Clip: Mô hình nuôi dúi của chị Quàng Thị Mến ở bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.
Trước khi vào bản thăm mô hình nuôi dúi của gia đình chị Mến, một cán bộ xã Chiềng Cọ bật mí với chúng tôi: “Bản Ót Luông giờ xuất hiện nhiều triệu phú lắm. Người Thái ngày càng tham gia sâu rộng vào sản xuất hàng hóa. Họ đã biết tận dụng lợi thế địa phương để làm kinh tế. Cái cách mà vợ chồng chị Mến làm cũng rất đáng nể và trân trọng. Từ vài con dúi ban đầu, giờ chị Mến đã “sở hữu” cả trang trại dúi”.
Giữa trưa trời bản Thái trong và sâu thăm thẳm. Chúng tôi tình cờ gặp người phụ nữ được bà con trong bản gọi là “chuyên gia” nuôi dúi. Chị phóng xe máy băng băng trên con đường bê tông ngoằn nghèo của bản Thái, đưa chúng tôi về thăm cơ sở nuôi dúi của mình.
Bao năm lang bạt đất Tây Bắc, rất ít khi tôi thấy phụ nữ người Thái đứng ra làm kinh tế. Việc quán xuyến việc phát triển kinh tế trong gia đình đa phần do đàn ông chủ trì. Lần này gặp chị Mến, tôi còn đón nhận nhiều bất ngờ hơn. Người phụ nữ Thái đã tằng cẩu bước đi nhanh thoăn thoắn.
Vẫn sự hiếu khách của người Thái, chị bảo: “Nhà báo đến nhà phải ở lại đây “kin lẩu” – với gia đình tôi mới được. Tôi làm món thịt dúi nấu chuối ăn ngon tuyệt khoản đãi”.
Chưa kịp ngồi ấm chỗ, chị Mến dẫn chúng tôi đi thăm chuồng dúi. Từng ô chuồng được làm chắc chắn, theo hàng, theo lối. Phía trong dúi mẹ, dúi con gặm tre kêu sồn sột. Chúng ở yên trong chuồng mà chẳng màng đến bóng người đi vào.
Trong mỗi ô chuồng, chị Mến sắp xếp đám dúi ở theo độ tuổi. Dúi mẹ đang chửa ở một mình một chuồng. Dúi thương phẩm thì 5-6 con ở một ô. Họ hàng nhà gặm nhấm hiền khô như đất, chúng cứ lủi thủi trong các ô mà chẳng màng gì đến tình hình ngoài chuồng.
Chị Mến ngó từng chuồng rồi mở lời: “Đám này lành lắm. Có nhiều con tôi còn bế đi chơi được. Cả ngày chúng ăn rồi ngủ, không phá phách gì. Hơn nữa giống này ưa ở bóng tối, nên khi làm chuồng phải tránh để ánh sáng lọt vào”.
Chuồng dúi cũng được chị Mến làm bài bản. Phía trên lợp tôn, che lưới chống nóng. Trong chuồng còn lắp hệ thống quạt hơi nước. Theo chị Mến, những ngày nắng nóng vừa qua, nếu không làm mát chuồng, đám dúi dễ lăn ra chết hàng loạt.
Khi bước vào chuồng nuôi dúi của chị Mến, tôi có để ý thấy chi tiết khác biệt là trong ô chuồng nào cũng có một cái bát to tựa như như nuôi gà, nuôi vịt. Thay vì cho đám dúi gặm cả một khúc tre, chị Mến đã nghĩ ra công thức cho đám dúi ăn thức ăn qua phối trộn.
Theo chia sẻ của chị Mến, thời gian đầu nuôi dúi, chị cũng chặt tre, bương, mía thành từng khúc cho vào chuồng. Đám dúi thỏa sức mà gặm. Trải qua mấy năm, chị quan sát thấy nết ăn của đám dúi này vất vả quá. Con nào con nấy năn ra trên sàn mà gặm cả mấy tiếng mới hết được khúc tre.
“Tôi quan sát thấy chúng gặm thức ăn thành bột rồi mới chén. Mỗi ngày dúi chỉ ăn một bữa là đã hết mấy tiếng”, chị Mến cho biết.
Để đám dúi ăn được nhiều hơn, chị Mến đã nghĩ ra cách là nghiền nhỏ thân tre thành bột rồi trộn với bột ngô cho chúng ăn. Ban đầu chị cũng chỉ cho vài con chén thử, không ngờ nguồn thức ăn chế biến sẵn này làm cho đám dúi mê tít.
Chuyện chị cho dúi ăn cơm cũng diễn ra rất tình cờ. Ngày trước, mỗi khi con gái chị xuống thăm đám dúi ăn còn mang theo cả bát cơm. Nhìn đám dúi ăn, con gái chị xúc cơm đổ vào bát cho đám dúi. Không ngờ đám dúi lại rất thích ăn cơm. Từ đây, để dúi mau lớn, chị cũng thử nghiệm cho vài con dúi ăn cơm trộn với bột tre, bột ngô.
Sau một thời gian theo dõi, chị đưa ra cách so sánh, con dúi nào ăn cơm trộn bột ngô, bột tre nhanh lớn và khỏe hơn hẳn những con chỉ ăn tre, mía. Nhờ “công thức” mới này mà đàn dúi nhà chị sinh sôi và phát triển nhanh hơn những năm trước nhiều lần.
“Bình thường phải mất hơn một năm dúi mới đạt trọng lượng 2kg, nhờ cho dúi ăn cơm, bột ngô chỉ sau 10 tháng dúi đã đạt trọng lượng như vậy”, chị Mến chia sẻ.
Sau 5 năm nuôi dúi, chị Mến từng bước đúc rút được những kinh nghiệm quý báu. Nhờ vậy mà đàn dúi không ngừng gia tăng. Một năm chị bán được cả nghìn con dúi giống và thương phẩm. So với việc nuôi lợn, nuôi gà, việc nuôi dúi nhàn hơn, thu nhập cao hơn và ít rủi ro hơn.
Từ vài ô chuồng nhỏ ban đầu, đến nay, chị Mến đã có 2 cơ sở nuôi dúi. Một trại ở gần nhà và một trại ở trong núi. Không ai nghĩ rằng, cách làm của chị Mến lại mang lại thành công đến thế. Cả ngày chị Mến ở chuồng dúi để chăm sóc chúng. Việc gia đình chị chuyển sang nuôi dúi cũng hết sức tình cờ.
Bản Ót Luông nằm sâu trong chân núi đá. Bao đời bà con người Thái gắn bó với nương, với rừng cũng chỉ mong có được 3 bữa no. Ngày đó, gia đình nào cũng vất vả hết làm ruộng, làm nương, rồi trèo đèo lội suối vào rừng khai thác măng. Gia đình chị Mến cũng không thoát được guồng quay đó.
Cách đây 5 năm chồng chị theo đám thanh niên vào rừng săn dúi. Hôm đó, họ đã bắt được 6 con dúi còn sống có cả đực lẫn cái. Khi ông chồng hạ lệnh mang đám dúi này đi thịt để nấu chuối, nhìn đám dúi béo tròn béo trục, chị lại không nỡ khai dao.
Chị đã bàn với chồng nuôi đám dúi này, chứ không giết thịt. Ý tưởng của chị lại được chồng ủng hộ. Không ngờ hành động nhân đạo đó của chị Mến đã mở ra cái nghề mới hốt bạc cho gia đình.
Đám dúi rừng ban đầu rất khó thuần, nhốt chung một chuồng chúng hay cắn, đánh nhau. Nhất là khi dúi rừng sinh sản, chúng thường có phản ứng cực đoan, nếu người lạ đến gần chúng sẽ cắn chết sạch con. Sau nhiều lần theo dõi, chị Mến mới dần rút được kinh nghiệm và từng bước thuần hóa đàn dúi rừng.
Theo chị Mến, đám ngặm nhấm này là loài siêu đẻ. Chúng nuôi con khoảng 30 ngày, khi tách con được 6 ngày là chúng đã có thể ghép đối để phối giống. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho đàn dúi mẹ, mỗi năm chị Mến chỉ cho chúng đẻ 4 đến 5 lứa.
"Có con đẻ tới 5 đến 6 con. Chúng nuôi con rất khéo, tôi không phải can thiệp gì. Hơn nữa, nhờ thuần dưỡng được đám dúi rừng, nên chúng chẳng mắc bệnh gì", chị Mến nói.
Hiện trong trại của chị Mến đang nuôi 2 giống dúi: dúi ta (dúi rừng được thuần hóa) và giống dúi má đào. So với giống dúi rừng, dúi má đào dễ nuôi và cho khối lượng thịt nhiều hơn. Một con dúi má đào khi trưởng thành nặng từ 3 đến 6kg, trọng lượng sinh trưởng cao gấp đôi so với dúi ta.
Ở trang trại của chị Mến, chị có thể nói về đám dúi này cả ngày không hết. Trong năm tới, gia đình chị tiếp tục mở rộng sản xuất. Từ khi nuôi dúi, chưa lần nào chị phải mang dúi ra chợ bán. Những ông chủ nhà hàng ở dưới xuôi lên trại đăng ký mua sạch. Giá bán dúi hiện tại là 500.000đ/1kg mà trại không có đủ dúi để bán.
Hiện gia đình chị còn giúp cả chục hộ gia đình trong bản không có điều kiện trong bản mở trại nuôi dúi. Anh chị cung cấp giống, hướng dẫn kĩ thuật giúp bà con nuôi dúi. Nhờ đó, cuộc sống bản Thái nơi miền sơn cước ngày càng khá giả.