Mận Mộc Châu vào vụ, cả vùng cao nguyên như hối hả và tấp nập hơn. Bản trên, bản dưới cho đến những hộ dân sống ở vùng bình địa tất bật thu hái mận. Xe tải ở khắp nơi nối nhau về mua hàng. Mận năm nay không được mùa như mọi năm, nhưng bà con nông dân vẫn nhận được niềm vui là mận được giá và dễ bán.
Cây mận Mộc Châu đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của vùng cao nguyên. Ngày hội hái quả đang tới gần, đây cũng là cơ hội để bà con nông dân nơi đây quảng bá sản phẩm của mình.
Cách đây khoảng 3 thập niên, cây mận tam hoa bắt đầu được đưa vào trồng tại cao nguyên Mộc Châu. Khi đó bà con ở các bản Mông nơi đây vừa phá xong cây thuốc phiện. Việc trồng cây gì để bà con "quên" đi cây hoa anh túc đã gắn bó với họ bao năm quả là gian nan. Mộc Châu ở độ cao trên 1000m so với mặt nước biển, thổ dưỡng nơi đây phù hợp với việc phát triển cây ăn quả ôn đới. Cây mận được đưa về nhằm giúp bà con nông dân từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa.
Đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi đó là HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5. Cả vạn cây mận đã được các thành viên trong HTX trồng xuống. Sau 4 năm, cây mận đã bắt đầu cho ra quả bói. Quả mận to, đều và có chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, khi đó việc tiêu thụ mận gặp rất nhiều khó khăn. Anh Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX là người đã dành cả cuộc đời gắn bó với cây mận, với sự phát triển nông nghiệp vẫn còn chưa quên những ngày tháng đầy khó khăn đó.
Ngày đó, tư thương đến mua mận ở cao nguyên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lượng xe tải lên "ăn" hàng không thể tiêu thụ hết cả nghìn tấn mận. Giá mận chưa được 1.000 đồng/kg. Nghĩ xót của, anh Thịnh chở mận đi các vùng Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… bán mận.
"Ngày tôi chất hàng lên xe vui mừng bao nhiêu, ngày trở về buồn bấy nhiêu. Mận mang đi bán cả tuần không hết nổi một xe. Mận hỏng nhiều lắm và nhiều chuyến sau đi bán hàng tôi cũng bị rơi vào tình trạng tương tự", anh Thịnh chia sẻ.
Suốt mấy năm liền cây mận cho sai quả, bà con được mùa nhưng không vui, vì mận tiêu thụ gặp khó. Không riêng gì các thành viên của HTX mà cả nghìn hộ nông dân khác ở cao nguyên Mộc Châu đều gặp khó khăn vì mận Mộc Châu chưa tìm được đầu ra.
Sau nhiều vụ không bán được, một số hộ dân đã phá mận trồng cây khác. Nhìn sản phẩm của bà con làm ra mà chưa thu được hiệu quả kinh tế, anh Thịnh rất buồn. Cũng trong dịp đó, một cơ hội đã đến với HTX, anh Thịnh may được mời sang Pháp học cách chế biến rượu hoa quả. Một đơn vị của Pháp đã hướng dẫn và chuyển giao công nghệ nấu rượu hoa quả cho anh Thịnh.
Trở về cao nguyên, anh Thịnh đã bắt tay ngay vào việc sản xuất rượu mận. Với niềm đam mê cháy bỏng dành cho nông nghiệp, nên HTX đã từng bước đưa được sản phẩm rượu mận Mộc Châu ra toàn quốc. Số phận của cây mận đã được "cứu" kịp thời. Sau mỗi năm, nhà máy rượu tiêu thụ được phần lớn sản lượng mận của bà con.
Không dừng lại ở việc nấu rượu, do sau mỗi năm sản lượng mận ngày một nhiều hơn, HTX còn mua máy móc, đầu tư công nghệ sấy mận. Sản phẩm mận sấy dẻo của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận. Sau cả chục năm kiên trì đưa sản phẩm mới ra thị trường, giờ đây quả mận Mộc Châu đã thật sự có giá. Mỗi năm riêng HTX đã tiêu thụ vài trăm tấn mận.