Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 2/5, TAND TP.Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Bên cạnh đó, tòa án cũng nhận được đơn kháng cáo của một số bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu được tính lãi suất trên số tiền mà họ bị chiếm đoạt.
Trước đó, vào chiều 27/3, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh trên, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh lĩnh án 36 tháng tù.
Đối với 13 bị cáo còn lại lĩnh án từ 18 tháng tù treo đến 24 tháng tù.
Cáo trạng thể hiện, tháng 6/2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của Covid-19 nên khó khăn về tài chính. Tập đoàn này có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng.
Vào tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.
Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời.
Thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông.
Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng.
Số tiền huy động được, Chủ tịch Tân Hoàng Minh và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ án đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng và hiện số tiền này đã được giao nộp để hoàn trả cho các bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đỗ Anh Dũng khai lý do phát hành trái phiếu do năm 2021 Tân Hoàng Minh cần nhiều vốn hơn nên bị cáo đã bàn bạc với con trai về việc huy động vốn từ nhà tài trợ, không chỉ từ vốn ngân hàng.
Do đó, ông Dũng bảo con trai Đỗ Hoàng Việt tìm thêm một kênh huy động vốn. Việt đề xuất kênh trái phiếu.
Đối với việc chạy dòng tiền để phát hành trái phiếu, Chủ tịch Tân Hoàng Minh thừa nhận có sai phạm và với chức vụ là người đứng đầu, bị cáo nhận trách nhiệm của bản thân.
Tuy nhiên, bị cáo khẳng định, khi phát hành trái phiếu, trong thâm tâm chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua.
Với những khoản tiền lãi của các hợp đồng đến hạn trước khi bị bắt, bị cáo xin nhận trách nhiệm trả số tiền này.
Với khoản lãi sau khi bị bắt, bị cáo cho biết tuân thủ theo quyết định của HĐXX.
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 2/5, Công an TP.Tân An (tỉnh Long An) đang khẩn trương phối hợp đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh bảo vệ hiện trường, khám nghiệm tử thi nạn nhân là một thanh niên nằm chết ven lộ, cạnh vườn thanh long của người dân địa phương.
Rất đông người dân đến chứng kiến cảnh công an khám nghiệm hiện trường, tử thi nạn nhân. Clip: Thiên Long
Khoảng 6 giờ 30 cùng ngày, chủ nhà vườn đi thăm vườn thanh long thì tá hỏa phát hiện một nam thanh niên nằm bất động, phía trên có xe máy đè trên người.
Đến gần kiểm tra thì phát hiện nam thanh niên đã tử vong. Nơi nạn nhân nằm chết cạnh con lộ nhựa liên ấp Võ Duy Tạo, đoạn qua ấp Xuân Hòa, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An.
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân tên là N.T.T (19 tuổi, ngụ ấp Ngãi Lợi A, xã Lợi Bình Nhơn), nhà cách hiện trường gần 1 cây số.
Theo gia đình, khoảng 18 giờ ngày 1/5, N.T.T chạy xe máy rời khỏi nhà, nói là đi chơi cùng nhóm bạn, nhưng cả đêm không thấy quay về.
Hiện nguyên nhân nạn nhân tử vong vẫn chưa xác định được, công an đang khám nghiệm thi thể.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 2/5, lãnh đạo UBND xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị xác nhận, lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ vụ 3 người lái máy gặt lúa thuê bị đánh. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định được 2 thanh niên người địa phương vô cớ đánh người lái máy gặt lúa bị thương.
Trước đó, khoảng 15h ngày 1/5, khi anh Nguyễn Minh Khai (26 tuổi, quê ở Hậu Giang) cùng 2 người khác chuẩn bị gặt lúa thuê trên cánh đồng của thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng thì bị một nhóm thanh niên khoảng 5 người đến hỏi chuyện, gây rối không cho gặt lúa.
Sau đó nhóm thanh niên lao vào đánh đập một người lái máy gặt lúa. Thấy vậy, hai người còn lại đến can ngăn thì cũng bị nhóm này đánh vào người, vào đầu. Nhóm thanh niên gây rối còn dùng ná cao su bắn vào những người gặt lúa thuê.
Anh Nguyễn Minh Khai cho biết, bản thân và 2 người bạn ở địa bàn khác đến xã Triệu Thượng lái máy gặt thuê mới được vài ngày nên không hề xảy ra đụng chạm, hay xích mích trước với nhóm người trên.
"Sau khi chúng tôi bị đánh và được người dân gọi báo công an thì nhóm người này mới rời đi" - anh Khai nói.
Ông Nguyễn Quang Thịnh - Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cho biết, sau khi nắm được thông tin, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những đối tượng gây rối, hành hung những người gặt thuê.
