Ngày hòa bình lập lại, ông Nguyễn Văn Phẳng (SN 1950) trở về quê nhà (thôn Tân Hà, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và nên duyên với người con gái cùng quê là bà Bùi Thị Nhiên. Họ mang theo bao hy vọng về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc khi chào đón con trai đầu lòng là anh Nguyễn Văn Đoàn (SN 1976). Thế nhưng, niềm vui vừa chớm nở thì phải chịu sóng gió vì anh Đoàn đã bị sốt cao, co giật dẫn đến biến chứng não khi được 3 tháng tuổi.
Luôn nghĩ do vợ chồng mải làm ăn, ít để ý con cái nên anh Đoàn mới bị sốt cao và ảnh hưởng sức khoẻ, ông Phẳng, bà Nhiên không thể ngờ rằng chất độc màu da cam – di chứng của chiến tranh đang len lỏi vào gia đình mình.
Người mẹ già 70 tuổi vẫn phải chăm sóc người con gần 50 tuổi bệnh tật.
Sau 4 năm, ông bà lần lượt có thêm 2 người con là Nguyễn Ngọc Quý (SN 1978) và Nguyễn Thị Loan (SN 1980) khi mới sinh ra đều khoẻ mạnh, không có biểu hiện của bệnh tật.
Thế nhưng, năm 15 tuổi anh Quý bị phát hiện mắc rất nhiều căn bệnh cùng một lúc: Viêm gan B, bệnh tim hẹp van động mạch chủ, hở van 2 lá,... Thuốc thang triền miên, ở viện nhiều hơn ở nhà nên lớp 9 anh Quý đã phải nghỉ học.
Cũng vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam, người con gái của ông bà trí tuệ không được bình thường, sức khỏe rất yếu. Dù cố gắng chạy chữa cho con nhưng chị Loan đã rời xa ông bà khi tuổi vừa tròn 15.
Ảnh hưởng của chất độc da cam đã khiến ông Phẳng bị bệnh ngoài da và đôi mắt mờ dần dẫn đến không nhìn được. Không những vậy, di chứng của chiến tranh đã để lại nỗi đau vô tận cho gia đình bà Nhiên.
“Ngày ông trở về là một bệnh binh khi mới sinh các con đều khỏe mạnh, lành lặn nên tôi không thể ngờ chồng mình lại nhiễm chất độc da cam. Nếu biết, chúng tôi đã không sinh con ra để chúng phải gánh chịu nỗi đau bệnh tật, còn gia đình thì ngày càng khánh kiệt” - bà Nhiên nói trong nước mắt.
Ông Đặng Văn Khải - Trưởng thôn Tân Hà, xã Duyên Hà chia sẻ: “Gia đình ông Phẳng thuộc diện đặc biệt khó khăn trong thôn, cả gia đình bị bệnh tật do nhiễm chất độc màu da cam. Bà Nhiên sức khỏe cũng vô cùng yếu. Sinh hoạt phí, thuốc thang của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào tiền trợ cấp của ông Phẳng và hai người con”.
Chồng con đều mang trong mình những căn bệnh quái ác, mọi việc trong nhà đều do một tay bà Nhiên gánh vác. Trước đây, bà từng làm bánh đi chợ bán để kiếm chút tiền để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, từ ngày con đổ bệnh, bà Nhiên phải ở nhà chăm sóc chồng con.
Giờ đây, cuộc sống của cả gia đình chỉ biết trông chờ vào tiền trợ cấp nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam của ông Phẳng và 2 người con trai.
Lau đi từng giọt nước mắt mặn chát lăn dài trên gương mặt khắc khổ, bà Nhiên nghẹn ngào nói: “Nhiều lúc nghĩ tôi tủi thân lắm, chồng con đau ốm triền miên, ở viện nhiều hơn ở nhà. Con trai lớn dù đã gần 50 tuổi nhưng do bị teo não nên nhận thức như một đứa trẻ. Mọi sinh hoạt đều cần có người hỗ trợ nên tôi luôn phải cận kề bên cạnh để chăm sóc”.
Năm 2009, anh Nguyễn Ngọc Quý lập gia đình riêng. Niềm hạnh phúc thêm một lần được nhen nhóm khi cháu Nguyễn Thị Phương (SN 2010) chào đời. Niềm vui vừa chớm nở đã lụi tàn với anh Quý và cả gia đình khi vợ anh mất lúc con gái mới 6 ngày tuổi.
Nhắc đến người cháu một tay mình chăm sóc từ ngày còn “đỏ hỏn” đến nay, bà Nhiên cho hay: “Con bé ngoan, lễ phép, rất hiểu chuyện, chịu khó học hành. Ngoài những lúc đi học, Phương luôn giúp đỡ bà để chăm sóc ông, bác và bố”.
Hiện nay, Phương đang học lớp 8A4 Trường THCS Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, em luôn miệt mài theo đuổi con chữ với niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Nói về cô học trò nhỏ của mình, cô Phạm Thị Riệu - Giáo viên chủ nhiệm lớp 8A4 - Trường THCS Đông Mỹ cho hay: “Gia đình em Phương rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố bệnh tật, ông và bác cũng bị bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam. Ở lớp Phương là học sinh ngoan, tích cực trong các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, có lẽ vì hoàn cảnh gia đình nên em khá ít nói, rụt rè”.
Với Phương ước mơ lớn nhất của em là mọi người trong gia đình không phải chịu những cơn đau vì bệnh tật giày vò lúc trái gió trở trời. “Ngày trước bố mổ tim lần 1 còn có tiền để đi viện khám lại, nhưng khi mổ tim lần 2 gia đình không có tiền để đưa bố đi tái khám. Em sẽ cố gắng học thật tốt, sớm có được công việc để cả nhà yên lòng” - em Phương chia sẻ.
Bệnh tật như ngọn lửa âm ỉ từng ngày chực chờ phá tan một gia đình. Nỗi đau của chiến tranh đang là mối đe dọa đối với Phương - nguồn hy vọng của gia đình. Phương đang cần lắm những vòng tay nhân ái của quý mạnh thường quân che chở em trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Anh Nguyễn Ngọc Quý - thôn Tân Hà, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội
Số điện thoại: 0936.016.516
Hoặc: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay
Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 14524