Lao động ký hợp đồng từ 1 tháng sẽ được đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 17/02/2023 11:25 AM (GMT+7)
Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có cả lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên.
Bình luận 0

Những đề xuất sửa đổi liên quan tới chế độ đóng - hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, Bộ LĐTBXH đề xuất: Mở rộng người tham gia BHTN; sửa đổi 4 chế độ hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi, rà soát điều kiện tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng; bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và hỗ trợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, "cú sốc" thị trường… đột xuất khác.

Bên cạnh đó, quy định các vấn đề liên quan Quỹ BHTN, Hội đồng quản lý Quỹ BHTN (phù hợp với định hướng Luật BHXH (sửa đổi). Quy định việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN theo hướng tạo thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

bảo hiểm thất nghiệp BHTN

Mở rộng đối tượng đóng BHTN giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động. (Ảnh Lao động nộp hồ sơ hưởng Trợ cấp thất nghiệp tại TT Dịch vụ Việc làm Hà Nội). N.T

Tất cả nội dung này đều nằm trong nội dung tổng hợp để đề xuất sửa đổi Luật Việc làm năm 2013

Cụ thể liên quan tới nội dung BHTN, Bộ LĐTBXH dự kiến đề xuất sửa đổi ở 6 nội dung chính: 

Thứ nhất là bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia BHTN gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Thứ hai là bổ sung một số quy định về tham gia BHTN: Trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng…

Thứ 3 là đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng BHTN phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHXH.

Thứ tư là sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thứ 5 là sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thứ 6 là sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, đây chỉ là những ý kiến của người dân, các bộ ngành được tổng hợp để Bộ LĐTBXH đề xuất sửa luật.

Sửa đổi các chính sách bảo hiểm thất nghiệp để tạo sự đồng bộ trong luật

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng luật quy định, BHXH là bảo hiểm bắt buộc. Trước đây luật quy định chỉ lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới phải đóng BHXH. Tuy nhiên, Luật Lao động năm 2014 đã điều chỉnh theo hướng đóng BHXH bắt buộc cho tất cả lao động có ký hợp đồng từ 1 tháng trở lên.

Như vậy, việc đề xuất sửa đổi nội dung, áp dụng đóng BHTN bắt buộc cho lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên là hợp lý, điều này cũng nhằm mục đích đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

bảo hiểm thất nghiệp - bhtn

Tổng hợp ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Việc làm ở nội dung BHTN có nhiều nội dung. Ảnh: NT

Bình luận về các góp ý sửa đổi, ông Quảng cho rằng: Bản chất của BHXH hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng, lao động có đóng thì có hưởng. Tuy nhiên, bản BHTN là chia sẻ rủi ro, mất việc làm cho lao động thất nghiệp vì các yếu tố khách quan. Trường hợp lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc diện này. Nếu lao động chủ động nghỉ việc để kiếm tìm một việc làm khác thì việc cắt bỏ chế độ này cũng là phù hợp.

Cũng theo ông Quảng, lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ cần báo trước doanh nghiệp từ 30 -45 ngày (tùy loại hợp đồng). Trong trường hợp bị doanh nghiệp vi phạm quyền lợi lao động có thể xin nghỉ việc ngay.

Trao đổi với PV Báo Dân ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiện tại Bộ LĐTBXH vẫn đang xây dựng hồ sơ, trình quốc hội xin xây dựng luật. Sau khi được quốc hội đồng ý thì đơn vị này mới xây dựng nội dung, dự thảo để đưa ra góp ý, thảo luật. Dự kiến phải giữa năm 2023 mới triển khai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem