Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng 144 tháng đóng), không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư.
Mặt khác, theo đề xuất tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hai quy định này đang vấp phải phản ứng không chỉ từ người lao động mà cả doanh nghiệp.
Lao động Nguyễn Thị Vân – Công ty Canon Việt Nam (Hà Nội) cho rằng người lao động có đóng góp vào quỹ, đang thất nghiệp, không vi phạm pháp luật nhưng lại không được hưởng trợ cấp là chưa hợp lý. Chị Vân giải thích, có rất nhiều lý do khiến lao động đơn phương nghỉ việc, chẳng hạn cần thời gian chăm con, công việc không còn phù hợp hay vì điều kiện sức khỏe... đều là những lý do bất khả kháng, vì thế không thể cấm lao động không được hưởng BHTN.
"Nếu người lao động xin nghỉ việc và tuân thủ thời gian báo trước theo quy định của Bộ Luật Lao động thì được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật. Thế thì vì lẽ gì lại không được hưởng quyền lợi?" – chị Vân nói.
Chị Nguyễn Lan - công nhân Công ty may mặc ở Hà Nội cho rằng: "Khi sửa đổi Luật, song song với việc khắc phục những bất cập thì các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu gia tăng quyền lợi cho người lao động. Việc giảm quyền lợi như đề xuất sẽ khiến chính sách thiếu ổn định làm người lao động mất niềm tin và rời bỏ hệ thống. Hơn nữa, hiện nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, song lại giảm quyền hưởng của người lao động là bất hợp lý", chị Lan nói.
Đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội cho hay, công nhân tại công ty rất hoang mang trước đề xuất không cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi lẽ đa phần lý do nghỉ việc là đơn phương từ phía người lao động vì lý do cá nhân, chứ chẳng người lao động nào muốn nghỉ việc mà ngồi chờ doanh nghiệp sa thải.
Nếu đề xuất dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua thì khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhận định quy định người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư có thể gây tình trạng người lao động nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm đóng. Đồng thời, có thể dẫn tới rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và doanh nghiệp mất đi nhân sự lâu năm.
Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Phần bảo hiểm thất nghiệp đóng dư có thể chuyển sang chế độ khác của BHXH để tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu; Bổ sung quyền lợi cho lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi (chẳng hạn người đóng dư 12 tháng được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp). Bên cạnh đó, có chính sách vay vốn ưu đãi cho người lao động có thời gian đóng dư để duy trì sinh kế khi gặp rủi ro về việc làm.
Một thực tế khác là hiện nay nhiều người lao động sắp đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng xin nghỉ việc sớm để hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm né quy định người hưởng lương hưu không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, Tổng LĐLĐ đề xuất chi trả 50% số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào.
Ngoài ta, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm...