Một loại quả dại ở nước ta tuy bề ngoài xấu xí nhưng trong các nghiên cứu cho thấy quả vả có khả năng chống ung thư, phòng bệnh tim mạch, ngăn ngừa huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, giúp xương chắc khỏe, làm tăng tiết sữa...Không chỉ vậy dễ loại cây này còn có tác dụng tiêu thũng, giải độc, tiêu viêm và chỉ thống.
Quả vả (tiếng Tày gọi là mác ngỏa), tên khoa học Ficus Auriculata, là một loài cây thuộc chi Ficus. Quả vả to hơn quả sung gấp nhiều lần, khi quả còn xanh có nhiều nhựa, nhiều nước bên trong, ăn rất chát.
Quả vả mật có vị ngọt và thơm, hiện nay, quả vả mật không còn nhiều như trước đây, nhưng đến mùa vả chín, thi thoảng tại một số chợ phiên ở các huyện, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh quen thuộc của người dân bán từng túi vả chín thơm ngọt với giá khoảng 30 - 40 nghìn đồng/kg. Tuy đây chỉ là thứ quả dân dã nhưng luôn gắn bó với tuổi thơ của con người miền núi khiến ai cũng không bao giờ quên.
Quả thường mọc thành từng chùm dài từ 10 - 50 quả ở gốc hoặc trên những cành riêng không có lá; quả còn non có vỏ màu xanh, lông mịn; lớp thịt bên trong quả có lớp cơm màu trắng hoặc màu đỏ tuỳ vào từng loại vả khác nhau.Khi quả chín, những quả vả mật to có màu đỏ tím, quả to bằng nắm tay.
Vả là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 5 - 10 m hoặc cao hơn nếu mọc trong rừng sâu; cây có nhiều cành, đầu ngọn nhiều lông; cây có lõi rỗng khi còn non, gióng như gióng tre, nứa. Lá vả rất to và tròn như lá sen, có thể được dùng để gói đồ; lá non dùng gói bánh bột lọc, bánh chứng kiến; tán lá rộng, phiến lá hình trái xoan, có lông ở mặt dưới. Cây vả thường mọc ở nơi ẩm ướt trong rừng, bờ mương, bờ suối.
Tuy mọc ở nhiều nơi nhưng loại quả này rất nhiều chất dinh dưỡng. Dược sĩ Lê Kim Phụng cho biết trong 100 gam trái vả sấy khô có chứa: protein 3,3 gam, chất béo 0,93 gam, đường 47,92 gam, các vitamin thuộc nhóm B như B1 0,085mg, B2 0,082mg, B3 0,619mg, B5 0,434mg, B6 0,106mg, B9 9µg, PP 0,3mg và C 1,2mg. Tổng lượng vitamin chiếm khoảng 37% trọng lượng trái khô. Một số lượng lớn các chất khoáng và vi lượng chiếm hơn 70%, cao nhất là calcium là 162mg (tỉ lệ 16%), magnesium 68mg (9%), còn lại như phosphor (16%), sodium (14%), sắt (8%), kẽm (6%), đồng, mangan... Ngoài ra trái vả còn cung cấp nhiều chất ở dạng hợp chất flavonoit và polyphenol, chất nhầy và pectin.
Mặc dù quả vả tốt nhưng chúng ta cũng cần lưu ý, vì hàm lượng đường cao nên trái vả thường được chế biến dạng bánh ngọt, thạch, mứt, vì thế trẻ em dùng nhiều có thể gây sâu răng và bị tiêu chảy
Quả vả khi chín ăn ngọt dịu, cắn thử một miếng sẽ thấy vị ngọt nhẹ của thịt quả vả tan dần nơi đầu lưỡi, tiếp theo là vị ngọt mát của lớp mật trong quả không lẫn vào đâu được. Đặc biệt bên trong ruột quả vả là lớp mật sóng sánh, ngọt dịu, ăn rất ngọt và thơm.
Ngoài ra theo đông y, đây là loại quả có vị ngọt, tính bình, tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu. Trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, kiện vị, cầm tiêu chảy...
Không chỉ ăn quả chín thơm ngon mà quả vả xanh cũng có hương vị đặc sắc. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trái vả xanh có thể dùng như rau (cắt lát mỏng chấm với mắm), trộn cùng với các loại rau khác, hoặc kho với một số nguyên liệu phù hợp. Món gỏi trái vả cũng được coi là một trong những món ăn đặc sắc; món sườn heo hoặc móng giò heo hầm trái vả rất bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, có tác dụng lợi sữa, an thần, trợ tiêu hóa. Trái vả chín phơi khô, sên với đường trở thành món mứt rất ngon, tốt cho sức khỏe người cao tuổi.