Chợ tình Xuân Dương và bí ẩn điệu hát sli (kỳ cuối): Để câu sli còn mãi ngân vang

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 16/12/2021 20:26 PM (GMT+7)
Để di sản văn hóa phi vật thể “Hát sli của người Nùng” xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn phát huy được các giá trị vốn có, các cấp, ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng bảo tồn, phát triển các CLB hát sli cũng như lên kế hoạch đưa hát sli vào trường học…
Bình luận 0

Giá trị của hát sli

Không phải nơi nào cũng may mắn có được một chợ tình, và nhất lại là chợ tình của người Nùng. Chợ tình Xuân Dương (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) chính là nơi gặp gỡ lý tưởng cho nam, nữ giao lưu, là nơi để những câu sli cất cánh, những tình sli thấm ngọt, những người sli quyến luyến chẳng cả muốn về.

Trong suốt hành trình chúng tôi tìm hiểu, gặp gỡ các nghệ nhân hát sli của người Nùng ở xã Xuân Dương, điều chúng tôi cảm được rõ nét nhất chính là tính cộng đồng của người Nùng nơi đây, để có được sự cố kết cộng đồng cao đến vậy, hẳn phải bắt đầu từ những câu sli ấm ngọt tình người. Nghệ nhân hát sli Nông Văn Hồ từng bảo, hát sli đã tồn tại suốt bao đời nay, gắn bó máu thịt và trở thành tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nùng.

Chợ tình Xuân Dương và bí ẩn điệu hát sli (kỳ cuối): Để câu sli còn mãi ngân vang  - Ảnh 1.

Việc bảo tồn và truyền dạy hát sli luôn được các nghệ nhân thông qua các buổi sinh hoạt CLB thực hiện. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Hoàng Minh Thư - Trưởng Phòng Quản lý du lịch và Di sản, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn cho biết, lời sli thể hiện tính xã hội và nhân văn của mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên, xã hội.

"Chính những lời sli này đã góp phần cho cuộc sống của con người thêm hồn nhiên, tươi vui, phấn khởi và góp phần xây dựng đời sống tinh thần người dân thêm phong phú, đa dạng, đó là giá trị tinh thần mà sli mang lại. Ngoài ra, sli đã tạo lập không gian, môi trường văn hóa để những người đam mê, yêu thích hát sli hội tụ bày tỏ tâm tình qua các làn điệu đằm thắm thiết tha, để rồi cuối cuộc sli, họ lại chia tay nhau trong lời hẹn sẽ gặp lại và trao cho nhau những câu hát sli chân tình, mộc mạc. Bởi vậy, hát sli có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người mà có thể chưa quen biết với nhau, do đó hát sli có giá trị cố kết cộng đồng rất cao"- ông Thư nhận định.

Chợ tình Xuân Dương và bí ẩn điệu hát sli (kỳ cuối): Để câu sli còn mãi ngân vang  - Ảnh 2.

Theo ông Thư và các nghệ nhân hát sli vùng Xuân Dương, ngoài giá trị nghệ thuật, hát sli còn có giá trị giáo dục, bảo lưu, trao truyền văn hóa truyền thống và giá trị đối với phát triển du lịch. Những câu sli không đơn thuần là những lời đối đáp giữa nam và nữ mà còn là những hiểu biết về tự nhiên, xã hội. Với thực trạng thế hệ trẻ ít sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong giao tiếp, thậm chí không biết tiếng nói của dân tộc mình dẫn đến nguy cơ rất lớn trong việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Việc thực hành hát Sli là một cách bảo tồn và khơi dậy trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc.

"Kế sách" để bảo tồn, phát triển làn điệu sli

Ông Lương Thanh Luyện - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết, hát sli được phổ biến và thực hành sâu rộng trong đời sống dân tộc Nùng ở xã Xuân Dương nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Chợ tình Xuân Dương và bí ẩn điệu hát sli (kỳ cuối): Để câu sli còn mãi ngân vang  - Ảnh 3.

Ông Lương Thanh Luyện - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì. Ảnh: Chiến Hoàng

Làn điệu dân ca sli đã góp phần tham gia tích cực vào việc phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Nùng, được cộng đồng duy trì, bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác.

"Đối với công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát sli, chúng tôi đã tham mưu cho huyện chỉ đạo các địa phương mở các lớp, mở các CLB để tiếp tục truyền dạy thể hát này cho các thế hệ sau. Trong công tác phát triển du lịch, chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành đề án phát triển du lịch huyện Na Rì, trong đó tập trung khôi phục lại các bản sắc văn hóa, đặc biệt là hát sli để tới đây, những địa điểm có tiềm năng du lịch sẽ kết hợp để qua du lịch bảo tồn văn hóa, cũng như lấy văn hóa để phát triển du lịch"- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cho biết thêm.

Theo ông Luyện, trong kế hoạch liên tịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo có nội dung đưa văn hóa phi vật thể vào trường học. "Tới đây, chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu đưa chương trình hát sli vào trường phòng phù hợp với điều kiện của địa phương" - ông Luyện cho biết.

Còn ông Hoàng Minh Thư - Trưởng Phòng Quản lý du lịch và Di sản, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Kạn thì khẳng định, Sở VHTTDL đã tập trung kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu làn điệu Hát sli trên địa bàn các xã của huyện Na Rì và toàn tỉnh. Xác định số lượng người thực hành di sản, sức sống, không gian diễn xướng... của di sản trong cộng đồng.

Tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khai thác các thông tin, tư liệu về hát sli của dân tộc Nùng; tổ chức mở các lớp truyền dạy hát sli Nùng cho đồng bào dân tộc Nùng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lễ hội, các hội thi, hội diễn trong đó có trình diễn hát sli của người Nùng...

"Việc quảng bá di sản và xây dựng sản phẩm du lịch; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững địa phương. Xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm liên quan đến di sản tại cộng đồng là hết sức quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị hát sli" - ông Thư nhận định.

Hát sli đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy nhưng tại Bắc Kạn hiện vẫn chưa có ai chính thức được nhà nước công nhận nghệ nhân hát sli.

Về việc này, ông Lương Thanh Luyện cho biết, hồ sơ công nhận nghệ nhân hát sli đã được các cá nhân đơn vị hoàn thiện, đã được thẩm định và chuyển xuống Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch. Có thể trong đợt tới, huyện Na Rì mà cụ thể là xã Xuân Dương sẽ có nghệ nhân hát sli được công nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem