Ngày 24/5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên phúc thẩm vụ Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo hơn 433 tỷ đồng, gồm của ngân hàng Quốc Dân (NCB) 47,5 tỷ đồng; của PVCombank 49,4 tỷ đồng; của ngân hàng Việt Á hơn 273 tỷ đồng và 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.
Theo án sơ thẩm, từ năm 2016, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty Jeongho để lập khống hồ sơ năng lực phục vụ vay tiền. Thành sau đó cầm sổ tiết kiệm của người cho vay làm tài sản đảm bảo và giả chữ ký để làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Thành còn vay tiền của một số người khác bằng hình thức cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng rồi thỏa thuận với nhân viên ngân hàng về việc phát hành thêm hợp đồng tiền gửi, bên cạnh sổ tiết kiệm. Với hợp đồng tiền gửi, Thành đưa cho người đồng sử hữu, còn mình dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đáo hạn ngân hàng.
Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ nên cùng một số người nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng và các cá nhân.
Hiện tại, Thành không thể khắc phục được toàn bộ 433 tỷ đồng nhưng cô ta còn tài sản là cổ phần tại Công ty MHD. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 3/4/2024, một doanh nghiệp có mong muốn mua lại số cổ phần này, giúp Hà Thành có tiền trả cho các bị hại. Do vậy, tòa án tạm dừng, để các bên thương lượng.
Mở tòa hôm nay (24/5), số cổ phần của Hà Thành tại MHD tiếp tục được "hỏi mua" nhưng có quá nhiều bên liên quan.
Đầu tiên, tòa đồng ý cho ông Nguyễn Ngọc Phương tham gia tố tụng với tư cách người liên quan. Ông Phương cho hay cổ phần của MHD đã được bị cáo Nguyễn Thanh Tùng – đồng phạm của Hà Thành – bán cho ông.
Lý do, ông Phương từng cho bị cáo Tùng vay tiền nhưng anh ta không trả được nên "gán nợ" bằng cổ phần. Giao dịch này diễn ra năm 2018, trước khi Tùng mang cổ phần đi cầm cố tại ngân hàng Việt Á.
Ông Phương đã tham gia 2 lần đại hội cổ đông của MHD nhưng sau đó lại bị tước quyền cổ đông với lý do cổ phần được thế chấp cho Việt Á. Hiện, ông Phương đã khởi kiện MHD trong một vụ dân sự.
Bị cáo Tùng khai, từng làm ăn chung, cùng Hà Thành mua Công ty MHD nên khi cô ta vay tiền ông Phương, Tùng phải đứng ra "nhận nợ". Dù cổ phần tại MHD đã được bị cáo thế chấp tại ngân hàng Việt Á nhưng ông Phương vẫn buộc anh ta phải chuyển nhượng.
"Bị cáo bị anh Phương ép phải chuyển cổ phần để trả nợ. Bị cáo nói không được vì em thế chấp cho Việt Á rồi nhưng anh Phương bảo cứ làm đi", Tùng khai.
Tòa án cũng xét hỏi, làm rõ số cổ phần bị cáo Tùng đang thế chấp tại Việt Á là 20,8% cổ phần của MHD. Đại diện doanh nghiệp này cho hay hợp đồng giữa ông Phương và bị cáo Tùng bị ghi "lùi ngày" so với thực tế còn hợp đồng thế chấp giữa Tùng và Việt Á hiện vẫn có hiệu lực.
Tại tòa, đại diện một doanh nghiệp cho hay họ vẫn giữ nguyện vọng mua lại cổ phần MHD của Nguyễn Thị Hà Thành (hiện đứng tên Tùng) nhưng cho rằng có nhiều việc liên quan cần làm rõ.
Đầu tiên là việc Hà Thành đồng ý bán nhưng doanh nghiệp phải trả "ngoài hợp đồng" 30 tỷ đồng để Thành "giải quyết khó khăn". Tiếp theo, cổ phần lại đứng tên Tùng nhưng anh ta lại thế chấp ở Việt Á. Đến nay, lại có thêm ông Nguyễn Ngọc Phương cũng nhận cổ phần này là của mình.
Doanh nghiệp do vậy đề nghị tòa xem xét số cổ phần đang thuộc về ai và chứng kiến giúp việc chuyển nhượng? Thẩm phán cho hay theo phạm vi xét xử, tòa không thể chứng kiến việc mua bán giữa các bên nhưng đồng ý cho các bị cáo Thành, Tùng xuống phía dưới, cùng doanh nghiệp thỏa thuận.
Sau 10 phút trao đổi, bị cáo Thành cho hay nhà đầu tư muốn lãnh đạo Công ty MHD, phải có mặt tại tòa, xác nhận việc chuyển nhượng. Đại diện doanh nghiệp cũng trình bày, cần lãnh đạo MHD đến tòa, làm rõ việc mua bán cổ phần để tránh tranh chấp về sau, như "trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Phương".
Do vậy, việc mua lại cổ phần của MHD, giúp Hà Thành khắc phục hậu quả vẫn chưa ngã ngũ. Chủ tọa thông báo, việc này phải được tiến hành trong 2 ngày xét xử để có căn cứ xác định trách nhiệm của Hà Thành nên tiếp tục cho các bên gặp gỡ, thỏa thuận.