Sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vì sao các đạo diễn không mặn mà với phim về nông thôn?

Hà Thúy Phương Chủ nhật, ngày 26/05/2024 08:04 AM (GMT+7)
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng làm nên "Đất và người", "Ma làng"... những bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn hết sức thú vị và ấn tượng. Ấy thế nhưng, sau ông, các thế hệ đạo diễn lại không mấy mặn mà với đề tài này.
Bình luận 0

Chia sẻ tại lễ tang của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hôm 24/5 vừa qua, NSND Lan Hương (Bông) bày tỏ với PV Dân Việt: "Sự ra đi của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chắc chắn là mất mát rất lớn đối với điện ảnh và truyền hình. Thế hệ tiếp theo có thể làm phim nông thôn, phim chính luận nhưng có lẽ sẽ thật thiệt thòi khi thiếu đi một người dẫn dắt, một nguồn cảm hứng như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần".

Sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vì sao các đạo diễn không mặn mà với phim về nông thôn? - Ảnh 1.

NSND Nguyễn Hữu Phần - đạo diễn ghi dấu ấn với đề tài nông thôn đã qua đời. Ảnh: FBNV

Những bộ phim về nông thôn của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tạo được cảm hứng, hiệu ứng trong dư luận

Năm 2000, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được các biên kịch Phạm Ngọc Tiến, Khuất Quang Thụy và đạo diễn Phạm Thanh Phong "rủ" làm phim Đất và người với kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông dành nhiều thời gian tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân khu vực nông thôn và nhanh chóng tìm được nguồn cảm hứng với mảng đề tài này.

Đất và người nói về mâu thuẫn giữa hai dòng họ tại làng Giếng Chùa, từ đó phản ánh đời sống nông thôn miền Bắc trong thời kỳ đầu đổi mới với những điều tốt, xấu đan xen. Nhân vật Chu Văn Quềnh (nghệ sĩ Hán Văn Tình đóng) được xây dựng với nhiều dấu ấn.

Khi đề tài nông thôn trên màn ảnh "nóng" dần lên nhờ Đất và người, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lại làm tiếp phim Ma làng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong). Khi lên sóng cuối năm 2007, Ma làng tạo ra cơn sốt với khán giả phim truyền hình, mở ra nhiều cuộc trao đổi, tranh luận.

Tác phẩm lấy bối cảnh một vùng quê nghèo miền Bắc những năm 1980, phản ánh cơ chế bao cấp lạc hậu. Bộ phim cũng đưa tên tuổi các nghệ sĩ Bùi Bài Bình, Kim Oanh, Phùng Cường... đến gần hơn nữa với công chúng.

Sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vì sao các đạo diễn không mặn mà với phim về nông thôn? - Ảnh 2.

Phim Đất và người của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ảnh: NSX

Sau dấu ấn Ma làng, đề tài về nông thôn tiếp tục được Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam "xới" lên qua bộ phim truyền hình dài 25 tập Gió làng Kình.

Đất và Người, Ma làng đem về cho đạo diễn Nguyễn Hữu Phần giải Đạo diễn xuất sắc tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2002 và năm 2007. Ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 28 (năm 2009), bộ phim Gió làng Kình của ông nhận giải Vàng. Với những bộ phim xuất sắc về đề tài nông thôn, nam đạo diễn được nhiều người yêu mến gọi bằng danh xưng "ông Phần nông thôn".

Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng tiết lộ, ông lựa chọn chủ đề nông thôn để khai thác vì nó có thể giúp ông phục vụ tới một bộ phận lớn khán giả: "Ở Việt Nam, nông thôn là một trong những nơi tập trung nhiều nhất mâu thuẫn về gia đình, dòng họ, đất đai, quyền lực… Nếu tìm hiểu nó và khai thác đúng về những hiện trạng như vậy, chúng ta sẽ có một dòng phim phục vụ đến gần 70% dân số ở nông thôn, đồng thời phản ánh được tâm trạng và suy nghĩ của họ".

Ông từng chia sẻ, sau khi phim Ma làng lên sóng, có một vị đại gia sống ở miền Nam đã liên lạc với đoàn phim và tặng tiền cho mọi người để liên hoan. Vị đại gia này cho biết, bộ phim đã làm sống dậy những hồi ức của mình về nhiều năm tháng lang bạt, khổ sở ở các vùng quê.

Trong khi đó, nhiều khán giả lại chia sẻ với đạo diễn rằng, họ muốn cùng con cái họ xem Đất và người để các con thêm hiểu về cuộc sống nông thôn: "Có khán giả khác tâm sự với tôi, họ muốn cùng con mình ngồi xem Đất và người để chỉ cho nó cánh đồng thế nào, con trâu ra sao… Tôi nghĩ rằng, kể cả người thành phố bây giờ hầu như cũng đều có xuất thân từ nông thôn. Cho nên, tôi muốn làm ra bộ phim đánh đúng vào tâm lý, tình cảm của họ" - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng chia sẻ.

Sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vì sao các đạo diễn không mặn mà với phim về nông thôn? - Ảnh 3.

Bộ phim "Làng trong phố" của đạo diễn Mai Hiền. Ảnh: VTV

Vì sao phim về nông thôn gần đây không nhiều?

Vài năm gần đây, dòng phim về đề tài hôn nhân - gia đình, tuổi mới lớn, tình yêu đôi lứa… tràn ngập sóng truyền hình khiến phim về nông thôn ngày càng hiếm hoi dần. Lâu lâu, trên truyền hình cũng có một số phim đề tài nông thôn do lớp trẻ thực hiện như: Lối về miền hoa; Cô gái nhà người ta; Phố trong làng; Làng trong phố... nhưng hiệu ứng không được như trước. 

Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn, NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình cho biết, qua một loạt phim như: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình... đã thể hiện sức hút của phim về nông thôn với khán giả.

Hiện nay, đa số đạo diễn cứng tay nghề đã về già, nhưng lớp trẻ chưa thật sự cáng đáng công việc nổi. Vì thế Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình từng phải áp dụng mô hình đồng đạo diễn: một đạo diễn có tay nghề cùng đạo diễn trẻ thực hiện một bộ phim. Sự rủi ro sẽ không cao và sau một thời gian đạo diễn trẻ sẽ cứng cáp tay nghề. Đây cũng là mô hình cũ thế giới đã làm.

Đạo diễn Khải Hưng cũng cho biết, thời đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm phim nông thôn rất dễ do khai thác dựa vào các tiểu thuyết có sẵn, phản ánh những đề tài nóng bỏng, có rất nhiều chuyện để nói nên các bộ phim có chỗ đứng trong lòng khán giả. Thời nay, các đạo diễn, biên kịch không quan tâm nhiều đến đề tài nông thôn như trước và sự trải nghiệm, am hiểu sâu về nông thôn cũng không được như tác giả văn học và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trước kia.

Diễn viên Kim Oanh - người được đạo diễn "chọn mặt gửi vàng" vào không ít vai diễn "gái quê" trong các phim nông thôn chia sẻ với Dân Việt: "Đề tài nông thôn hiện đại có nhiều hướng khai thác như chuyện lập nghiệp, chuyện tình yêu của người trẻ... Tuy nhiên, việc làm sao cho hay, cho hợp lý, chinh phục được khán giả thì không dễ, đòi hỏi những người giàu trải nghiệm".

Sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vì sao các đạo diễn không mặn mà với phim về nông thôn? - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Bùi Bài Bình đóng vai Tòng - một người nham hiểm, mưu mô trong "Ma làng". Ảnh: NSX

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng từng chia sẻ với Dân Việt rằng, làm phim nông thôn thì những yếu tố như tính cách nhân vật hay đơn giản là phục trang nếu nhà làm phim không có sự tìm hiểu kỹ thì rất dễ khiến bộ phim của mình bị mất đi "chất" nông thôn, không thể tìm thấy yếu tố nông thôn ở bất cứ góc độ nào của phim, nhất là nếu chỉ chú tâm tới việc khai thác yếu tố thành thị ảnh hưởng ra sao.

Tuy nhiên, gần đây, tốc độ và phương thức làm phim truyền hình có nhiều thay đổi. Các phim được thực hiện trong thời gian ngắn, các diễn viên và ngay cả các đạo diễn cũng không thể có thời gian thư thả để đào sâu được như trước. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng sẵn có của người làm phim.

Chia sẻ về khó khăn khi làm phim nông thôn, đạo diễn Mai Hiền bộc bạch: "Hiện nay, chúng tôi buộc phải làm phim "cuốn chiếu" với tốc độ cực nhanh, cực kỳ gấp gáp nên rất vất vả, từ cách thức tiếp cận đến quy trình làm phim. Chúng tôi buộc phải quay phim và thu thanh đồng bộ để tiết kiệm thời gian. Rất ít các diễn viên phù hợp với 2 yếu tố có cả hình lẫn đài từ tốt. Với bộ phim Làng trong phố, tôi cảm thấy khá may mắn vì đa phần các bạn diễn viên đều sinh ra ở nông thôn. Bản thân các bạn đã có những vốn sống của mình và đóng góp rất nhiều ý tưởng cho tôi. Tuy nhiên, không phải cái gì tôi cũng có thể đưa vào mà phải có sự chắt lọc kỹ càng".

Cơn sốt phim nông thôn là "cơn khát"?

Nói về sự thiếu hụt các phim nông thôn đặc sắc gần đây, NSND Bùi Bài Bình bày tỏ quan điểm với PV Dân Việt: "Vấn đề của phim nông thôn hiện nay là thiếu kịch bản, đặc biệt là những kịch bản gai góc. Những phim nông thôn ngày ngay có vẻ lành hơn không kiểu như Ma làng hay Gió làng Kình. Bởi vì nếu làm được thì sẽ rất hay và nhiều vấn đề. Nhưng nếu không làm được cho tới thì ai đó sẽ cho là phim nói xấu người ta, rất nhạy cảm. Vấn đề là người sáng tác, đạo diễn có dám động chạm đến vấn đề lớn hay không? 

Tôi vẫn hy vọng là có nhiều người làm được phim về nông thôn. Nói là làm phim nông thôn không khó, đơn giản, dân dã nhưng qua chuyện nông thôn để nói cái gì mới quan trọng. Câu chuyện nào cần được truyền tải trong bối cảnh đấy. Cũng có khó khăn là hiện giờ các biên kịch, đạo diễn của hãng lớn thường làm về xã hội hiện đại, thanh niên, trai tài gái sắc, văn minh, giải trí. Tôi nghĩ chắc các bạn cũng ngại động chạm.

Sau đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, vì sao các đạo diễn không mặn mà với phim về nông thôn? - Ảnh 6.

Cảnh trong phim "Tết ở làng địa ngục". Ảnh: NSX

Tôi cho rằng, khó nhất là với người viết kịch bản. Diễn viên đóng thì phải lượng sức mình, phải biết mình làm được đến đâu. Nếu là diễn viên chuyên nghiệp thì phải đóng được nhiều vai, hiền ác, khổ, sướng nhưng cũng không phải là ai cũng có thể đóng được tất cả loại vai. Như tôi, thường chỉ vào được các vai dân dã. Được sự động viên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tôi mới thử sức với phim như: Ma làng, Gió làng Kình. Nếu như bình thường thì tôi cũng không dám nhận vai như vậy".

Theo NSND Bùi Bài Bình, khi đóng Ma làng, ông đã phải mất một thời gian đi thực tế mới dám đảm nhận vai diễn: "Ban đầu, tôi cảm thấy không tự tin khi có sự chuyển mình như vậy nhưng nhờ có anh động viên, mang kịch bản đến cho tôi, hướng dẫn tôi từng li từng tí một để vào vai được tốt nhất. Vì anh, tôi chẳng ngại đi thực tế, dấn thân mình vào đây đó để tìm hiểu nhân vật của mình" - nam nghệ sĩ cho hay.

Gần đây, trên các diễn đàn phim ảnh, khán giả đã bày tỏ về sự chán ngán các câu chuyện gia đình na ná nhau như: chuyện đánh ghen; tình tay ba, tay tư; trả thù với những "drama" như phim nước ngoài... Nhiều khán giả đã hồi tưởng lại những bộ phim truyền hình gần gũi với cuộc sống người Việt trước kia như: Mảnh đời của Huệ; Sóng ở đáy sông; Chuyện làng Nhô ... cùng bộ phim giàu tính nhân văn khác. Nhiều khán giả cũng tự lý giải điều này rằng, thời gian trước, đội ngũ biên tập, biên kịch của VFC thường là các nhà văn điển hình là Nguyễn Thị Thu Huệ... còn ngày nay, đội ngũ biên kịch của VFC là các bạn trẻ.

Vài năm trước, bộ phim Thương nhớ ở ai của đạo diễn Lưu Trọng Ninh thu hút sự quan tâm đông đảo của khán giả. Đây là bộ phim phát triển từ nguyên tác văn học Bến không chồng và bộ phim điện ảnh cùng tên, bộ phim xoay quanh những thân phận người phụ nữ thời hậu chiến ở làng quê Bắc Bộ trong thời kỳ những năm 1954 - 1975 đầy biến động.

Năm 2023, bộ phim Tết ở làng Địa Ngục chiếm vị trí top 1 trên nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn ở Việt Nam ngay sau khi ra mắt. Sau 4 tập đầu phát sóng, Tết ở làng Địa Ngục tạo thiện cảm với khán giả. Phim vươn lên dẫn đầu danh sách xem nhiều trên K+ và Netflix khu vực Việt.

Đây là điều hiếm hoi đối với một tác phẩm đến từ Việt Nam, trong bối cảnh các bộ phim mới từ nước ngoài xuất hiện đều đặn trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến. Cơn sốt Tết ở làng Địa Ngục đã chứng tỏ "cơn khát" của khán giả với những câu chuyện thuần Việt.

Sau khi bộ phim Tết ở làng Địa Ngục phát sóng trên một số nền tảng đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả thì bộ truyện gốc cùng tên của tác giả Thảo Trang cũng được tìm mua nhiều hơn. 

Điều này đã cho thấy phim về đề tài nông thôn vẫn có sức hấp dẫn riêng, thậm chí đang là một "cơn khát". Cuộc sống, những câu chuyện, văn hóa của những vùng nông thôn vẫn luôn là hiện thực được cả xã hội quan tâm.  Vì thế, những bộ phim về đề tài nông thôn cần phải được quan tâm, đầu tư đặc biệt.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem