Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành

Đức Cường Thứ tư, ngày 29/05/2024 13:33 PM (GMT+7)
Hạ lưu Sông Dinh ở Ninh Thuận là khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây khu vực này đã trải dài một màu xanh thẳm của cây trái. Công trình đập hạ lưu Sông Dinh đi vào hoạt động không chỉ ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả mà còn tạo cảnh quan môi trường và phát triển du lịch.
Bình luận 0

Cuối tháng 5, Ninh Thuận bước vào cao điểm mùa khô hạn, nhiều địa phương của tỉnh này vẫn bao trùm bởi nắng nóng.

Để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Ninh Thuận đã và đang nỗ lực điều tiết nước từ hồ chứa để tưới cho hàng nghìn hecta cây trồng. Đồng thời vận hành công trình đập hạ lưu Sông Dinh để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất ổn định cho hơn 500ha đất nông nghiệp ở vùng hạ du cửa biển.

Đập hạ lưu Sông Dinh ngăn mặn, giữ ngọt

Một ngày cuối tháng 5, PV Dân Việt trở lại các thôn An Thạnh, xã An Hải (huyện Ninh Phước) và chứng kiến một màu xanh bạt ngàn của rau màu, cây trái. Trải dài hai bên bờ Sông Dinh, đoạn từ cầu Đạo Long 1 đến đập hạ lưu Sông Dinh là những cánh đồng nho, táo, măng tây…xanh mướt ngút tầm mắt.

Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành- Ảnh 1.

Đập hạ lưu Sông Dinh ngăn mặn, tạo hồ nước ngọt 3,5 triệu khối ở cửa biển Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Đang tất bật theo nước cho 2 sào nho đỏ (2.000 mét vuông) của gia đình, nông dân Lê Ngọc Phước ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải (huyện Ninh Phước) cho biết, thời điểm này những năm trước đất nông nghiệp của gia đình hầu như bỏ trống vì nhiễm mặn.

Theo ông Phước, những năm 2000 trở về trước cứ đến mùa khô hạn là nước từ cửa biển tràn vào khiến đất đai hai bên bờ Sông Dinh bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nguồn nước ngầm cũng mặn hóa khiến nông dân không thể sản xuất.

Khoảng 4 năm trở lại đây, công trình đập hạ lưu Sông Dinh đi vào hoạt động nông dân ai nấy đều phấn khởi. Công trình này vừa ngăn được dòng nước mặn do triều cường từ biển tràn vào, vừa giữ được nước ngọt ở hạ lưu Sông Dinh cho bà con sản xuất nông nghiệp.

Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành- Ảnh 2.

Nông dân Lê Ngọc Phước ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước yên tâm theo nước cho cây nho đỏ truyền thống ở địa phương. Ảnh: Đức Cường

"Từ ngày có đập ngăn mặn, người dân ai cũng mừng. Vào thời điểm hạn nhất như năm, chúng tôi không còn lo lắng về nguồn nước như trước đây nữa, cánh đồng nào giờ cũng có nước tưới đầy đủ, cây cối tốt tươi. Nông dân yên tâm sản xuất làm giàu trên chính mảnh đất của mình …", ông Phước cho hay.

Nông dân Ninh Thuận yên tâm sản xuất

Nằm ở phía Bắc bờ Sông Dinh, gia đình bà Hồ Thị Thuận ở khu phố 8 phường Tấn Tài (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) có hơn 1 sào (1.000 mét vuông) rau màu hưởng lợi gián tiếp từ nguồn nước ngọt của đập hạ lưu Sông Dinh.

Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành- Ảnh 3.

Bà Hồ Thị Thuận ở khu phố 8 phường Tấn Tài, TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Đức Cường

Bà Thuận cho biết, đập hạ lưu Sông Dinh đã góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn, đem lại lợi ích lớn cho người dân. "Nhờ có đập giữ nước, nông dân chúng tôi không còn lo lắng về nguồn nước vào mùa nắng hạn, năng suất cây trồng tăng gấp 2-3 lần so với trước, thu nhập cũng khá để phát triển kinh tế gia đình…", bà Thuận phấn khởi nói.

Ông Hồ Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND xã An Hải (huyện Ninh Phước) cho biết, trước đây cứ cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu, người dân nơi đây lại thấp thỏm lo âu hạn hán xâm nhập mặn.

Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành- Ảnh 4.

Nông dân yên tâm sản xuất nho và các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Phong, hạn hán xâm nhập mặn khiến nguồn nước từ cửa biển ngược Sông Dinh hàng chục km xâm nhập vào đất liền. Có thời điểm, hàng trăm hecta cây trồng của nông dân bị chết héo do nhiễm mặn, nguồn nước giếng nhiễm phèn, mặn hóa không thể tưới tiêu.

"Thế nhưng, hiện nay tình trạng trên đã không còn. Đập hạ lưu Sông Dinh đã và đang phát huy hiệu quả đảm bảo nước tưới cho hơn 100ha đất nông nghiệp ở xã An Hải. Đồng thời đảm góp phần đảm bảo nguồn nước và phòng chống lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn…", ông Phong cho hay.

Clip: Đập hạ lưu Sông Dinh ngăn mặn, tạo hồ nước ngọt 3,5 triệu khối ở cửa biển Ninh Thuận. T/h: Đức Cường

Tạo hồ nước ngọt 3,5 triệu khối cho sinh hoạt

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, hệ thống công trình đập hạ lưu Sông Dinh là dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận được khởi công xây dựng vào tháng 3/2017 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Chính phủ.

Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành- Ảnh 5.

Đậu hạ lưu Sông Dinh cũng nối đôi bờ Sông Dinh giúp giao thương hàng hóa. Ảnh: Đức Cường

Công trình đập gồm 6 khoang điều tiết, mỗi khoang rộng 37,8m có thể đồng loạt nâng lên, hạ xuống để xã lũ hoặc tích nước tạo thành hồ nước ngọt dung tích 3,5 triệu khối. Các âu thuyền rộng 6,2 mét, dài 21 mét đảm bảo cho các tàu thuyền du lịch qua lại.

Song song với hệ thống đập là cầu giao thông và đường nối tiếp dài 480 mét, rộng 18 mét theo tiêu chuẩn đường đô thị gồm 4 làn xe và 2 làn người đi bộ, là một trong 4 cây cầu giao thông quan trọng nối liền hai bờ sông Dinh.

Công trình được áp dụng thiết kế, thi công và vận hành theo công nghệ hiện đại trong ngành thủy lợi, bắt đầu đưa vào hoạt động vào tháng 4/2020.

Một hồ nước ngọt 3,5 triệu m3 ở cửa biển Ninh Thuận do đập ngăn mặn hạ lưu Sông Dinh tạo thành- Ảnh 6.

Các âu thuyền ngăn mặn, giữ nước ngọt của đập hạ lưu Sông Dinh ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vào mùa khô năm nay, đập hạ lưu Sông Dinh đã vận hành đóng cửa đáy từ tháng 2 để ngăn mặn, giữ ngọt. Nhờ đó, vùng hạ lưu 2 bên bờ sông đã không còn hiện tượng nhiễm mặn, hơn 500 ha cây trồng dọc 2 bên bờ được canh tác ổn định.

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận (đơn vị quản lý vận hành đập hạ lưu Sông Dinh) cho biết, bên cạnh ngăn mặn giữ ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đập hạ lưu Sông Dinh còn tạo hồ nước ngọt khổng lồ hơn 3,5 triệu khối cung cấp cho các nhà máy nước Đông Mỹ Hải, cũng như cấp nước cho khu công nghiệp vực phía Nam của tỉnh.

"Công trình này cũng góp phần quan trọng trong việc nối liền đôi bờ Sông Dinh, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, cải thiện khí hậu trong khu vực TP. Phan Rang-Tháp Chàm. Qua đó tạo bước đột phá trong quy hoạch khu vực ven sông, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phục vụ phát triển đô thị trong tương lai…", bà Vân cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem