Dự báo thế giới thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm 2024, cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam
Dự báo thế giới thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm 2024, cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam
Huỳnh Xây
Thứ sáu, ngày 26/04/2024 09:15 AM (GMT+7)
Đây là thông tin được đưa ra bởi đại diện Cục Xuất nhập khẩu tại hội nghị "Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1 năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới" do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm nay 26/4.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD, giá 640 USD/tấn, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I năm 2023, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I năm 2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường gồm gạo thơm các loại (ST24, ST 25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa...), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.
Cũng theo VFA, hiện giá lúa gạo nội địa điều chỉnh tăng nhẹ so với tuần trước, do nguồn cung tại khu vực ĐBSCL không còn nhiều. Cụ thể, bình quân giá lúa tươi tại ruộng đang ở mức 8.000 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg so với tuần trước, gạo nguyên liệu (lứt loại 1) ở mức 11.658 đồng/kg, tăng 75 đồng/kg, còn gạo thành phẩm 5% tấm ở mức 14.100 đồng/kg, tăng 282 đồng/kg.
Mặt khác, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
"Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam", ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.
Theo ông Sơn, Việt Nam đang tiếp tục tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Indonesia, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới.
Cũng theo ông Sơn, các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai,...đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng và canh tác nông nghiệp nói chung trên thế giới.
Từ đó, làm giảm nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có gạo, nâng giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới, đồng thời tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận và trở thành nhà cung cấp thay thế tại nhiều thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.