Dân Việt

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3)

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng ngoài bồi dưỡng, đào tạo thì cán bộ lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải luôn duy trì "chế độ giám sát " với các Trợ lý, Thư ký của mình, tránh việc buông lỏng dẫn tới tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây"...
Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 1.

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 2.

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 3.

Thưa ông, các chức danh Trợ lý, Thư ký có vai trò, chức năng, nhiệm vụ như thế nào trong bộ máy hành chính Nhà nước?

- Thư ký và Trợ lý có vai trò riêng. Thư ký thường làm các công việc hành chính, sắp xếp, lên kế hoạch, lịch trình còn Trợ lý là những người giúp việc, tham mưu cho thủ trưởng trong nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ.

Trợ lý có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu nội dung các vấn đề của tất cả văn bản, thông tin gửi đến để xem xét và có ý kiến tham mưu đề xuất nội dung, tham gia đóng góp những vấn đề mà thủ trưởng cần phải cho ý kiến hoặc ra quyết định. 

Trên cơ sở đó, thủ trưởng với tư duy, vị trí, chức năng của mình sẽ ra các quyết định hoặc có ý kiến chỉ đạo, tham gia. Như vậy, Trợ lý có vai trò hết sức quan trọng và rất gắn bó với người thủ trưởng.

Trong bộ máy Nhà nước hiện nay, trừ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì các Bộ trưởng khác có Thư ký, từ Phó Thủ tướng trở lên mới có Trợ lý.

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 4.

Như ông nói, người đóng vai trò Thư ký, Trợ lý có vai trò rất quan trọng. Vậy để làm việc ở vị trí này phải đòi hỏi những phẩm chất nào đáng chú ý?

- Trước hết, người giữ chức danh trợ lý của cán bộ lãnh đạo phải đảm bảo về mặt đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tất cả vì việc chung, nếu không sẽ rất dễ phát sinh vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lạm quyền, lợi dụng vị thế và uy tín của thủ trưởng để mưu lợi riêng.

Điều 5. Căn cứ xem xét miễn nhiệm

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.

2. Bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

3. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu.

4. Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức Không hoàn thành nhiệm vụ.

5. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

6. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Điều 6. Căn cứ xem xét từ chức

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

4. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

(Trích Chương II, Quy định số 41 của BCH T.Ư quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ)

Thứ hai, những người đó phải có năng lực, tư duy trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội; có lập trường, quan điểm chính trị đúng đắn để tham mưu, giúp cho thủ trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. 

Vị trí Trợ lý đòi hỏi năng lực toàn diện và có phẩm chất tốt, có độ tin cậy cao để giúp cho thủ trưởng.

Đảng và Nhà nước có quy định tiêu chuẩn rõ ràng về chức danh Trợ lý, đây cũng là một chức danh được bổ nhiệm, có thang bảng lương riêng nên phải đáp ứng được những tiêu chí về đạo đức, năng lực, phẩm chất chính trị nhất định.

Nhưng nói cho cùng, chức năng, nhiệm vụ của Trợ lý vẫn là tham mưu, tư vấn, ghi nhận thông tin... nhưng tại sao một số Thư ký, Trợ lý lại làm được những việc "động trời" như trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu hay mới đây là Thuận An?

- Đó là những trường hợp "cua cậy càng, cá cậy vây", lạm dụng vị trí, uy tín của thủ trưởng, dựa vào đó để can thiệp riêng vào những việc không phải là trách nhiệm của mình để trục lợi riêng. 

Có trường hợp thủ trưởng không chỉ đạo việc đó, nhưng Trợ lý, Thư ký lại lạm quyền vì lợi ích và động cơ cá nhân riêng.

Có những doanh nghiệp không tác động được tới người lãnh đạo thì tìm đến với các Thư ký, Trợ lý của những cán bộ cấp cao đó, vì họ nghĩ rằng thông qua những người này sẽ tác động tới các lãnh đạo, có thể can thiệp được vào các công việc cụ thể có lợi cho họ như đấu thầu hoặc tham gia vào thực hiện các công trình, dự án…

Trong cơ chế thị trường hiện nay, pháp luật đã có quy định rất rõ và cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, việc trúng thầu phải dựa trên cơ sở năng lực của từng doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí đấu thầu đề ra chứ không phải thông qua con đường quen biết để có tác động. 

Không phải chỉ có khu vực công, vừa rồi chúng ta cũng đã xử lý rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân ngoài nhà nước như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC...

Như vậy, tất cả những vi phạm khi được phát hiện đều được xử lý một cách nghiêm túc, từ đó làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế cũng như quan hệ xã hội. Chúng ta phải đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh, không thể để lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân can thiệp vào, làm cho méo mó kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Tôi cho rằng những vụ việc nêu trên đều là vi phạm rất nghiêm trọng, trong đó các Trợ lý, Thư ký đã lạm dụng vị trí, vai trò của người thủ trưởng mà họ giúp việc để tham nhũng. 

Điều đó đã khiến cho uy tín của bản thân họ, của người thủ trưởng trực tiếp cũng như uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức bị giảm sút nghiêm trọng. Những vi phạm pháp luật đó rất đáng lên án và phải bị xử lý một cách nghiêm minh. 

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 5.

Một số Trợ lý, Thư ký của các vị lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, bắt giam trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An, đến các "chuyến bay giải cứu". Ảnh: Bộ Công an

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 6.

Với vai trò là người gác cửa cho các vị lãnh đạo cấp cao, những vị "trợ lý", "thư ký" này sẽ phải làm gì để tránh đươc những cám dỗ mà vị trí của họ đưa lại, thực sự trở thành cánh tay phải đắc lực giúp việc cho các vị lãnh đạo cấp cao, đóng góp hiệu quả vào việc đưa ra những quyết sách đúng đắn cho những vị lãnh đạo đó, thưa ông?

- Không có cách nào khác là bản thân mỗi người phải tự tu thân, tự soi tự sửa và tự tu dưỡng đạo đức của mình. Họ phải thấy trách nhiệm của mình đối với công việc chung.

Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ, bổ nhiệm vào vị trí đó thì phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng phải đảm bảo giữ gìn uy tín cho bản thân, cho người thủ trưởng cũng như cho Đảng và cơ quan, tổ chức của mình.

Quy định của Đảng rất rõ, tuy rằng cán bộ lãnh đạo có thể có rất nhiều công việc, nhưng đối với Trợ lý, Thư ký là những người sát với mình nhất, người lãnh đạo phải bồi dưỡng, đào tạo nhưng đồng thời cũng phải luôn chú ý giám sát, kiểm tra, nhắc nhở. Nếu phát hiện ra vấn đề cần phải có biện pháp chấn chỉnh và thậm chí phải xử lý ngay.

Chính vì vậy, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu. Khi người giúp việc, cấp dưới của mình vi phạm pháp luật thì người thủ trưởng trực tiếp phải có trách nhiệm liên quan. 

Về vai trò của Nhà nước, chúng ta nên có những biện pháp nào để kiểm soát quyền quyền lực và tránh  lạm quyền như những vụ việc vừa qua?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, muốn kiểm soát quyền lực thì phải nhốt quyền lực vào trong "lồng cơ chế". Đảng ta trong thời gian vừa qua đã đưa ra rất nhiều quy định. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 13 của Đảng, Bộ Chính trị cũng đưa ra các quy định về 19 điều Đảng viên không được làm, quy định 41về miễn nhiệm, từ chức... để khống chế, kiểm tra, giám sát.

Chúng ta cũng có những nghị định của Chính phủ quy định rất rõ những điều cán bộ, công chức được làm và không được làm, trách nhiệm đến đâu và xử lý như thế nào.

Khi cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ của mình thì phải rất hiểu chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình và chỉ được phép làm những gì pháp luật đã quy định. Nếu anh lợi dụng hoặc lạm quyền, vi phạm thì phải xử lý theo pháp luật cũng như quy định của Đảng.

Người lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải duy trì "chế độ giám sát" với Trợ lý, Thư ký (Bài 3) - Ảnh 7.

Ông sẽ đưa ra những giải pháp gì để công tác cán bộ có thể quản lý chặt chẽ hơn với các vị trí Trợ lý, Thư ký?

- Tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định về vấn đề kiểm soát quyền lực. Tuy vậy, cái chính là từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người đã có cả quá trình phấn đấu và phát triển để đạt được những vị trí như vậy thì phải biết giữ mình, phải biết tự tu, tự soi, tự sửa. 

Tôi tin, những cán bộ bị lao lý thời gian qua đều biết tới những quy định, những yêu cầu đặt ra cho chức trách, nhiệm vụ nhưng họ không vượt qua được sự cám dỗ về vật chất dẫn đến vi phạm. Mà đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Xử lý nghiêm minh cũng là một bài học cảnh tỉnh cho những người khác. 

Điều 7. Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu

Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

(Trích Chương II Quy định 41 của BCH T.Ư quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ)

Vừa rồi Đảng và Nhà nước chúng ta xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm và đưa ra các quy định chặt chẽ như Quy định 41 có nêu rất rõ: Những cán bộ nào có vi phạm thì tự giác làm đơn xin nghỉ hoặc xin từ chức, thực hiện các thủ tục miễn nhiệm.

Trước đây những trường hợp như này rất ít, nhưng từ khi có Quy định 41 chúng ta thấy không ít cán bộ cấp cao đã chủ động xin thôi chức. Như vậy, nếu có quy định kiểm soát quyền lực, dần dần chúng ta sẽ hình thành nên văn hoá từ chức. Từ những kết quả đạt được, chúng ta nên tiếp tục bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc như thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, cần có các chế độ chính sách, đảm bảo thu nhập cho cán bộ công chức để họ an tâm, toàn tâm toàn ý thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách của mình và vì việc chung chứ không phải lo làm vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân.

Ngoài ra, những thủ trưởng cũng phải hết sức chú ý đào tạo, bồi dưỡng những người giúp việc cho mình để đảm bảo được cái uy tín và danh dự của họ, đồng thời cũng là bảo vệ chính mình, bảo vệ uy tín của Đảng và Nhà nước. 

Người làm lãnh đạo dù tin tưởng đến mấy vẫn phải luôn duy trì "chế độ giám sát " với các Trợ lý, Thư ký của mình, tránh việc buông lỏng dẫn tới tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây"...

- Xin cảm ơn ông!

Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo trong quản lý, giám sát các Thư ký, Trợ lý

Nêu quan điểm về kiểm soát quyền lực của các Thư ký, Trợ lý nhằm giảm thiểu nguy cơ "vay mượn quyền lực để vụ lợi", TS Nguyễn Văn Đáng khẳng định rằng trước hết cần nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo trong việc kiểm soát các Thư ký, Trợ lý.

Sẽ rất phi logic khi người tham mưu, giúp việc liên tục thực hiện các hành vi tiêu cực trong thời gian dài mà lãnh đạo lại không biết. Về nguy cơ lãnh đạo buông lỏng quản lý cấp dưới, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để cấp dưới lạm quyền vụ lợi.

"Tôi cho rằng giải pháp đầu tiên là cần quán triệt, nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo trong việc quản lý những người tham mưu, giúp việc cho mình. Bản thân mỗi lãnh đạo phải nghiêm khắc, tuyệt đối không cho phép và không dung dưỡng bất kỳ biểu hiện lệch lạc nào của Thư ký hay Trợ lý nhân danh mình. Cũng có nghĩa, khi Trợ lý, Thư ký có biểu hiện lạm quyền vụ lợi trong thời gian dài, cần tính đến khả năng thông đồng của lãnh đạo, từ đó xem xét trách nhiệm của lãnh đạo chứ không đơn giản chỉ xem xét trách nhiệm của Thư ký hay Trợ lý", TS. Đáng phân tích.

Cùng với đó, chuyên gia này cũng cho rằng, giải pháp thứ hai là tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ đối với các chức danh Trợ lý, Thư ký. Theo đó, cần cụ thể hóa các công việc mà họ đảm nhiệm, phạm vi tiếp xúc với các bên liên quan, hình thức và địa điểm tiếp xúc với đối tác, mức độ giải quyết công việc được giao…

Đặc biệt, cần cấm mọi hình thức tiếp xúc phi chính thức để giải quyết công việc ngoài không gian công sở. Giải pháp thứ ba là có thể giới hạn thời gian làm việc của Thư ký, Trợ lý cho một lãnh đạo, có thể không quá hai nhiệm kỳ, cụ thể là 10 năm.

Giải pháp này có thể gây ra một số khó khăn nhất định cho cá nhân lãnh đạo trong việc lựa chọn người tham mưu, giúp việc nhưng lại có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ hình thành ê kíp thân hữu, gắn bó bền vững để dễ dàng thực hiện những việc tiêu cực, vụ lợi.

(Còn nữa)

Tham khảo thêm