Hơn 10 năm là chi hội trưởng Hội Nông dân ở thôn, bản, bà Nguyễn Thị Lâm (47 tuổi) ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho biết hiện giờ bà chỉ được tham gia BHYT y tế. Dù rất mong muốn được tham gia BHXH bắt buộc nhưng tới giờ bà cũng chưa được tham gia.
"Tôi mong nhà nước xem xét hỗ trợ để chúng tôi có thể tham gia BHXH bắt buộc. Dù sao thì chúng tôi cũng hoạt động, cống hiến cho công việc của cộng đồng, hỗ trợ công việc công giúp cho đội ngũ công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng chúng tôi lại khá thiệt thòi vì chỉ có trợ cấp tiền lương 400-500 nghìn đồng/tháng mà không có thêm bất cứ khoản tiền nào", bà Lâm nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan - Chi hội trưởng hội Phụ nữ (48 tuổi) tại một phường hoạt động trên địa phận quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, chị tham gia công việc này được 5 năm, qua 2 nhiệm kỳ. Thường 1 nhiệm kỳ chỉ có hơn 2 năm.
Tiền lương không có, hợp đồng lao động cũng không, chị chỉ được hỗ trợ duy nhất chiếc thẻ BHYT. Vậy nhưng, công việc nào của tổ dân phố cũng đến tay chị. Từ tuyên truyền kế hoạch hóa dân số; hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn tín dụng; tuyên truyền BHXH...
Nhiều lần cũng mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện nhưng hỏi cán bộ chính sách phường, thì cán bộ nói bà chưa đủ điều kiện để được tham gia BHXH bắt buộc. Tham gia tự nguyện thì tiền trợ cấp không đủ để đóng (trợ cấp tiền lương của chị chỉ hơn 500 nghìn đồng/tháng).
"Tôi nghe nói Nhà nước đang xem xét để đóng BHXH bắt buộc cho chúng tôi. Nếu được thì đây có lẽ là tin vui nhất cho chúng tôi", chị Lan nói.
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có tới hơn 86.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Thường đội ngũ này không phải là công chức, chỉ hoạt động không chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều vị trí. Tiền lương và các chế độ phúc lợi cho nhóm lao động này cũng khá là thấp. Với quy mô tăng thêm của các đơn vị hành chính cấp xã phường khả năng thời gian tới người hoạt động không chuyên trách có thể tăng thêm 7.400 người.
Qua tìm hiểu của PV Báo Dân Việt, người hoạt động không chuyên trách ở các tổ dân phố, thôn bản, hoặc các xã phường có mức trợ cấp tiền lương khá thấp chỉ từ vài trăm nghìn đồng cho tới trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp tiền lương do ngân sách UBND các tỉnh thành chi.
Vừa qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, trong nội dung thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐTBXH cũng đã có những tiếp thu giải trình về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đề cập đến vấn đề này và cho rằng, hiện nay phụ cấp hằng tháng cấp cho các đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố rất thấp, chỉ khoảng vài trăm nghìn đến 1-2 triệu đồng/tháng. Giờ nếu phải trích nộp BHXH theo dự thảo luật thì phần trợ cấp tiền lương thực nhận của họ còn thấp hơn.
Bà Kiều cũng cho rằng số lượng đối tượng này trên cả nước không phải là ít nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng BHXH cũng không nhỏ (khi họ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như luật đề xuất).
"Vì vậy tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá phân tích nhiều chiều tham khảo ý kiến từ nhiều đối tượng khi quy định họ phải tham gia BHXH bắt buộc” - đại biểu nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn TP Cần Thơ) đề nghị cân nhắc khi đề xuất đối tượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố sang nhóm đối tượng tham gia BHXH.
“Cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố là những người hoạt động không ổn định. Đặc biệt đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp thôn, tổ dân phố thì nhiệm kỳ của họ chỉ có 2 năm rưỡi và sau nhiệm kỳ đó lại phải tìm kiếm những người cán bộ khác để tham gia. Vì vậy, nếu chúng ta quy định đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc sẽ rất khó theo dõi và rất khó quản lý” - đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh lý giải.
Đại biểu đề nghị đưa đối tượng này sang đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong khi đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định lộ trình tất cả người lao động đủ 15 tuổi trở lên, có việc làm, có thu nhập, tiền lương đều phải tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người quản lý điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng tiền lương; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; các đối tượng còn lại sẽ là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tự nguyện.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triệt để quy định và thực hiện theo nguyên lý “tất cả người lao động đủ 15 tuổi trở lên, có việc làm, có thu nhập, tiền lương đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” thì cần có thêm các điều kiện khác bảo đảm về kiểm soát thu nhập, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về việc làm trên cả nước, thay đổi nhận thức và thói quen của người lao động… những vấn đề này phải có thêm thời gian và thay đổi dần theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.