Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024, nước ta đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo, thu về gần 620 triệu USD.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,17 triệu tấn gạo, giá trị đạt gần 2,04 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh tới 33,6%.
Giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines vẫn là thị trường mua nhiều gạo nhất của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 4, Philippines đã chi 286,8 triệu USD để mua 478.700 tấn gạo, tăng 21% về lượng và tăng mạnh 45% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Philippines nhập khẩu 1,49 triệu tấn gạo từ Việt Nam, giá trị đạt 935,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo quốc gia này nhập khẩu từ Việt Nam chỉ tăng 15,5%, nhưng giá trị tăng tới 44,5%. Theo đó, thị trường Philippines chiếm gần 47% giá trị xuất khẩu gạo của nước ta trong 4 tháng năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines sẽ là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Lượng nhập khẩu gạo của quốc gia này trong năm nay có thể lên tới 4,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với mức 3,9 triệu tấn vào năm ngoái.
Trong khi đó, với lượng gạo dư thừa lớn và dự báo lượng mưa 'trên mức bình thường' có thể sẽ thúc đẩy gieo trồng lúa, Chính phủ Ấn Độ có thể xem xét dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo áp đặt vào năm ngoái.
Một quan chức của Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi cần xem xét dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu gạo vì triển vọng vụ thu hoạch kharif có vẻ tươi sáng”.
Tháng trước, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo lượng mưa 'trên mức bình thường' vào tháng 6-9 năm nay. Trong đó, 90% khả năng lượng mưa ở mức "bình thường đến cao hơn bình thường”. Năm ngoái, lượng mưa không đều và dưới mức bình thường đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa.
Thực tế, giá gạo bán lẻ của Ấn Độ tăng 12,7% so với cùng kỳ trong tháng 3, mức tăng giá dự kiến sẽ giảm nhẹ trong vài tháng tới do hiệu ứng cơ sở cao hơn.
Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ ban đầu đã cấm xuất khẩu gạo trắng và sau đó áp thuế vận chuyển 20% đối với gạo đồ để cải thiện nguồn cung trong nước khi giá vẫn tăng ở mức hai con số. Chính phủ đôi khi cho phép xuất khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của một số nước trên cơ sở có yêu cầu.
Trong năm tài chính 2023, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 22 triệu tấn gạo sang hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, trong năm tài chính vừa qua do các hạn chế vận chuyển gạo, khối lượng xuất khẩu đã giảm xuống còn khoảng 16 triệu tấn.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới kể từ năm 2012 với hơn 40% thị phần thương mại toàn cầu hàng năm.
Nếu Ấn Độ gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ tác động đến thị trường gạo toàn cầu, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cần nắm chắc thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.