Dân Việt

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM

Hoàng Hưng 27/05/2024 13:13 GMT+7
Vụ tranh chấp nhà đất số 317 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP.HCM kéo dài từ năm 1991 đến nay đã hơn 33 năm. Vụ tranh chấp đã khiến nhiều bên liên quan bị "vạ" lây và nguy cơ gánh chịu thiệt hại nặng nề. Dự kiến vào ngày mai (28/5/2024), Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử lại phiên phúc thẩm.

Đây là vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn ông Nguyễn Thành Công (trú phường 11, quận 10, TP.HCM) với bị đơn bà Trịnh Tú Toàn (trú phường 4, quận 5, TP.HCM). Tài sản tranh chấp là nhà đất tại số 317 Trần Bình Trọng, phường 4, Quận 5, TP.HCM.

Hồ sơ vụ án thể hiện, vào năm 1991, sau thời gian liên kết làm ăn với Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện (HTXTD Bưu Điện), nhà đất số 317 Trần Bình Trọng thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thành Công đã bị mang ra chuyển nhượng. Vin lý do doanh nghiệp của ông Công còn nợ HTXTD Bưu Điện, lãnh đạo HTXTD Bưu Điện đã đề xuất với UBND quận 5 kê biên, phát mãi tài sản của ông Công để trả nợ.

Nhưng theo ông Công, số tiền doanh nghiệp ông Công chuyển trả cho HTXTD Bưu Điện không chỉ trả hết nợ, mà còn trả dư hơn 709,5 triệu đồng và 194 lượng vàng. Tuy nhiên, khi đó thì nhà đất 317 Trần Bình Trọng đã được HTXTD Bưu Điện chuyển nhượng xong cho bà Trịnh Tú Toàn.

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM- Ảnh 1.

Mặt tiền nhà đất 317 Trần Bình Trọng hiện bỏ hoang hóa, cửa đóng, then cài. Ảnh: H.H

Từ đây, nhà đất 317 Trần Bình Trọng được chuyển nhượng sang tay cho nhiều đời chủ khác nhau, kéo dài suốt 33 năm qua. Cụ thể: Sau khi nhận chuyển nhượng xong nhà đất trên, bà Trịnh Tú Toàn chuyển nhượng lại cho Công ty Hải Đường (2008), Công ty Hải Đường chuyện nhượng cho ông Quách Chánh Sang (2009), ông Quách Chánh Sang chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Đặng (2019). Và, năm 2020, ông Nguyễn Hữu Đặng chuyển nhượng nhà đất 317 Trần Bình Trọng cho ông Trương Công Minh.

Ông Nguyễn Thành Công đã khiếu nại HTXTD Bưu Điện tự tiện chuyển nhượng tài sản mình từ năm 1991, nhưng không được cơ quan chức năng nào giải quyết. Mãi đến năm 2018, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM mới thụ lý vụ án và đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 26 - 31/3/2020.

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM- Ảnh 2.

Nhà đất 317 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP.HCM. Ảnh: H.H

Bản án sơ thẩm công nhận nhà đất 317 Trần Bình Trọng là tài sản hợp pháp của ông Công. Buộc ông Nguyễn Hữu Đặng, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh và những người liên quan giao trả nhà cho ông Công. Mặt khác, TAND TP.HCM cũng tuyên hủy các giấy tờ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến nhà đất 317 Trần Bình Trọng, mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã cấp cho các đời chủ trước ông Đặng.

Song, ngày 17/7/2020, Bản án phúc thẩm lại "Chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Hữu Đặng: Công nhận nhà, đất tọa lạc tại 317 Trần Bình Trọng, phường 4, quận 5, TP. Hồ Chí Minh thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của ông Nguyễn Hữu Đặng và bà Nguyễn Thị Ngọc Linh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CH00424 do Ủy ban nhân dân Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh đã cập nhật chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Đặng ngày 02 tháng 5 năm 2019…".

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM- Ảnh 3.

Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020 do TAND cấp cao tại TP.HCM ban hành. Ảnh: H.H

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM- Ảnh 4.

Tại trang 31 của Bản án phúc thẩm số 242 đã công nhận quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà đất 317 Trần Bình Trọng cho ông Đặng và bà Linh. Ảnh: H.H


Trên cơ sở đó, ông Đặng đã chuyển nhượng nhà đất cho ông Trương Công Minh. Sau khi thanh toán và đóng đủ lệ phí trước bạ, cơ quan chức năng đã cập nhật tên ông Minh trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vào ngày 15/9/2020.

Bất ngờ, ngày 27/4/2022, TAND tối cao đã ra Quyết định giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM. Giao hồ sơ vụ án về TAND cấp cao tại TP.HCM để xét xử phúc thẩm lại.

Theo ông Trương Công Minh: "Để mua căn nhà 317 Trần Bình Trọng, tôi đã sử dụng số tiền mà gia đình tích lũy trong nhiều năm là 80 tỷ đồng và tôi đã vay thêm tiền ngân hàng số tiền 140 tỷ đồng, tổng cộng là 220 tỷ đồng để thanh toán cho ông Nguyễn Hữu Đặng. Tôi nhận chuyển nhượng căn nhà vì tin vào Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và đã công nhận quyền sở hữu hợp pháp cho ông Nguyễn Hữu Đặng. Nay, bản án phúc thẩm bị hủy và xét xử lại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình như tôi".

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 33 năm ở TP.HCM- Ảnh 5.

Hiện nhà đất 317 Trần Bình Trọng được ông Trương Công Minh nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Hữu Đặng với giá 220 tỷ đồng. Ảnh: H.H

Trong khi đó, về phía ngân hàng cho rằng: Trong khoảng thời gian sau bản án phúc thẩm, tới lúc quyết định cho vay; không có bất kỳ văn bản nào ngăn chặn hay cảnh báo về việc hạn chế giao dịch đối với tài sản của cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn thế, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất Quận 5 là cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở về đất đai cũng chấp nhận ghi vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 23/9/2020 (sau khi bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT 242/2020/DS-PT có hiệu lực hơn 2 tháng).

Việc TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm giải quyết các quan hệ tranh chấp đối với tài sản, trước thời điểm ngân hàng nhận thế chấp, có thể gây thiệt hay nghiêm trọng cho ngân hàng. Và có khả năng gây mất tài sản bảo đảm của khoản vay, dẫn đến thu hồi nợ khó khăn hoặc không thể thu hồi.

Vì vậy, phán quyết của tòa phúc thẩm tới đây, liên quan đến tài sản nêu trên cần xem xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, là bên thứ 3 ngày tình, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Công văn 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của TAND tối cao và Công văn số 02/2021/TANDTC-PC ngày 2/8/2021.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên tòa trong phiên xử vào ngày 28/5 sắp diễn ra.