Chuyên gia mổ xẻ chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2)

Định Nguyễn Thứ ba, ngày 07/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
Thực tế, phạm vi thẩm quyền của các vị trí Thư ký, Trợ lý không đến mức như vậy nhưng một số người có thể "núp bóng" hoặc "nhân danh" người lãnh đạo, hay còn gọi là "vay mượn quyền lực" để thực hiện các hành vi trục lợi cá nhân, cho một nhóm lợi ích trên danh nghĩa thực thi công vụ.
Bình luận 0
Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 1.

LTS: Tiếp theo loạt bài Trợ lý, Thư ký - Đừng để "cua cậy càng, cá cậy vây", Dân Việt tiếp tục đăng tải Bài 2: "Chuyên gia mổ xẻ chuyện 'vay mượn quyền lực', 'núp bóng để trục lợi' nhằm giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nhiều bạn đọc đặt ra sau Bài 1: Khi lỗ hổng đến từ người "gác cửa". Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những người làm vị trí Thư ký, Trợ lý trong bộ máy hành chính Nhà nước và hầu như tất cả đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách được giao phó.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận những Thư ký, Trợ lý bị sa ngã, có thể "vay mượn quyền lực", "núp bóng" hoặc "nhân danh" người lãnh đạo, bởi vị trí của họ rất gần gũi với người có thẩm quyền. Các ý kiến, quan điểm, hay đề xuất của Thư ký, Trợ lý luôn đến với người lãnh đạo nhanh nhất, có thể được xem xét kỹ trước khi người lãnh đạo đặt bút ký ban hành quyết định chính thức...

Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 2.

Trước những vụ việc tiêu cực liên quan đến các Trợ lý, Thư ký trong thời gian gần đây, nhiều người đã đặt câu hỏi: Vậy Trợ lý, Thư ký – họ là ai trong bộ máy công quyền? Phẩm chất nào để cá nhân có thể trở thành Trợ lý, Thư ký trong bộ máy hành chính Nhà nước?  

Theo các chuyên gia về tổ chức - nhân sự, căn cứ vào các quy định hiện hành về chức danh Trợ lý, Thư ký thì chức năng, nhiệm vụ của họ khá "đơn giản", có thể hiểu nôm na là tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế công việc của họ lại không chỉ đơn giản như vậy.

Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 3.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, theo Quy định số 30-QĐ/TW về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh Trợ lý, Thư ký ban hành năm 2021, để có thể đảm nhiệm vai trò Trợ lý, Thư ký cho các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị - bộ máy chính quyền, các cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu về chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như trình độ chuyên môn và một số kỹ năng làm việc đặc thù.

Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng như mọi vị trí công việc khác trong hệ thống cơ quan Nhà nước, những người đảm nhiệm chức danh Trợ lý, Thư ký phải luôn kiên định về quan điểm, tư tưởng chính trị, luôn ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống giản dị, khiêm tốn, chân thành, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết nội bộ; không cơ hội, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để vụ lợi; không để gia đình, người thân lợi dụng uy tín bản thân để trục lợi, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.

Về trình độ chuyên môn, đáng chú ý nhất là các trợ lý, thư ký phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực chuyên môn, phạm vi công việc mà mình được giao. Về kỹ năng đặc thù, họ phải có khả năng tổng hợp, phân tích thông tin, tham mưu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo xem xét.

Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 5.

"Cùng với các yêu cầu nêu trên, Trợ lý, Thư ký phải là những người không chỉ am hiểu tính cách, phong cách của lãnh đạo, thành thạo công việc, năng động trong bố trí, sắp xếp công việc, linh hoạt trong quan hệ với các cá nhân, đơn vị khác mà quan trọng hơn hết, họ phải có khả năng đề xuất các giải pháp, tức là các lựa chọn hành động phù hợp để lãnh đạo xem xét và ra quyết định", TS Đáng nhấn mạnh.

Cũng bởi thế, theo ông Đáng, Quy định số 30-QĐ/TW đặt ra nguyên tắc ưu tiên, cho phép cá nhân lãnh đạo giới thiệu người có thể làm Thư ký, Trợ lý cho mình để thực hiện quy trình xem xét, bổ nhiệm. Cũng chính nguyên tắc này có thể giúp chúng ta lý giải vì sao có những trợ lý, thư ký gắn bó với một cá nhân lãnh đạo nào đó trong thời gian rất dài, thậm chí là gắn liền với sự nghiệp của nhà lãnh đạo.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho hay, hiện nay ở nước ta, chưa có những mã ngành đào tạo riêng cho nghề thư ký hay trợ lý lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo thường lựa chọn ứng viên trong số những người quen biết từ lâu hoặc nhân viên dưới quyền. 

Họ là những người hiểu nhau, có thể làm việc ăn ý với nhau, thậm chí chia sẻ nhiều điểm chung về tính cách, thói quen, tác phong làm việc.

Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 6.

Phạm Trung Kiên - Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ đến 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Ảnh: BVPL

"Theo các quy định hiện nay, cá nhân đảm nhiệm chức danh Trợ lý thì phải tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của lãnh đạo, nghiên cứu, cập nhật thông tin, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu theo yêu cầu của lãnh đạo. Còn với chức danh Thư ký thì phải tham mưu, phối hợp, sắp xếp lịch làm việc của lãnh đạo; tiếp nhận, kịp thời báo cáo, xử lý công văn, tài liệu; ghi biên bản các cuộc họp do đồng chí lãnh đạo chủ trì hoặc chuẩn bị chương trình công tác của đồng chí lãnh đạo", ông Đáng lý giải.

Cũng theo ông Đáng, mặc dù phạm vi công việc và quyền hạn rất hạn chế nhưng thực tế lại xuất hiện những Thư ký, Trợ lý đã có biểu hiện "làm quyền, cậy quyền", "cáo mượn oai hùm" để thực hiện các hành vi vụ lợi. Bản chất là cho dù họ không có thẩm quyền phê duyệt hay ban hành quyết định gì cả nhưng lại có thể tạo cho các bên liên quan có cảm giác chính họ sẽ có thể quyết định được công việc. 

Đây chính là một căn nguyên giúp chúng ta có thể phần nào lý giải những vụ việc tiêu cực như vụ chuyến bay giải cứu khi "Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế đã có thể thực hiện tới 253 lần nhận phong bì chỉ trong vòng 10 tháng".

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (Đại học Ngoại thương) cho hay, trợ lý, thư ký trước hết là cầu nối giữa lãnh đạo với các bộ phận bên dưới, hai chức danh này có phần chung nhưng có phần khác nhau.

"Trợ lý ngoài hỗ trợ công việc còn thêm nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo. Trợ lý, Thư ký giỏi cần phải có sự tin cậy, có chức năng tổng hợp, hiểu biết sâu rộng các lĩnh vực mà lãnh đạo của mình quản lý. Từ đó sẽ tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo tốt hơn", ông Minh nhấn mạnh.


Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 7.

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, những vụ việc tiêu cực liên quan đến Trợ lý, Thư ký trong thời gian gần đây khiến dư luận ngỡ ngàng và hẳn là sẽ có nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao một Thư ký lại được doanh nghiệp đưa hối lộ nhiều lần như vậy và thật lạ khi có những người có thể nhận tiền hối lộ ngay tại cơ quan, công sở? Không lẽ các biểu hiện tiêu cực xảy ra lặp đi lặp lại như vậy mà lãnh đạo của họ lại không biết, không có ai khác trong cơ quan phát hiện và lên tiếng?

Trả lời câu hỏi, liệu có thể gọi tên bản chất của những sự việc nêu trên là "sự thất thoát quyền lực" từ các vị trí lãnh đạo, khiến quyền lực lọt vào các vị trí bên dưới như trợ lý hay thư ký, TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng không phải. 

"Thất thoát quyền lực" phải là hiện tượng bắt nguồn từ những lỗ hổng quy định thể chế, và vị lãnh đạo nào đó đã nỗ lực kiểm soát quyền lực của mình nhưng vẫn bị cấp dưới cố tình lạm dụng quy định, lợi dụng ảnh hưởng để vụ lợi.


Chuyện "vay mượn quyền lực", "núp bóng" để trục lợi (Bài 2) - Ảnh 8.

"Với các trường hợp Trợ lý, Thư ký tiêu cực bị phát hiện vừa rồi thì nên gọi là vay mượn quyền lực, nôm na tiếng Việt gọi là 'cáo mượn oai hùm'. Thực tế, phạm vi thẩm quyền của các vị trí đó không đến mức như vậy nhưng anh lại có thể "núp bóng" hoặc "nhân danh" người khác, mượn oai, mượn uy quyền của người khác để thực hiện các hành vi vụ lợi cho cá nhân, cho một nhóm lợi ích trên danh nghĩa thực thi công vụ", ông Đáng nhấn mạnh.

Lý giải về hiện tượng "vay mượn quyền lực", TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng Thư ký, Trợ lý là những vị trí rất gần gũi với người có thẩm quyền. Các ý kiến, quan điểm, hay đề xuất của Thư ký, Trợ lý luôn đến với người lãnh đạo nhanh nhất, có thể được xem xét kỹ trước khi người lãnh đạo đặt bút ký ban hành quyết định chính thức. 

Vì thế, các Thư ký hay Trợ lý không có nhiều thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhưng lại có rất nhiều quyền lực, tức là khả năng gây ảnh hưởng đến lãnh đạo, khiến lãnh đạo ban hành chỉ đạo hay quyết định theo ý muốn của mình.

Đặc điểm nêu trên của các chức danh Trợ lý, Thư ký khiến họ có một uy lực rất lớn mỗi khi làm việc với các bên liên quan. Nếu không ý thức rõ vị trí, vai trò của mình thì các Thư ký, Trợ lý hoàn toàn có thể "vay mượn quyền lực" của lãnh đạo để làm việc với các đối tác. 

"Khi đã cố tình vay mượn quyền lực, họ sẽ có nhiều cách để khiến các đối tác nghĩ rằng họ không chỉ là đại diện cho người lãnh đạo mà còn hơn thế, thậm chí là hiện thân của người kia. Tức là khi họ đã đồng ý với phương án giải quyết công việc nào đó, đối tác có thể yên tâm rằng họ sẽ thuyết phục được lãnh đạo phê duyệt phương án đó", TS Đáng nhìn nhận.

Theo Quy định số 30-QĐ/TW về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh Trợ lý, Thư ký ban hành năm 2021, để có thể đảm nhiệm vai trò Trợ lý, Thư ký cho các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị - bộ máy chính quyền, các cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu về chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như trình độ chuyên môn và một số kỹ năng làm việc đặc thù.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem