Chậm trễ tăng lương cho cán bộ không chuyên trách: "12 năm làm cán bộ, lương chỉ 3,5 triệu đồng, chẳng ai muốn làm nữa..."

Minh Nguyệt Thứ bảy, ngày 08/10/2022 13:54 PM (GMT+7)
Tiền lương quá thấp, tháng chỉ được 2-3 triệu đồng, không đáp ứng đủ cho sinh hoạt cuộc sống, công việc áp lực, thường xuyên phải "đứng mũi chịu sào" khiến cho nhiều cán bộ trẻ không chuyên trách cấp xã phường phải nghỉ việc.
Bình luận 0

Không tăng lương, tiền lương thấp, công việc vất vả: Đi không được, ở không đành lòng

Bà Phạm Thị Loan  (63 tuổi)- Bí thư chi bộ thôn xuân Phụ (Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận từng có thâm niên 22 năm công tác, qua nhiều vị trí. Mặc dù vậy, hiện giờ bà Loan cũng chỉ nhận mức tiền lương gần 2,5 triệu đồng/tháng.

Bà Loan cho biết, thôn bà quản lý khá rộng, dài tới 3,8km với 360 hộ, gần 1.600 nhân khẩu. Vì thế việc vận động thuyết phục người dân thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước rất vất vả, mà mức tiền lương như vậy là chưa xứng đáng. 

Hiện đa số cán bộ không chuyên trách cấp xã phường là những người già, không còn sức khỏe mới làm. Còn lớp trẻ bây giờ đào tạo, bàn giao xong thì họ không làm, bởi vì tiền lương quá thấp không đủ đáp ứng cuộc sống.

tăng lương cán bộ không chuyên trách

Nhiều cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thôn, bản phải nghỉ việc vì lương thấp, công việc vất vả. Ảnh: N.V

"Nhiều Đảng viên trẻ bị kiểm điểm với lý do là họ không chấp hành sự phân công nhiệm vụ của Đảng bộ hay của tổ chức. Thế nhưng, tiền lương thấp, bao năm không tăng lương thì làm sao họ có thể làm công việc với lương không đủ sống được. Với mức lương 2-3 triệu đồng, kể cả ở nông thôn thì cũng không thể đủ ăn, đủ tiêu được. Nguyên tiền xăng xe, điện thoại tháng cũng mất 400-500 rồi, chưa kể là đình đám, con cái học hành... Chúng tôi đề xuất Nhà nước sớm tăng lương, thêm phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã, thôn bản", bà Loan nói.

Nỗi khổ tâm lớn nhất của người cán bộ như bà Loan là dù đã già (63 tuổi) muốn nghỉ làm nhưng không tìm được người kế cận để thay thế, bàn giao. "Tôi van lơn với chi bộ xin nghỉ, nhưng chi bộ  nói bây giờ chưa có người bàn giao nên lại động viên tôi cố gắng. Nhiều khi cũng rất mệt vì cứ đào tạo cán bộ trẻ kế cận được vài tháng hoặc 1 năm cái là họ lại bỏ đi làm công ty, làm ăn ngoài", bà Loan nói.

"Dân còn trêu, cán bộ mà giờ còn nghèo hơn nông dân. Nghĩ cũng đúng. Nhưng may mà không ốm đau, chứ ốm đau đi viện nữa thì không biết thế nào".

Bà Phạm Thị Loan (63 tuổi)- Bí thư chi bộ thôn xuân Phụ

Bản thân bà Loan (28 tuổi) trước đây cũng từng tham gia cấp ủy, được bầu làm chủ tịch hội phụ nữ xã. Thế nhưng vừa trúng cấp ủy, làm được 3 khóa bà đã phải xin nghỉ vì lúc đó hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các con lại còn nhỏ. Mãi tới lúc hơn 40 tuổi, khi các con đã lớn, kinh tế vững vàng hơn, chi bộ bầu thì bà mới làm tiếp.

Mới đây xã có bầu lại trưởng thôn, một số người không nhận, Đảng ủy gọi lên gọi xuống, dọa dẫm kỷ luật. Thế nên nhiều người 'nhận gượng'. Có mấy thôn, trưởng thôn đã 69-70 tuổi rồi mà vẫn "được" tín nhiệm bầu làm tiếp.

Thực tế bà Loan nêu không sai, bởi với mặt bằng kinh tế địa phương, lao động phổ thông đi cào ngao ngày cũng kiếm được 500-700 nghìn đồng, làm vài tiếng là về nhà nghỉ ngơi, người đi làm thợ hồ ngày cũng nhận được 300-400 nghìn đồng là ít. Còn làm cái bộ thôn thì ngày chưa được 100 nghìn nên chẳng ai muốn làm cán bộ.

"Trong khi đó, công việc thì vất vả, việc gì cũng đến tay. Đụng tí là mâu thuẫn, va chạm. Chính bởi vậy, nhiều cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm, nói không chuẩn, không đúng chủ chương, đường lối là không tuyên truyền vận động được nhân dân, thậm chí dân còn chửi", bà Loan nói.

"Tiền lương thấp, chậm trễ tăng lương, nói dân cũng không nể"

Anh Nguyễn Hữu Minh (39 tuổi) trưởng thôn, kiêm bí thư thôn Đại Trường (xã Hoằng Trường; Hoằng Hóa, Thanh Hóa), kiêm trưởng ban thú y xã, cũng là một trong số những cán bộ không chuyên trách đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như vậy.

Anh Minh tâm sự, 12 năm công tác, kinh qua nhiều vị trí, giờ nhận tới 3 nhiệm vụ nhưng đổi lại mức lương hiện nay anh nhận được cũng chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này tiền điện thoại xăng xe có khi là hết chứ nói gì đến việc ăn uống chi tiêu hay chăm lo cho gia đình. Tất cả chi tiêu trong gia đình phải phụ thuộc vào công việc kinh doanh, buôn bán của vợ anh.

Chậm trễ tăng lương cho cán bộ không chuyên trách: "12 năm làm cán bộ, lương chỉ 3,5 triệu đồng" - Ảnh 3.

Cán bộ không chuyên trách phường, xã, thôn, bản kiến nghị tăng lương, trợ cấp để họ yên tâm công tác. Ảnh: T.T

"Nhiều lúc nghĩ cũng ngậm ngùi, tính ra lao động phổ thông đi biển tháng cũng kiếm được chục triệu dễ như trở bàn tay, còn mình làm cán bộ mà lương không đủ ăn. Tiền lương thấp, dân nhìn cũng không nể, không có vị thế. Biết vậy, nhưng nghĩ nhiều cũng không làm gì được, chấp nhận làm cán bộ là chấp nhận hy sinh", anh Minh nói. 

Không có đủ kiên nhẫn, như anh Minh, nhiều cán bộ không chuyên trách vì “miếng cơm manh áo" đã phải bỏ việc. Như anh Nguyễn Văn Sang (Tp, Thanh Hóa) đã phải bỏ việc.

Anh Sang kể, cách đây 10 năm anh làm phó bí thư đoàn phường, công việc nhiều, lương phụ cấp quá thấp. Lấy vợ có con xong cuộc sống lại khó khăn nên anh nghỉ việc đi xuất khẩu lao động.

"Lúc đó mình cũng mong muốn được gắn bó lắm, nhưng cuộc sống không cho phép. Không có sự lựa chọn nữa nên đành phải nghỉ việc thôi", anh Sang nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem