Sau khi phát hiện, gia đình ông Khai đã trình báo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị gia đình hiến tặng, làm thủ tục giao, nhận ba hiện vật.
Nơi múc đất phát hiện nhiều rìu đá, người dân xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nghi là lưỡi tầm sét, là cổ vật thời tiền sử. Ảnh: TTXVN.Các công cụ bằng đá trên màu trắng đục và có dấu hiệu của sự mài rũa, dấu vết ký hiệu, khi đập hai thanh vào nhau phát ra âm thanh giống kim loại.
Cụ thể, công cụ thứ nhất dài 22,5cm, dày 2,3cm, độ dài lưỡi 8cm, chuôi cán dài 4,2cm. Công cụ thứ hai dài 19cm, dày 2,1cm, độ dài lưỡi 6,5cm, chuôi cán dài 2,1cm. Công cụ thứ ba dài 21,8cm, dày 1,8cm, độ dài lưỡi 5cm, chuôi cán dài 4,2cm.
Ông Phạm Hữu Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước cho biết: Sau khi nhận ba hiện vật từ gia đình ông Khai, Bảo tàng tỉnh đã xem xét kỹ, qua so sánh với công cụ đá được phát hiện trên các di chỉ khảo cổ ở Bình Phước và đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh, bước đầu xác định đây là cuốc đá thời kỳ tiền sử thuộc thời kỳ đá mới. Dự đoán ban đầu, ba hiện vật trên có niên đại khoảng 3000 năm.
Trong chuyến công tác tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cũng nhận định, các công cụ trên là cuốc đá thời tiền sử.
Các công cụ này không có dấu vết sử dụng, cho thấy đây là loại công cụ để thờ cúng. Hiện vật này trước đây đã được phát hiện nhiều ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông nhưng ở Bình Phước đây là lần đầu tiên.
“Các công cụ này có giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến địa phương, cần thiết cho hoạt động nghiên cứu. Việc phát hiện các công cụ đá dạng đặc biệt có khắc vạch trên thân và dùng để thờ cúng mang nhiều ý nghĩa, làm phong phú bộ sưu tập hiện vật khảo cổ thời tiền sử ở Bình Phước”, ông Phạm Hữu Hiến cho biết thêm.
Ba hiện vật cổ đang được cất giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Phước chờ hội đồng thẩm định, sau đó sẽ được công khai và trưng bày.