Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GDĐT và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7/2024 dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Như vậy, từ 1/7/2024 khi cải cách tiền lương thì có thể bảng lương mới nhân viên y tế trường học tăng khoảng 30%. Ngoài ra, từ năm 2025, bảng lương mới nhân viên y tế trường học tăng 7% mỗi năm sau khi thực hiện cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, mức tăng cụ thể bao nhiêu thì còn phải cần phải đợi văn bản chính thức của cơ quan Nhà nước.
Mức lương nhân viên y tế trường học hiện nay (trước khi cải cách tiền lương), nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của chức danh tương ứng được tính cụ thể như sau: Chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp (hạng I), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 (nhóm A3.1), từ hệ số lương từ 6,20 đến hệ số lương 8,00 là 11.160.000 đến 14.400.000 đồng/tháng.
Chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78 là 7.920.000 đến 12.204.000 đồng/tháng.
Chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (hạng III) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 là 4.212.000 đến 8.964.000 đồng/tháng.
Chức danh nghề nghiệp y sĩ được áp dụng hệ số lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06: 3.348.000 đến 7.308.000 đồng/tháng.
Mức lương trên dành cho viên chức làm công tác y tế trường học, có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp bác sĩ, y sĩ quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ được xem xét để bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp bác sĩ, y sĩ.
Đa số nhân viên y tế trường học hiện nay là y sĩ, trình độ trung cấp.
Theo Thông tư liên tịch số 13 ngày 12/5/2016 của liên Bộ Y tế - GDĐT quy định về công tác y tế trường học thì nhân viên y tế trường học có nhiệm vụ thực hiện gần 20 nhóm đầu mục các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ học sinh..
Song thực tế, công việc của nhân viên y tế trường học vất vả hơn nhiều. Có người không chịu được đành phải bỏ nghề.
Chị T.L từng có hơn chục năm làm nhân viên y tế trường học tại TP.Hải Dương, năm ngoái, chị quyết định bỏ nghề vì mức lương không đủ sống.
"Thời đểm xảy ra dịch Covid-19, những nhân viên y tế trường học như chúng tôi có vai trò rất quan trọng trong công tác sàng lọc ban đầu. Nhưng hiện tại hết dịch, tôi lại không thể "gồng mình" thêm được nữa.
10 năm trong nghề, lương của tôi chưa nổi 5 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi con ăn học. Tôi ở trường từ sáng tới tối, chỉ đến khi học sinh về hết mới yên tâm ra về nên muốn nâng cao thu nhập cũng không có thời gian mà làm", chị T.L cho hay.
Chị Hoàng Thị Vân, một nhân viên y tế học đường mầm non tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, người ta cứ đồn nhau rằng nhân viên y tế học đường "sáng cắp túi đi, trưa rảnh chân tay, tối cắp túi về" mà không biết thực tế nghề này vất vả thế nào.
"Sáng nào chúng tôi cũng phải đến sớm để đón trẻ, kiểm tra an toàn vệ sinh lớp học, bếp ăn, thực phẩm. Ngoài ra là đủ công việc "trăm dâu đổ đầu tằm" như cân đo định kỳ chiều cao, thị lực cho trẻ, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ chẳng may bị tai nạn… Các giáo viên khi có vấn đề về sức khỏe tại trường, họ cũng gặp chúng tôi đầu tiên", chị Vân nói.
Mức lương của nhân viên y tế trường học còn khá thấp. Hàng chục năm công tác trong nghề này, được biên chế thì cũng chỉ nhận lương dao động từ 4-5 triệu/tháng.
Vì thế, đợt cải cách tiền lương từ 1/7/2024, nhân viên y tế trường học mong mỏi sẽ như "làn gió mới".
"Tôi nghe tin Bộ Nội vụ cho biết sẽ điều chỉnh, bổ sung quy định về vị trí việc làm và tiền lương thì rất vui. Chúng tôi cũng rất mong chờ lương nhân viên y tế trường học sau cải cách từ 1/7/2024, hy vọng sẽ được cải thiện để nhân viên y tế học đường gắn bó với nghề chứ không còn tình trạng ba cọc ba đồng nữa", chị Vân bày tỏ.
Theo Bộ GDĐT, đến cuối năm 2023, toàn quốc có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học, trong đó có 32.100 nhân viên y tế. Lương của nhân viên y tế học đường được tính là hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Ngoài ra, nhân viên y tế học đường cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi với các mức được hiệu trưởng các trường học xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.