Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc: Chủ tịch VNR nói về sự thuận lợi với doanh nghiệp
Đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc: Chủ tịch VNR nói về sự thuận lợi với doanh nghiệp
Thế Anh
Thứ tư, ngày 13/12/2023 10:54 AM (GMT+7)
Đánh giá về tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, người đứng đầu VNR cho rằng, đường sắt liên vận quốc tế rất thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương.
Chiều ngày 12/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình nghe báo cáo về 36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong số 36 văn bản thoả thuận hợp tác có Bản Ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với đó là Bản Ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác Phát triển Quốc tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đường sắt đã liên tiếp mở hai ga liên vận quốc tế là ga Kép (tỉnh Bắc Giang) và ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đi sang bên kia biên giới Trung Quốc đã phát huy hiệu quả rõ rệt của hướng phát triển mới cho vận tải liên vận quốc tế ngay từ trong nội địa.
Cụ thể, tuyến đường sắt liên vận quốc tế tại ga Kép (tỉnh Bắc Giang) đi tới ga Đồng Đăng - Bằng Tường (Trung Quốc) với tần suất bình quân 1,5 - 2 đôi tàu/ngày. Đây được xem là bước quan trọng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam, giảm tải cho 2 ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội) và Đồng Đăng, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Tuyến đường sắt liên vận quốc tế với Đoàn tàu gồm 19 toa vận chuyển hàng hóa xuất khẩu xuất phát từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Để tuyến đường sắt liên vận quốc tế tới Trung Quốc phát huy hết thế mạnh, ngành đường sắt đang tích cực nâng cấp hạ tầng chất lượng dịch vụ với mục tiêu sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đường sắt gấp 5 lần hiện nay vào năm 2030.
Qua đó, đường sắt sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng đường sắt như nhà ga, kho bãi, đồng thời nhanh chóng cải thiện mảng dịch vụ logistics trong lĩnh vực này.
Thông tin về tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam tới Trung Quốc, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) tiết lộ dự kiến, sẽ có 8 ga khai thác liên vận quốc tế, trong đó có một số ga đã đưa vào khai thác, gồm Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Kép, Sóng Thần, Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Trảng Bom (Đồng Nai).
Chỉ chưa đầy 9 tháng từ đầu năm đến nay, sau khi Chính phủ giao, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai, nâng cấp hạ tầng ga Kép và ga sóng Thần đưa vào làm ga liên vận, tổ chức các kho ngoại quan ICD (cảng cạn), logistics.
"Sau tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, tỉnh Hải Dương cũng đang xúc tiến để tổ chức ga Cao Xá làm ga liên vận quốc tế", ông Mạnh thông tin.
Đường sắt đưa cửa khẩu vào sâu nội địa
Theo ông Mạnh, mục tiêu của ngành đường sắt là đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho doannh nghiệp và các địa phương không chỉ trong vận chuyển hàng hóa mà còn phát triển các kho ICD, logistics.
Với ga liên vận quốc tế sâu trong nội địa, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, hàng hóa sẽ được ngành hải quan kiểm tra, làm thủ tục thông quan ngay tại các ga trong nội địa, kẹp chì niêm phong và sau đó chỉ cần khai báo khi tới biên giới, giảm rất nhiều thời gian.
"Một đoàn tàu liên vận chở tối đa 21 - 25 container khi tới ga biên giới làm thủ tục khai báo thông quan chỉ mất 2 tiếng", ông Đặng Sỹ Mạnh lấy ví dụ.
Đánh giá về tuyến đường sắt liên vận quốc tế, người đứng đầu VNR cho rằng: "Các đoàn tàu liên vận quốc tế rất thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương".
Ví dụ như vải thiều lâu nay không xuất khẩu qua đường sắt, nhưng nay với các tàu container lạnh liên vận quốc tế có thể xuất khẩu trực tiếp vận chuyển bằng đường sắt.
Bên cạnh đó, còn có các mặt hàng khác như nông sản, thủy sản cũng có thể xuất khẩu qua container lạnh có khả năng lưu trữ, bảo quản tốt khi tới bên kia biên giới Trung Quốc hàng hoá vẫn đảm bảo được chất lượng. Đặc biệt, liên vận quốc tế sẽ tạo ra mạng lưới kết nối các kho ngoại quan cũng như khu hậu cần logistics của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.