hải Dương) là ga thứ 2 Tổng công ty ĐSVN thực hiện việc cải tạo, nâng cấp nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa", lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Lần đầu có đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, Hải Dương đi Trung Quốc- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc. Ảnh: Thế Anh

Theo đó, trong giai đoạn 1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp bãi hàng trong phạm vi đất đường sắt đâng quản lý và đáp ứng yêu cầu tối thiểu về bãi ngoại quan chuyên dùng quy định như: Cải tạo đường số 3 thành đường đón gửi và lưu chứa xe có chiều dài khoảng 600m; xây dựng mới một đường xếp dỡ dài khoảng 250m; xây dựng mới một văn phòng, dịch vụ hải quan, kho hàng, bãi hàng

 Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành 1 ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại; đồng thời trở thành 1 mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Trong gia đoạn 2, nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục triển nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số. Khi đó, tại Ga Cao Xá, sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Cụ thể, Tuyến 1: Cao Xá – Yên Viên (Hà Nội) – Kép (Bắc Giang) – Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Quảng Tây, TQ), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU. 

Tuyến 2: Cao Xá – Lào Cai - Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc

 Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.

Đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Cao Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, sau khi về đến Ga Yên Viên sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lần đầu có đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, Hải Dương đi Trung Quốc- Ảnh 2.

Cận cảnh đoàn tàu liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc. Ảnh: Thế Anh

Đường sắt liên vận quốc tế góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội

Chia sẻ về tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu hàng đầu trong cả nước.

Hiện, tỉnh Hải Dương có gần 20 Khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao đối với các nguồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.

Đồng thời nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp FDI và các nhà máy sang thị trường Trung Quốc, Châu Âu, Trung Á… cũng rất lớn.

Ông Khánh cho hay, với đặc điểm tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài 46 km, gồm 06 nhà ga (Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Phạm Xá và Phú Thái), trải dài trên địa bàn 04 huyện, thành phố (huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành và thành phố Hải Dương).

Tuy nhiên, các ga đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa có các bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container, chưa có kết nối với khu công nghiệp cũng như các nhà máy trên địa bàn tỉnh, do đó hàng hóa tại tỉnh Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt.

Đánh giá về tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đi Trung Quốc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, tuyến đường sắt liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá sau khi cải tạo,nâng cấp giai đoạn 1" đã khẳng định Đường sắt Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải liên vận quốc tế trong điều kiện khó khăn về kết cấu hạ tầng và huy động nguồn vốn.

"Với việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương, từ Ga Cao Xá sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt gồm Cao Xá - Yên Viên - Đồng Đăng và Cao Xá - Yên Viên - Lào Cai. Từ đây, hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu", ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo ông Mạnh, với hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế.

Để tuyến vận chuyển liên vận quốc tế mới hoạt động được hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kính đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Hải Dương và các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm ủng hộ cho hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao xá nói riêng và hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói chung.

Ông Cảnh đề nghị, Bộ GTVT tiếp tục xem xét và đưa vào quy hoạch các ga có tiềm năng và thế mạnh trong hoạt động vận tải liên vận quốc tế. UBND tỉnh Hải Dương quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động kết nối ga Cao Xá với các loại hình vận tải khác.