Chạy theo món gỏi gà hot trend, nông dân Bình Phước hái trái măng cụt xanh đem bán, lợi hay hại?

Chủ nhật, ngày 04/06/2023 14:15 PM (GMT+7)
Gỏi gà măng cụt là món ăn có nguồn gốc từ phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ lâu, món ăn này là đặc sản ưa thích của người dân nơi đây mỗi khi vào mùa măng cụt...
Bình luận 0

Thế nhưng thời gian gần đây, gỏi gà măng cụt trở thành “hot trend” khiến nhu cầu tiêu thụ măng cụt xanh tăng cao. 

Trái măng cụt xanh bán được giá khiến các nông hộ rất phấn khởi. Tuy nhiên, nỗi lo của những nông hộ mới trồng măng cụt là hái trái xanh liệu có ảnh hưởng cây trồng, năng suất vụ sau không?

Lợi nhuận kinh tế từ bán trái măng cụt xanh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Đăng, (tỉnh Bình Phước) các nông hộ đã tạm dừng việc hái măng cụt xanh bán vì giá đã hạ nhiệt, trong khi măng cụt già, chín bán giá cao hơn.

Chạy theo món gỏi gà hot trend, nông dân Bình Phước hái trái măng cụt xanh đem bán, lợi hay hại? - Ảnh 1.

Hộ nông dân Trần Minh Út ở khu phố Hòa Đồng, thị trấn Đức Phong, (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, măng cụt từ lúc ra hoa tới khi trái chín đúng 100 ngày là hái được, còn măng cụt xanh làm gỏi thì hái khi trái được 75 ngày.

Theo hộ nông dan Trần Minh Út ở khu phố Hòa Đồng, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, măng cụt từ lúc ra hoa đến khi trái chín tròn 100 ngày. 

Đầu vụ, gia đình ông Út bán măng cụt xanh online với giá 60 ngàn đồng/kg. Ông Út cho biết, đây là năm đầu tiên gia đình bán trái măng cụt xanh do nhu cầu khách hàng tiêu thụ cao. Tuy nhiên, thương lái thu mua số lượng nhiều, không có công hái nên để thương lái tự hái và họ đã hái theo kiểu “cây không trồng, lòng không tiếc”, gãy cành, trái già, trái non rụng… 

Xót cây nên gia đình ông Út không bán măng cụt xanh nữa. Mặt khác, thời điểm này giá măng cụt xanh đã hạ nhiệt, trong khi măng cụt chín tại vườn có giá từ 25-30 ngàn đồng/kg.

“Nhiều người cho rằng, hái măng cụt xanh sẽ làm hại cây, tuy nhiên theo tôi, thay vì nuôi trái 3 tháng 10 ngày mới hái, còn măng cụt xanh thì khoảng 2,5 tháng hái nên cây nhanh phục hồi hơn. Măng cụt xanh từ 8-10 trái/kg còn chín phải từ 12-16 trái. 

Đầu vụ, gia đình tôi hái bán được hơn 2 tạ trái xanh, nhưng sau này để bán măng cụt chín. Măng cụt làm gỏi gà người ta chọn trái to, đẹp mua, còn những trái rụng bỏ nên rất phí. Mặt khác, nếu nhà vườn chăm sóc không kỹ, trái sẽ bị sượng, không ngon” - ông Út chia sẻ.

Với 2,6 ha măng cụt, gia đình ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn 6, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) ước thu khoảng 7 tấn trái đợt 1. Giá măng cụt đầu mùa cao, tuy nhiên, giá sẽ giảm dần theo thị trường. Đặc biệt thời điểm này, nếu so sánh giá bán măng cụt xanh và măng cụt chín, các nông hộ sẽ để bán chín, vì lợi nhuận kinh tế cao hơn.

Chạy theo món gỏi gà hot trend, nông dân Bình Phước hái trái măng cụt xanh đem bán, lợi hay hại? - Ảnh 2.

Với kinh nghiệm gần 30 năm trồng măng cụt, ông Nguyễn Văn Nhân, thôn 6, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) khẳng định hái măng cụt xanh không ảnh hưởng tới cây

So với mọi năm, năm nay năng suất măng cụt cao hơn. Ông Nhân cho biết: Có năm, gia đình tôi thu gần 12 tấn măng cụt nhưng năm nay bằng hoặc cao hơn vì thu 2 đợt. 

Hiện gia đình đang thu hoạch đợt đầu, măng cụt chín tới đâu thu tới đó. Trước đây, trái bị xì mủ nhiều nhưng 3 năm nay, tôi đã khắc phục được bệnh xì mủ, xử lý kỹ thuật cho cây.

Năm nay, món gỏi gà măng cụt rất thịnh do thị hiếu khách hàng. Đầu mùa ông Nhân đã bán khoảng 4 tạ măng cụt xanh. Thương lái mua rẻ, măng cụt chín bán 60 ngàn đồng/kg nhưng họ mua 40 ngàn đồng/kg. 

Hiện giá măng cụt chín đã giảm, giá măng cụt xanh chưa bằng phân nửa nên gia đình ông không bán nữa. Nếu giá tương đương hoặc thấp hơn ít thì còn chấp nhận nhưng nếu thấp quá, giữa trái xanh và chín chưa được 50% thì để bán trái chín.

Chạy theo món gỏi gà hot trend, nông dân Bình Phước hái trái măng cụt xanh đem bán, lợi hay hại? - Ảnh 3.

Theo ông Nhân, măng cụt chỉ cần xuất hiện tím ở đầu cuống là hái được, để qua đêm, măng cụt sẽ đạt màu đẹp nhất...

Ông Nhân nhấn mạnh: “Tôi cũng nghe nhiều người nói bán măng cụt xanh ảnh hưởng tới cây nhưng theo tôi thì không ảnh hưởng. Cây măng cụt phải rong bớt, chặt đau cây để mùa sau sẽ ra nhiều cành. Hái trái xanh, cây sẽ dồn dinh dưỡng, vì thế sung hơn. Vùng đất tốt phải chặt bớt cành, lá. Hái trái xanh có lợi cho cây nhưng phải chăm sóc tốt”.

Chú trọng chăm sóc cây măng cụt sau thu hoạch

“Cây măng cụt không đòi hỏi bón phân nhiều. Loại cây lá to thường lấy đạm khí trời bỏ không cũng không chết. Vườn măng cụt của gia đình tôi ở vùng đất bưng, 4 năm không bón phân vẫn sống. 

Ở vùng đất cao, kém dinh dưỡng thì nên bón phân ngay sau khi thu hoạch xong, rong cành cho thoáng. Đến khi đậu bông, xả nhụy phải phun phân kích thích ra chồi hoa và bón phân gốc hoặc xịt thuốc kali nitrat, phân bón lá GA3 để tăng trưởng trái, kéo giãn tế bào để trái to. 

Cây măng cụt sau khi thu hoạch cũng giống người mẹ nuôi con, khi con thôi bú, kiệt sức thì phải bồi bổ dinh dưỡng cho mẹ thời điểm đó” - ông Nhân chia sẻ.

Ông Út cho biết thêm: Cây măng cụt cũng giống các loại cây lâu năm khác, phải bón phân hữu cơ, phân chuồng, NPK theo đúng chỉ số trên bao bì hướng dẫn. Lúc đầu bón thúc đạm, lân, kali nuôi dưỡng cây; cuối vụ bón nhiều phân hữu cơ, phân chuồng để nuôi cây khỏe. Khi thu hoạch đại trà cần bón kali để ngọt trái. Lá có sâu phải xịt thuốc cho lá khỏe để nuôi trái lớn, đẹp.

Kỹ sư Trịnh Đình Tâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại vật tư Bình Phước: Măng cụt xanh dùng làm gỏi gà là trái cũng gần thu, chỉ còn khoảng 20-30 ngày là chín nên không ảnh hưởng tới cây. Cây sẽ có thời gian phục hồi sớm hơn. Thân, cành, lá măng cụt cũng không ảnh hưởng. 

Nhưng nông dân cần tính toán giá và năng suất giữa việc thu trái xanh hoặc chín để đảm bảo thu nhập tốt nhất. Thực tế, việc thu mua trái xanh diễn ra chưa nhiều nên nông dân phải chăm sóc vườn cây để đảm bảo chất lượng múi, năng suất và giá thành tốt hơn.

Kỹ sư Trịnh Đình Tâm chia sẻ, đối với cây măng cụt ở Bình Phước sau thu hoạch, việc đầu tiên cần tỉa cành, tạo tán; thứ hai, điều chỉnh độ pH bằng cách bón vôi với lượng 1 ha từ 300-500kg để ổn định độ pH và giảm nguồn nấm bệnh. 

Ngoài ra, cần rửa vườn, bón bổ sung các dòng hữu cơ để kích thích bộ rễ và cải tạo sau thu hoạch với lượng 8-10kg/cây; bổ sung các dòng NPK có hàm lượng đạm cao với liều lượng từ 1-1,5kg/cây để cung cấp dinh dưỡng và phục hồi sau thu hoạch tốt nhất.

Ngọc Quế (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem