Sau các phim truyền hình được coi là "bom tấn" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần về đề tài nông thôn như: Đất và người; Ma làng; Gió làng Kình... thế hệ đạo diễn kế tiếp vẫn theo đuổi đề tài này.
Theo NSƯT Lê Mạnh - Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) chia sẻ với Dân Việt: "Nói phim nông thôn gần đây thiếu hụt thì không hẳn chính xác. VFC vẫn luôn cố gắng đưa các phim về đề tài nông thôn lên sóng giờ vàng. Thực tế là phim truyền hình Việt vẫn không ngừng cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài nông thôn, tạo được tiếng vang và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Trong vài năm trở lại đây, sóng truyền hình VTV đã có không ít phim về đề tài nông thôn tạo ấn tượng, dấu ấn đối với người xem. Bí thư tỉnh ủy, Bão qua làng, Gia phả của đất, Đi qua ngày giông bão, Thương nhớ ở ai, Cát đỏ, Cô gái nhà người ta, Mùa xuân ở lại, Lối về miền hoa, Phố trong làng, Mẹ rơm... đều là các bộ phim về đề tài cuộc sống người nông dân và xây dựng và phát triển nông thôn. Những cái tên như: Phạm Thanh Phong, Trần Quốc Trọng, Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Danh Dũng, Lê Mạnh, Nguyễn Phương Điền, Mai Hiền, Trịnh Lê Phong, Vũ Minh Trí là những đạo diễn đã làm các bộ phim nông thôn gần đây".
Có thể thấy rằng, những bộ phim về đề tài nông thôn thành công trên sóng truyền hình đa số được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Đất và người chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ma làng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong. Chuyện làng Nhô được dựa trên tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Gia phả của đất được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Hoàng Minh Tường. Điều này cho thấy chúng ta thiếu những kịch bản phim được sáng tác mới về đề tài nông thôn.
Giới làm phim đều nhận định rằng, hiện nay vấn đề lớn nhất là thiếu kịch bản phim về đề tài nông thôn, về người nông dân vốn chiếm số đông trong xã hội hiện nay.
"Kịch bản về đề tài nông thôn hiếm vì đòi hỏi người viết cần sự hiểu biết, vốn sống cũng như sự chính xác trong các lĩnh vực. Mặt khác, số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi. Tôi hơi lo, tương lai sẽ không có đội ngũ làm phim nông thôn nữa" – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng bày tỏ.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải – nguyên giám đốc VFC, chỉ có kịch bản nào về đề tài nông thôn thực sự đặc biệt, có chất lượng nội dung xứng tầm mới được VFC lựa chọn để sản xuất. Được biết, số kịch bản đề tài nông thôn hàng năm chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam, nhưng lựa chọn được rất ít".
Biên kịch Huyền Lê thuộc VFC (từng viết kịch bản Mùa hoa tìm lại, Cô gái nhà người ta) chia sẻ rằng: "Đề tài về nông thôn dạo này cũng ít xuất hiện trên truyền hình vì khó tìm thấy người viết tốt về nông thôn. Nông thôn bây giờ là nửa nông thôn, nửa thành thị. Lớp biên kịch già lớn tuổi chưa quen lối sống đó nên không viết được, lớp trẻ như tôi thì không đủ trải nghiệm và sâu sắc để hiểu về "nông thôn" nên viết cũng khó. Nếu viết cũ thì không hợp thời đại, mà viết mới hẳn thì không đúng với nông thôn. Tôi cũng sinh ra ở nông thôn, có được chút ít sự trải nghiệm, tuy nhiên mấy bộ phim mà tôi viết về nông thôn, bản thân tôi thấy đều khá là khó. Bây giờ các vùng nông thôn đang đô thị hóa rất nhiều, nếu muốn viết tốt cũng phải nghiên cứu, đi đây đi đó…".
Đạo diễn, NSND Lưu Trọng Ninh cho rằng, phim đề tài nông thôn không còn hấp dẫn các đạo diễn trẻ, bản thân ông cũng thích làm phim về đề tài nông thôn nhưng chưa tìm được kịch bản hay, thu hút khán giả.
Nhà biên kịch Châu Thổ cho biết, trở ngại lớn nhất của phim về nông thôn chính là kịch bản. Thường thì kịch bản về đề tài này vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay. Song lâu nay, số đông nhà biên kịch đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình, vừa dễ viết và viết nhanh.
Khó khăn nữa mà các nhà làm phim phải đối mặt khi làm phim về nông thôn là xây dựng bối cảnh. Nhắc đến nông thôn, khán giả nhớ đến ngay hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Nhưng thời gian trôi qua, đời sống xã hội ngày một phát triển, nhiều làng quê đã "phố hóa" và "bê tông hóa".
Vì vậy việc dựng lại bối cảnh xưa rất tốn kém, nếu sử dụng kỹ xảo thì khó đạt được sự sinh động và chân thật. Điều này khiến các đạo diễn bị hạn chế sức sáng tạo, thêm nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian để tìm bối cảnh phù hợp.
Theo đạo diễn Trịnh Lê Phong - đạo diễn phim Cô gái nhà người ta, làm phim về đề tài nông thôn có nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất chính là điều kiện sản xuất. Đoàn phim phải chọn bối cảnh ở nhiều nơi khác nhau để tạo thành một làng, diễn viên phải đi xa, rất mất công và tốn kém... Sự thay đổi nhanh chóng của đời sống nông thôn hôm nay đòi hỏi biên kịch cũng như những nhà làm phim phải thực sự "sống với làng" thì mới có thể chuyển tải câu chuyện hấp dẫn tới người xem.
Biên kịch Trịnh Khánh Hà của VFC (biên kịch các phim Cô gái nhà người ta, Mùa hoa tìm lại) cho biết: "Đối với phim về đề tài nông thôn, có lẽ trở ngại lớn nhất là bối cảnh. Chúng tôi đa phần phải đi rất xa mới có được bối cảnh mình cần. Đồng thời, trong quá trình sản xuất cũng có những phát sinh, khó khăn do việc hạn chế của điều kiện sản xuất, điều kiện sinh hoạt của đoàn làm phim mang lại.
Hiện nay, nhiều làng quê đã "phố hóa", "bê tông hóa"... có nghĩa, đó mới là bộ mặt của nông thôn ngày nay. Khi bạn làm 1 bộ phim về nông thôn hiện đại cần phải mang "bộ mặt" đó vào thì bộ phim của bạn mới chân thật, câu chuyện của bạn mới thuyết phục. Nông thôn trong thời "bê tông hóa", khác với nông thời nhà tranh vách nứa.
Đó là nói đến việc làm phim về nông thôn đương đại, nếu bạn muốn làm về nông thôn trước đây, kể những câu chuyện thuộc về quá khứ thì việc phục dựng chắc chắn là khó khăn và tốn kém. Chúng tôi còn phải đi rất nhiều địa phương để chọn được những bối cảnh nhỏ, ghép thành một bối cảnh lớn, con ngõ ở làng A nhưng ngôi nhà liền với cái ngõ có khi ở tận làng B".
Ngoài bối cảnh, những con người làm phim nông thôn cũng phải am hiểu đời sống nông thôn và có những trải nghiệm thực tế thì mới cho ra những tác phẩm chân thực.
Biên kịch Huyền Lê cho rằng, khó có thể làm phim đề tài nông thôn hay nếu ít sự trải nghiệm thực tế. "Những đạo diễn có nhiều vốn sống làm phim nông thôn sẽ hay và tốt hơn. Với một biên kịch trẻ như tôi thì tôi cũng sẽ chỉ viết về những gì mà mình hiểu rõ", Huyền Lê chia sẻ.
Phim nông thôn khó tìm được nhà tài trợ, quảng cáo
Một điều quan trọng trong việc sản xuất phim truyền hình là vấn đề tài trợ, quảng cáo. Chia sẻ với PV Dân Việt, đạo diễn - NSND Khải Hưng cho biết: "Hiện nay, phim truyền hình chạy theo rating, quảng cáo. Những bộ phim nông thôn không được các nhà tài trợ ưu tiên cho quảng cáo do các sản phẩm quảng cáo thường là sản phẩm tiêu dùng ở thành thị.
Tôi hiểu cái khó của các đạo diễn phim hiện nay. Đài Truyền hình Việt Nam cũng giống như nhiều cơ quan báo chí đã phải bước sang cơ chế tự thu, tự chi. Khi phải tự nuôi mình, chỉ số rating trở nên quan trọng với mọi chương trình.
Phim Việt phát sóng giờ vàng càng phải gánh trên vai trọng trách về rating để thu hút quảng cáo. Những chương trình có thể thu hút quảng cáo như phim truyền hình còn phải "gánh vác" cho nhiều chương trình khoa học, giáo dục kén khán giả. Bởi thế, đề tài nào có rating tốt sẽ được ưu tiên sản xuất và đề tài gia đình hiện nay đang ăn khách.
Thời của tôi, khán giả cũng có xu hướng thích xem phim nông thôn, phim chính luận. Quả thật thời đó, dòng phim nông thôn phát triển vượt bậc với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng, đã tạo thành thương hiệu riêng".
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng cho hay: "Phim truyền hình bây giờ phụ thuộc vào nhà tài trợ và các đơn đặt hàng, mà đề tài nông thôn nếu không thú vị thì sẽ rất khó thu hút được khán giả".
Biên kịch Trịnh Khánh Hà cũng chia sẻ rằng, trở ngại của phim đề tài nông thôn chính là khán giả. Đề tài nông thôn vẫn là một đề tài kén khán giả, phải luôn cân nhắc để cân bằng được việc đa dạng hóa đề tài, nhưng cũng không thể bỏ qua lượng người xem, hiệu ứng xã hội, quảng cáo...
Đạo diễn Trịnh Lê Phong cho biết: "Phim về đề tài nông thôn thường không hút được tài trợ, quảng cáo nhiều như các phim về đề tài tình yêu, hình sự, gia đình, hôn nhân... Bởi vậy rất ít nhà sản xuất mặn mà với phim về nông thôn. Điều này thể hiện rõ ở số lượng phim ra lò hàng năm khá thưa thớt".
Để có thêm nhiều phim về nông thôn phải hội tụ tất cả những yếu tố cần và đủ để làm được nó: kịch bản hay, bối cảnh và con người, khán giả và nhà tài trợ.
Biên kịch Trịnh Khánh Hà cho biết: "Trong những năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực đa dạng hóa đề tài các bộ phim phát sóng trên truyền hình. Nếu nói về trở ngại thì tôi nghĩ là đề tài nông thôn hay bất cứ đề tài nào cũng có khó khăn và trở ngại cả. Đương nhiên là các khó khăn trở ngại ở mỗi đề tài, thể loại đều khác nhau".
Đạo diễn, NSND Khải Hưng đưa ra quan điểm rằng: "Hiện nay, không ai quan tâm đến đề tài nông thôn. Cả khán giả và đạo diễn... đều tập trung vào các đề tài hiện đại, tình yêu, cuộc sống thành thị... Để có nhiều phim về nông thôn thì đầu tiên phải có người quan tâm đến đến đề tài nông thôn, đó là định hướng lâu dài cho mảng đề tài này. Còn thời nào cũng có những vấn đề nông thôn hay, có thể chuyển tải".
NSƯT Lê Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình cho biết: "Phim nông thôn, phim chính luận là một thể loại phim được ưu tiên sản xuất với lực lượng chủ lực là VFC. Chúng tôi bố trí trên sóng VTV vào giờ vàng, đồng thời có tỉ lệ nhất định, quan trọng so với dòng phim khác để vừa khẳng định thương hiệu phim chính luận VTV, đồng thời là sự thu hút khán giả vì khán giả đang hết sức quan tâm đến vấn đề đương đại. Chúng tôi cố gắng đưa những vấn đề đời sống xã hội được đông đảo người dân quan tâm nhất qua góc nhìn của những người làm phim truyền hình. Dòng phim nông thôn chính luận sẽ được đa dạng hóa dựa trên việc khai thác những đề tài đương đại có vấn đề.
Có thể thấy nhiều bộ phim của VTV vẫn rất "hot" trong những năm gần đây là phim về đề tài nông thôn. Năm 2023 có thể nhắc đến bộ phim Mẹ rơm của đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Hay trước đó là Thương nhớ ở ai và Cát đỏ. Nếu Thương nhớ ở ai có bối cảnh ở miền quê Bắc Bộ thì với Cát đỏ, thân phận người phụ nữ được kể ở miền gió cát. VFC vẫn luôn sản xuất các bộ phim về đề tài nông thôn hàng năm, mặc dù, với đặc thù riêng, phim nông thôn cũng đem đến cho các nhà làm phim nhiều khó khăn so với các phim về thành thị".
Dù có nhiều trở ngại, khán giả yêu thích mảng phim về nông thôn vẫn có thể hy vọng vào những người đam mê dòng phim này và vượt qua những khó khăn của nó để tiếp tục tạo ra bộ phim nông thôn.
Biên kịch Trịnh Khánh Hà bày tỏ với Dân Việt: "Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, có lẽ chất "nông thôn" đã chảy trong huyết quản của mình rồi! Có thể nói đây cũng chính là phần chất liệu mà tôi có nhiều thực tế, nên cũng có sự tự tin nhất định.
Trong những năm vừa qua, tôi làm biên tập không ít phim về nông thôn, gần đây là Cô gái nhà người ta, Mùa hoa tìm lại... và tôi vẫn đang tiếp tục làm phim nông thôn. Đề tài này vẫn hấp dẫn tôi và tôi cảm thấy mình vẫn còn có nhiều chất liệu có thể khai thác".