Trải qua hơn 7 thập kỷ, ngành Chăn nuôi của nước ta đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa hoạt động chăn nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các thành phần xã hội tham gia, có được vị thế cao trong khu vực và thế giới.
Bức tranh tổng thể của ngành chăn nuôi Việt Nam trên bản đồ toàn cầu năm 2022 - 2023 như sau: Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, sản lượng sữa tươi nguyên liệu đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng đầu khu vực ASEAN và đứng thứ 12 thế giới.
Giai đoạn 2010 - 2022, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nông nghiệp với sản lượng thịt các loại tăng 1,75 lần, trứng tăng 2,9 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2 lần… Ngoài ra, ngày càng nhiều sản phẩm chăn nuôi đã được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến…
Những đóng góp của ngành chăn nuôi không những mang lại lợi ích kinh tế, tạo cơ hội việc làm, bảo đảm an sinh xã hội mà còn là nguồn thu nhập của hàng triệu hộ gia đình, góp phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, chăn nuôi Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh; hệ thống sản xuất thiếu đồng bộ, chưa có liên kết bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, quy mô sản xuất còn ở mức vừa và nhỏ nên khó áp dụng công nghệ hiện đại; năng suất thấp, giá thành cao; còn phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và con giống nhập khẩu; công tác giết mổ tập trung, chế biến chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến sức cạnh tranh về chất lượng, giá thành so với thị trường thế giới chưa cao; công tác dự báo còn yếu dẫn đến chưa chủ động sản xuất, mất cân bằng cung cầu.
Công tác quản lý môi trường và điều kiện chăn nuôi (đặc biệt là quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi) chưa được quan tâm và đầu tư có hệ thống từ chính sách đến công nghệ..., khiến chăn nuôi còn thiếu bền vững.
Vì vậy, trong thời gian tới, định hướng phát triển ngành Chăn nuôi Việt Nam là tập trung chuyên môn hóa, đa dạng hóa hình thức và sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi hiện đại, hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường xuất khẩu.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Chăn nuôi biên soạn cuốn sách "Toàn cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam". Đây là cuốn sách thứ 8 báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, phối hợp xuất bản trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trước đó, báo Nông thôn Ngày nay đã xuất bản các cuốn như: Toàn cảnh nông nghiệp 4.0; Toàn cảnh OCOP, từ làng ra thế giới; Toàn cảnh đầu tư vào nông nghiệp; 10 năm Tự hào Nông dân Việt Nam;... cho thấy sự năng động của báo Nông thôn Ngày nay với các hoạt động, sự kiện ngoài mặt báo.
Cuốn sách được xem là tài liệu đặc biệt giới thiệu một cách toàn diện, chi tiết về ngành chăn nuôi, từ lịch sử hình thành, vai trò và vị trí của ngành đến những thành tựu tiêu biểu đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng nhận định những thách thức, thời cơ, định hướng phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới.
Cuốn đặc san được bố cục gồm 05 chương:
- Chương I. Tổng quan: Ghi lại những đánh giá, góc nhìn của một số thành viên Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Cục Chăn nuôi về chặng đường phát triển của ngành trong hơn 7 thập kỷ qua.
- Chương II. Dấu ấn và đột phá: Giới thiệu các dấu ấn đột phá về công tác lai tạo giống vật nuôi; những kết quả nổi bật trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi, theo hướng hữu cơ, trong hệ thống kinh tế tuần hoàn; những thành tựu về công tác giết mổ, chế biến…
- Chương III. Tầm nhìn: Giới thiệu về thể chế, chính sách phát triển và hội nhập của ngành như Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; các chính sách bảo hiểm vật nuôi, xu hướng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy thị trường carbon trong chăn nuôi…
- Chương IV. Thu hút đầu tư vào chăn nuôi: Ghi nhận làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi từ các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, những địa phương dẫn đầu cả nước về chăn nuôi…
- Chương V. Thách thức và hội nhập: Tập trung phân tích những thách thức, khó khăn đối với ngành trong thời gian tới và xu thế hội nhập, chuyển dịch và phát triển chăn nuôi toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của tập thể, cá nhân đã có những đóng góp quý báu cho cuốn sách, đặc biệt là Hội đồng biên tập cuốn sách, tập thể các nhà báo đã cố gắng cung cấp cho độc giả góc nhìn tổng quan nhất về ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong quá trình biên tập chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, vì vậy, những góp ý của độc giả không những giúp cuốn sách hoàn thiện hơn trong lần tái bản tiếp theo mà còn là những ý kiến góp ý quý báu cho những nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hội, hiệp hội cùng người chăn nuôi có góc nhìn đẩy đủ hơn về sự hình thành, phát triển và định hướng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.