Dân Việt

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng

Chiến Hoàng 03/05/2024 18:00 GMT+7
Mang câu sli đến chợ gặp "người xưa" để cất lời thủ thỉ. Chợ tình Xuân Dương cứ vậy mà "ủ men" khiến ai ai cũng má đỏ, môi hồng…

Ngày 3/5 (25/3 Âm lịch) khi gà rừng mới tạch tè đôi ba tiếng dưới lòng thung, câu sli đã luồn sương đến trước. Chợ tình Xuân Dương (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vào phiên, khắp các ngả đường đều chật kín bước chân người.

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng- Ảnh 1.

Đến chợ không phải để bán mua, người Nùng xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đến chợ là để gặp lại "tình cũ" để hàn huyên, tâm sự. Ảnh: Chiến Hoàng

25/3 âm lịch hàng năm là ngày được người Nùng xã Xuân Dương mong đợi hơn cả, bởi đó là ngày mà những người yêu nhau không đến được với nhau gặp mặt, ngày của những hẹn hò đắm say trong câu hát sli tình tứ ngọt ngào, và cũng là ngày để các chàng trai cô gái bén duyên mà nên chồng, nên vợ.

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng- Ảnh 2.

Những bước chân háo hức lần về với Chợ tình Xuân Dương, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn trong ngày 1/5. Ảnh: Chiến Hoàng

Thường khi áp phiên, dọc hai bờ sông Bắc Sen đã nghe mênh mang câu hát. Áp phiên năm nay mưa dông, người già người trẻ xót ruột lên xuống chân thang mà dạ bồn chồn. Nghệ nhân Nông Văn Hồ, thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương cho biết, vợ ông còn xót ruột hơn cả ông nữa.

"Mọi năm bà ấy chuẩn bị quà bánh chu đáo lắm, áp phiên năm nay dông gió, mưa như trút nước nên chẳng chuẩn bị được gì nhiều, chỉ có túi mận làm quà gặp mặt "người cũ" thôi, cũng may gần sáng mưa đã kịp tạnh", ông Hồ cho hay.

Lễ hội Chợ tình Xuân Dương năm nay kéo dài 3 ngày, người đổ về chật kín như nêm. Ai cũng tin rằng chỉ cần đến chợ sẽ gặp được người thương cũ, bờ sông Bắc Sen cũng sẽ đẹp hơn bởi những câu sli tình tứ trong phiên hẹn hò.

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng- Ảnh 3.

Những tốp hát sli trong phiên chợ tình ngày 2/5 bên bờ sông Bắc Sen, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Hơn 7 giờ sáng trong phiên chợ chính, hai bên bờ Bắc Sen sương vừa chớm tan, những bóng chàm thướt tha đã nghiêng soi mặt nước, cùng với đó là những câu sli tình tứ bổng, trầm quyện lại. Những "keo" sli cứ vậy trải dài hai bên bờ Bắc Sen trong phiên chợ tình xuân.

Sli rằng: Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón/Kẻo tôi nhìn thấy giọt nước mắt em rơi. Rồi những câu mềm môi đáp lại: Trời cao có ánh bình minh/Ta còn cơ hội tâm tình không anh? Hay những câu giằng xé tâm can như: Làm gì còn có kiếp sau/Chúng ta thực sự mất nhau thật rồi!

Chợ 3 ngày cho một phiên vẫn chừng chưa đủ, đưa người yêu cũ này mới về, lại tất bật gặp "người cũ" khác hàn huyên cũng là chuyện không hiếm đối với những người sli hay, việc giỏi và đào hoa.

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng- Ảnh 4.

Hai người phụ nữ Nùng đang say sưa hát sli trong Lễ hội Chợ tình Xuân Dương, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Ngày đầu phiên chợ, lang thang đến rạc cẳng chân, chúng tôi gọi điện liên lạc với nghệ nhân Nông Văn Hồ, lúc này cũng đã khoảng 23 giờ. Qua điện thoại Nghệ nhân Nông Văn Hồ bảo "vợ chồng mình không ở chợ rồi, đang ở mãi tận tỉnh Lạng Sơn cơ".

"Nay gặp người yêu cũ, vui lắm. Đêm muộn, thương người yêu cũ đường xa, hai vợ chồng mình quyết định đưa người yêu cũ của mình về bên này. Cũng là để biết nhà biết cửa và hiểu thêm về cuộc sống của nhau hơn. Chắc tí cũng về lại Xuân Dương thôi vì mai còn một cô nữa, cô này nhà còn xa hơn cô hôm nay", nghệ nhân Nông Văn Hồ cho biết thêm.

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng- Ảnh 5.

Anh Lý Văn Luyện (ngoài cùng bên trái) huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đang chia sẻ cùng bạn hát trong phiên Chợ tình Xuân Dương, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, Ảnh: Chiến Hoàng

Anh Lý Văn Luyện đến từ huyện Bình Gia của tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, năm nay đến với chợ tình Xuân Dương anh cảm thấy rất vui. Bên Bắc Kạn việc bảo tồn và phát triển làn điệu hát sli cũng như duy trì phiên chợ tình của người Nùng rất tốt.

"Qua hát sli tôi đã quen được rất nhiều bạn hát, chắc chắn phiên chợ tình năm sau tôi sẽ quay trở lại. Vì ở đó, biết đâu cũng sẽ có người khiến tôi mong nhớ, đếm ngày để gặp", anh Luyện hồ hởi.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nông Quang Kế, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, Lễ hội văn hóa truyền thống Chợ tình Xuân Dương dịp 25/3 âm lịch hàng năm là một nét văn hóa độc đáo của huyện Na Rì, từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân.

Chợ tình Xuân Dương ở Bắc Kạn: Mềm môi câu hát sli của người Nùng- Ảnh 6.

Không chỉ có sắc chàm truyền thống của người Nùng, Chợ tình Xuân Dương, xã Xuân Dương, huyện Na Rì của tỉnh Bắc Kạn còn có sự góp mặt nhiều trang phục truyền thống của các dân tộc khác. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo ông Kế, Lễ hội Chợ tình Xuân Dương năm nay được tổ chức từ ngày 1/5 đến hết ngày 3/5. Nhằm nâng cao mức độ hưởng thụ và sáng tạo văn hóa trong nhân dân, để gìn giữ bản sắc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc, với mục tiêu quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch. Những năm qua, huyện Na Rì đã chú trọng công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội này.

"Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã triển khai công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội, lập hồ sơ đề nghị Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội văn hóa truyền thống Chợ tình Xuân Dương vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, triển khai dự án bảo tồn làng tại thôn Nà Tuồng, xã Xuân Dương nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo điểm đến hấp dẫn, đặc biệt vào dịp lễ hội hằng năm cho du khách thập phương", ông Kế cho biết thêm.

Chuyện kể rằng có hai vợ chồng ở thôn Pác Sen (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, Bắc Kạn) rất thương yêu nhau, đi đâu họ cũng có nhau. Trong một lần cùng nhau ra đồng, chồng phát cây cuối ruộng, vợ cuốc đất đầu ruộng. Mặt trời đứng bóng, người chồng gọi vợ về nghỉ, nhưng không thấy người vợ trả lời, chỉ nghe tiếng núi đồi vọng lại. Tìm mãi chẳng thấy vợ đâu, khi tới đầu ruộng, chỉ còn lại chiếc cuốc vứt chỏng chơ, cỏ cây gẫy nát. Sau này người chồng mới hay vợ mình đã bị một tên quan đi qua thấy người vợ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe được.

Sau này, hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn lại tình xưa vì mỗi người đều đã yên bề gia thất. Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương trước tình cảnh yêu nhau nhưng không đến được với nhau nên đã đồng ý để hai vợ chồng họ có một ngày ôn lại chuyện xưa, cũng như để những người vì lý do nào đó phải chia tay không thể thành vợ, thành chồng có thể gặp gỡ, hàn huyên, đồng thời chọn thửa ruộng dài (Nà Rì) của vợ chồng nhà này làm nơi tụ họp, lấy ngày 25/3 (âm lịch) hàng năm làm ngày gặp gỡ. Ruộng dài (Nà Rì) cũng là tên của cả huyện Na Rì (Bắc Kạn) ngày nay.