Được biết, trên địa bàn huyện Triệu Phong đã từng xảy ra một số vụ phá hoại, nghi ngờ phá hoại việc gặt lúa thuê. Tháng 8/2019, chiếc máy gặt lúa của ông Hồ Ngâu (SN 1966) và Trịnh Dơn (SN 1965) cùng trú xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị cháy rụi trong đêm, nghi do bị kẻ xấu đốt.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2020, nhiều người dân ở xã Triệu Thành phản ánh, đồng lúa chín đến kỳ thu hoạch "bỗng dưng" xuất hiện nhiều cọc sắt được cắm lẫn vào lúa. Những cọc sắt này như những bãi chông, làm hư hỏng máy gặt đập liên hợp. Những vụ việc này dấy lên nghi vấn bảo kê máy gặt lúa ở Quảng Trị, cơ quan chức năng cần làm rõ để trấn an dư luận và bảo vệ người nông dân.
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị can Phạm Minh An liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong gói thầu số 25 xảy ra tại Sở Y tế. Gói thầu này đấu thầu thiết bị cho phòng mổ Hybrid chấn thương chỉnh hình, thuộc dự án trang thiết bị y tế Bệnh viện Vũng Tàu.
Liên quan đến vụ án trên, ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Trần Mạnh Hải (SN 1977, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế); Đỗ Hữu Hải (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sơn Hà) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngày 22/3, Cơ quan CSĐT cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Tạ Quang Trường (SN 1968, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex); khởi tố bị can, lệnh khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Tuấn Anh (SN 1984, nguyên Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tạ Thiên Ân); khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Hữu Lễ (SN 1975, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Dược phẩm và Trang thiết bị y tế - Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex) để tiếp tục điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định các đối tượng trên đã gây thiệt hại của Nhà nước hơn 18 tỷ đồng.
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 2/5, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Công an thị xã Nghi Sơn đã có đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa chén mang nhãn hiệu của Thái Lan.
Đường dây này do Trần Văn Sơn (SN 1999, trú xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cầm đầu.
Theo cơ quan điều tra, lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng thích sử dụng hàng Thái Lan, Sơn rủ một số đối tượng thuê nhà xưởng, thành lập công ty để sản xuất nước giặt, nước rửa chén giả mang nhãn hiệu Thái Lan để tung ra thị trường tiêu thụ.
Cuối tháng 2/2022, Sơn thuê nhà xưởng ở khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga (phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa), sau đó đặt mua các loại máy móc, thiết bị rồi làm giả nước giặt mang nhãn hiệu "D-nee", "Fineline", "Hi Class", nước rửa chén nhãn hiệu "Lipon" (thường gọi tiếng Việt là Talau), nước tẩy nhãn hiệu "Okay".
Theo cơ quan công an, thời gian đầu, Sơn cùng với anh họ của mình là Trần Văn Tỉnh (SN 1997, trú cùng xã với Sơn), Nguyễn Văn Chiến (SN 2001, trú huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và một số người khác do Sơn thuê để lắp ráp các loại máy móc, thiết bị hoàn chỉnh mô hình sản xuất.
Đến khoảng tháng 4/2022, sau khi hoàn thiện mô hình sản xuất, Sơn bắt đầu đặt mua các loại hóa chất, hương liệu, phụ gia, can, chai nhựa, tem, nhãn mác, thùng bìa cát tông rồi thử nghiệm làm nước tẩy, nước giặt, nước rửa chén đĩa.
Thử nghiệm thành công, Sơn cùng đồng bọn bắt đầu tiến hành việc sản xuất các sản phẩm nước giặt, nước rửa chén mang nhãn hiệu giả của Thái Lan để bán ra thị trường.
Tháng 6/2022, Sơn rủ Lê Văn Sơn (SN 1993, trú xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cùng điều hành hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả tại nhà xưởng trên.
Để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, 2 đối tượng này thuê nhiều người khác nhau, trong đó có đối tượng Phạm Thị Thu Hương (SN 1991, trú quận Bình Tân, TP.HCM) pha chế hóa chất, ghi sổ sách giấy tờ, dán tem nhãn, đóng thùng hàng, sang chiết hóa chất, vận chuyển hàng giả cho khách, vận chuyển nguyên vật liệu về xưởng để sản xuất hàng giả.
Qua khám xét, cảnh sát thu giữ tại xưởng sản xuất và các đại lý tiêu thụ của Trần Văn Sơn trên 10.000 can, chai nước giặt, nước rửa chén giả các loại; hơn 1 tấn tem, nhãn, vỏ; hơn 10 bộ máy đóng gói; gần 1 tấn hóa chất để sản xuất hàng giả.
Tại cơ quan công an, 10 đối tượng tham gia đường dây đã thừa nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.