Dân Việt

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”

Đông Anh - Trung Tuân 03/05/2024 18:05 GMT+7
Sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT Phú Hữu đã hoàn thành và trạm thu phí dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý 3/2024. Tuy nhiên, sau khi UBND TP.HCM chấp nhận mức giá để chủ đầu tư thu phí, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã lo lắng “phí chồng phí” và gặp nhiều khó khăn hơn. Tại sao ?

Chi phí logistics qua cảng Phú Hữu sẽ đội lên… 13 triệu USD/năm

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sản xuất – xuất nhập khẩu đang phải đương đầu với nhiều khó khăn về đơn hàng, chi phí và chuỗi cung ứng bất ổn, việc trạm thu phí BOT Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức) sắp đi vào vận hành đã khiến không ít doanh nghiệp bồn chồn, âu lo.

Trạm BOT Phú Hữu thuộc Dự án BOT "Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu". Dự án do Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng đường bê tông xi măng rộng 30m, dài 2,6km, khởi công ngày 6/6/2012. Thời gian khai thác theo phương án hợp đồng là 24 năm.

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”- Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Phú Hữu đang chuẩn bị vận hành và thu phí từ quý 3/2024. Ảnh: Đ.A

Ngày 8/3/2024 vừa qua, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 705/QĐ-UBND, về việc ban hành mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, tại Dự án BOT "Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu" (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức).

Tại quyết định này, UBND TP.HCM cho phép chủ đầu tư thu phí dịch vụ với mức tối đa: 133.000 đồng/lượt cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet. Trạm BOT Phú Hữu dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ quý 3/2024. Tương tự, 66.000 đồng/lượt đối với xe chở hàng bằng container 20 feet.

Tuyến đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu bao gồm đường Nguyễn Thị Tư và đường Đặng Thanh Hiếu, có tổng chiều dài 2,6km.

Dù được gọi là đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, nhưng hiện nay, khu vực này không có các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn (ngoại trừ trạm nghiền clinke Phú Hữu của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên và 2 cảng container (Cảng Tân Cảng – Phú Hữu và Cảng SP-ITC).

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”- Ảnh 2.

Hệ thống thu phí tự động đã được chủ đầu tư lắp đặt tại Trạm BOT Phú Hữu. Ảnh: Đ.A

Cảng Tân Cảng – Phú Hữu là một phần của cảng Cát Lái - cảng container lớn nhất Việt Nam và Cảng SP-ITC là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai tại TP.HCM.

Một chuyên gia về ngành logistics cho biết: Dù chỉ thu phí trên đoạn đường dài 2,6km, nhưng trạm BOT Phú Hữu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với mức phí được Quyết định số 705 phê duyệt: Mỗi chuyến hàng qua Trạm BOT Phú Hữu sẽ "cõng" thêm 10 USD. Chưa tính các xe tải nhỏ giao nhận hàng tại kho, chỉ với số lượng bình quân xe container ra - vào 2 cảng thuộc khu vực Phú Hữu khoảng 3.500 lượt/ ngày (Cảng Tân Cảng – Phú Hữu 2.336 lượt xe/ngày và SP-ITC 1.168 lượt xe/ngày), thì tổng chi phí cho hàng container giao nhận qua 2 cảng sẽ đội thêm xấp xỉ… 13 triệu USD/năm.

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”- Ảnh 3.

Hàng ngày, có tới hàng ngàn xe container vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng ở TP.HCM. Ảnh: Đ.A

Doanh nghiệp "khóc thét" vì… phí chồng phí

Ông Tang Yan (Công ty TNHH giấy Chánh Dương, trụ sở ở tỉnh Bình Dương) - cho rằng: Kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư vào thời điểm này gây áp lực quá khủng khiếp lên doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo ông Yan, "để đưa 1 container (cont) hàng hóa từ TP.HCM ra nước ngoài và ngược lại, chúng tôi phải gánh chịu rất nhiều chi phí như: Chi phí xuất nhập khẩu mỗi cont hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu,phụ phí xuất nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu. Kế đó là lệ phí cầu đường tại các trạm BOT hiện hữu".

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”- Ảnh 4.

Bảng giá dịch vụ thu phí tại Trạm BOT Phú Hữu đã được công bố. Ảnh: Đ.A

Trong đó, doanh nghiệp từ các tỉnh phía đông và phía tây TP.HCM, khi vận chuyển hàng hóa vào TP.HCM. Doanh nghiệp phải chịu thêm phí cầu đường tại Trạm BOT xa lộ Hà Nội (160.000 đồng/lượt xe, không phân loại cont); Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (163.000 đồng/lượt xe/cont rỗng, 342.000 đồng/lượt xe/cont hàng hóa).

Với các doanh nghiệp từ phía nam, khi vận chuyển hàng vào TP.HCM, bắt buộc phải chịu thêm khoản phí BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe) và BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe). Ngoài ra, doanh nghiệp phải đóng phí hạ tầng cảng biển cho TP.HCM (250.000 đồng/cont 20 feet, 500.000 đồng/cont 40 feet).

Một khi Trạm BOT Phú Hữu vận hành, doanh nghiệp đưa hàng xuất nhập khẩu tại các cảng thuộc khu vực phường Phú Hữu. Chi phí doanh nghiệp tiếp tục tăng lên 132.000 đồng/2 lượt/cont 20 feet hoặc 266.000 đồng/2 lượt/cont 40 feet (phần lớn doanh nghiệp vận chuyển hàng bằng cont 40 feet).

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”- Ảnh 5.

Doanh nghiệp than thở, dù đã nộp đủ các khoản phí, nhưng các tiện ích về hạ tầng và dịch vụ cảng ở TP.HCM vẫn chưa đáp ứng như cam kết. Ảnh: Đ.A

Ông V.Đ.D - chuyên gia logistics - cho rằng: "So sánh với các BOT hiện hữu. Với chiều dài đoạn đường Nguyễn Thị Tư chỉ 2,6km, mức thu phí như vậy là quá cao. Do phải chi phí quá nhiều các khoản chi phí, doanh nghiệp gần như không còn lợi nhuận bao nhiêu".

Ông D. cũng cảnh báo: Khoảng cách từ ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh rẽ vào đường Nguyễn Thị Tư, đến vị trí đặt Trạm thu phí BOT Phú Hữu chỉ khoảng 300m. Dù trạm có lắp đặt hệ thống thu phí tự động, thì khoảng cách quá ngắn để các xe nối đuôi nhau qua 2 làn trạm ra-vào, kết hợp với lưu lượng xe đầu kéo tấp nập thường xuyên; nguy cơ kẹt xe, tắc nghẽn giao thông tại ngã ba này càng hiện hữu. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng việc lưu thông, quay đầu xe và phát sinh thêm chi phí nhiên liệu, do kẹt xe, xếp hàng vào cảng…

Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… “khóc thét”- Ảnh 6.

Đường Nguyễn Duy Trinh chưa được mở rộng, gây ách tắc giao thông thường xuyên; khiến Trạm BOT Phú Hữu khi vận hành sẽ khiến tình trạng trên thêm trầm trọng. Ảnh: Đ.A

Tương tự, với Công ty TNHH Q.Logistics, đại diện công ty này cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp phải duy trì mức lợi nhuận mỏng để đồng hành cùng khách hàng, đối tác là các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thu phí tại Trạm BOT Phú Hữu với nhiều bất cập, sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó khăn, càng khó khăn hơn.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty Chánh Dương, với số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 140.000 cont/năm, chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

Điều đáng nói là, dù năm 2024 vừa qua hết quý I, nhưng chi phí (nhất là chi phí logistics) lại đang là vấn nạn đối với các doanh nghiệp. Đơn cử: Giá dịch vụ cảng ngày một tăng; cước vận tải biển không còn ở mức dễ chịu như năm 2023. Một số phụ phí được bổ sung như: phụ phí rủi ro chiến tranh (PSS), phụ phí xếp dỡ hàng tại cảng (THC). Gần đây, nhiều hiệp hội ngành nghề đã báo động tình trạng các hãng tàu tăng phụ phí, gây nhiều bức xúc cho các chủ hàng Việt Nam.

Chưa kể, việc đưa Trạm BOT Phú Hữu vào vận hành; trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng những lợi ích cụ thể từ việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng… tại khu vực cửa khẩu cảng biển ở TP.HCM (phí hạ tầng cảng biển). Điều này cũng làm cho nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Ông Alberto Phạm - Giám đốc Công ty TNHH CT Logistics, cho rằng: "Trong bối cảnh doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn; Trạm thu phí BOT Phú Hữu đi vào hoạt động sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển tại TP.HCM".