Phát biểu tại thủ đô Oslo, Thủ tướng Jonas Gahr Store cho biết việc Na Uy công nhận Palestine là một nhà nước sẽ diễn ra vào ngày 28/5. Ông nói: "Không thể có hòa bình ở Trung Đông nếu không có sự công nhận này".
Theo Al Jazeera, Ireland và Tây Ban Nha cũng có thể sẽ công bố kế hoạch công nhận một nhà nước Palestine.
Cho đến nay, 143 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã công nhận Palestine.
Hiện tại, chỉ có 8 trong số 27 thành viên EU – Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Thụy Điển và Síp – công nhận Palestine là một nhà nước. Trong số đó, chỉ có Thụy Điển công nhận Palestine là quốc gia có chủ quyền vào năm 2014.
EU không công nhận Palestine là một quốc gia bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao trong khối.
Tất cả các quốc gia châu Phi – ngoại trừ Cameroon và Eritrea – đều công nhận Palestine là một quốc gia.
Vào giữa tháng 4, Mỹ đã ngăn chặn một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn có thể mở đường cho việc người Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.
Trong khi đó, tại Israel, các học giả và nhà quản lý từ các tổ chức giáo dục đại học trên khắp nước này đã ký một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Israel chấm dứt chiến tranh ở Gaza và đảm bảo sự trao trả của những người bị giam giữ ở vùng đất Palestine.
Bản kiến nghị có tiêu đề "Lời kêu gọi Chính phủ Israel chấm dứt chiến tranh và đảm bảo sự trở lại của các con tin", nêu rõ rằng việc kết thúc chiến tranh và trao trả những người bị bắt là "mệnh lệnh đạo đức phù hợp với lợi ích của Israel".
Các bên ký kết nói thêm rằng mặc dù họ ủng hộ quyền tự vệ của Israel nhưng "mục đích ban đầu này đã cạn kiệt" và chính phủ không có quyền "tiến hành một cuộc chiến mà không có kết thúc thực tế hoặc nhằm vào sự sống còn chính trị của giới lãnh đạo".